Dù xác lập kỷ lục SEA Games 31 với tổng cộng 205 HCV, thế nhưng thể thao Việt Nam cũng chỉ dám đặt chỉ tiêu giành tối thiểu 3 HCV tại ASIAD 2022 và phấn đấu có huy chương Olympic 2024.

Hân hoan với con số kỷ lục 205 HCV tại SEA Games 31, thế nhưng khi nhìn về các đấu trường lớn hơn như ASIAD hay Olympic, thể thao Việt Nam canh cánh nỗi lo thành tích.

Có một thực tế là trong 20 năm trở lại đây, thể thao Việt Nam luôn trong tốp 3 huy chương ở SEA Games, nhưng ra tới ASIAD và đặc biệt là Olympic, chúng ta kém rất nhiều nước trong khu vực.

11
VĐV bơi Nguyễn Huy Hoàng xuất sắc nhất SEA Games 31 với 5 HCV, 2 kỷ lục, song "không có cửa" tranh huy chương ở Olympic

Mới nhất là tại Olympic Tokyo 2020, Việt Nam nằm trong nhóm 7 quốc gia Đông Nam Á không có huy chương nào, xếp sau 4 nước có huy chương là Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines.

Thống kê tại SEA Games 31 cho thấy, trong 205 HCV của đoàn Việt Nam, số HCV đến từ các môn Olympic là 112 HCV, chiếm 56%; số HCV thuộc các nội dung thi đấu tại Olympic 2024 là 86 HCV, chiếm 42%.

Các thông số này đều kém hơn các đoàn xếp sau tại SEA Games 31 là Thái Lan, Singpore, Indonesia, và kém chính tỉ lệ 85% của Việt Nam tại SEA Games 2017.

Điền kinh chiến thắng rực rỡ tại SEA Games 31 với số HCV kỷ lục là 22, song Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn nhận định, điền kinh Việt Nam "không có cửa" tranh huy chương ở Olympic, có chăng chỉ là ASIAD với 2-3 nội dung thế mạnh.

Tương tự là ở môn bơi, 11 tấm huy chương vàng cùng 4 kỷ lục vừa thiết lập tại SEA Games 31 không đảm bảo cho cơ hội có huy chương Olympic.

12
Nguyễn Thị Oanh (3 HCV, 1 kỷ lục) xuất sắc nhất tuyển điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31 song chỉ dám đặt mục tiêu HCB tại ASIAD tới, không dám mơ huy chương Olympic

Đội tuyển vật Việt Nam áp đảo SEA Games 31 với 17 HCV, 1 HCB trên tổng số 18 nội dung thi đấu nhưng như lời Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn thì "chúng ta chẳng là gì khi ra tới đấu trường ASIAD, Olympic".

Cũng bởi vì thế mà dù xác lập kỷ lục SEA Games 31 với tổng cộng 205 HCV, thế nhưng thể thao Việt Nam cũng chỉ "dám" đặt chỉ tiêu giành tối thiểu 3 HCV tại ASIAD 2022 và phấn đấu có huy chương Olympic 2024.

Theo ông Trần Đức Phấn, cần duy trì chiến lược đầu tư cho các nội dung thế mạnh có khả năng tranh chấp huy chương, bên cạnh việc phát huy nguồn lực xã hội hoá trong bối cảnh ngân sách trung ương hàng năm rót cho thể thao còn hạn chế.

"Nếu được đầu tư xứng tầm, tương lai VĐV Việt Nam hoàn toàn có thể đạt 10 HCV ASIAD và thường xuyên giành huy chương tại Olympic", vị lãnh đạo ngành thể thao nói.

Ngày đăng: 09:31 | 25/05/2022

Băng Tâm / ANTĐ