Hiệu ứng năm đầu nhiệm kỳ, các "liều thuốc bổ" phát huy tác dụng, đầu tư và rủi ro cải thiện... khiến 2021 sẽ là năm bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới.

Covid-19 bùng nổ đã kéo năm 2020 xuống đáy của một chu kỳ kinh tế khi tăng trưởng của cả năm nay chỉ đạt 2,91% - mức thấp nhất một thập kỷ.

Tuy nhiên, nhờ kết quả chống dịch thành công và các gói kích thích kinh tế toàn diện đã làm cho mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đạt được sự thành công. GDP quý IV tăng 4,48%, cao hơn con số 2,69% của Quý III đã khiến cho xu hướng phục hồi kinh tế trở nên chắc chắn hơn và năm 2021 có triển vọng sẽ bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới vì những đặc trưng sau đây.

Hiệu ứng năm đầu nhiệm kỳ

Đại Hội Đảng lần thứ XIII dự kiến được tổ chức đầu năm 2021, là sự kiện chính trị quan trọng và có tính quyết định của 5 năm tới. Những chủ trương, đường lối và chính sách mà Đại Hội đề ra sẽ trở thành định hướng quan trọng để phát triển đất nước về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế.

Mô hình tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động và tài nguyên, vốn đã thành công và góp phần vào quá trình phát triển đất nước trong hơn 35 năm thực hiện đổi mới và hội nhập, giờ đã không còn phù hợp với điều kiện nội tại cũng như hoàn cảnh quốc tế trong thời kỳ mới.

Theo đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được xem là những trụ cột chính trong mô hình tăng trưởng mới của nền kinh tế Việt Nam. Điều này sẽ mở ra một giai đoạn phát triển tiếp theo với sự thúc đẩy của những động lực kinh tế lần đầu tiên được nhìn nhận này.

Mô hình và chính sách mới cần được điều hành bởi tư duy đổi mới và sáng tạo. Sau Đại Hội, chính quyền từ trung ương đến địa phương sẽ có những nhà lãnh đạo mới. Chắc chắn trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ họ sẽ nỗ lực tối đa, thể hiện tài năng điều hành và lãnh đạo đất nước bằng các giải pháp quyết liệt để thực hiện các đường lối, chủ trương mà Đại Hội đã đề ra. Chính vì vậy, năm 2021 có thể trở thành điểm bùng nổ của một chu kỳ tăng trưởng tiếp theo.

2024 2
Người dân mua sắm tại siêu thị ở TP HCM. Ảnh: Như Quỳnh.

Các "liều thuốc bổ" phát huy tác dụng

Giãn cách xã hội, tạm dừng các hoạt động kinh tế để chống dịch Covid-19 trong năm 2020 đã khiến cho sức khoẻ của nền kinh tế vô cùng ốm yếu. Vì vậy, Chính phủ đã tung ra rất nhiều gói hỗ trợ, giảm đau và kích thích kinh tế, ví như các liều thuốc bổ.

Các gói cứu trợ từ trực tiếp đến gián tiếp cho người lao động, khu vực doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng nội địa trên diện rộng, đẩy mạnh đầu tư công và tăng cường xuất khẩu. Chính sách tiền tệ và tài khoá cũng được nới lỏng tối đa. Gói đầu tư công hơn 700.000 tỷ đồng đã được giải ngân hơn 70% và các dự án đang được đốc thúc ngày đêm để đảm bảo tiến độ.

Nhưng thể trạng ốm yếu của nền kinh tế lúc đó không thể hấp thu toàn bộ các gói hỗ trợ và kích thích này. Các nguồn vốn trên phần lớn còn tồn đọng lại trong các kênh truyền dẫn, tạo ra một hiệu ứng dòng vốn giá rẻ. Vì vậy, đây sẽ là những động lực rất mạnh để cộng hưởng với các yếu tố cơ chế chính sách cởi mở nêu trên, thúc đẩy nền kinh tế chuyển động và bắt đầu tăng tốc trong năm 2021.

Khẩu vị rủi ro được cải thiện

Suốt năm 2020, diễn biến bất định của dịch bệnh và các giải pháp ứng phó như giãn cách xã hội, phong toả nền kinh tế đã khiến nhiều người sợ hãi. Và không có một chính sách kích thích kinh tế nào chống được sự sợ hãi đó trừ phi người ta tin rằng dịch bệnh đã thực sự được kiểm soát và đẩy lùi. Việc thử nghiệm vaccine, nếu thành công trên người sẽ được tiêm chủng rộng rãi trong năm 2021 như một sự bảo đảm mọi thứ đã an toàn cho cộng đồng.

Khi đó, chắc chắn nhiều người sẽ lao vào công việc, quyết tâm hơn, cố gắng hơn để bù đắp cho những thiếu hụt và mất mát của năm cũ. Điều này khiến cho các hoạt động kinh tế sẽ trở nên sôi động trong năm tới. Các dự án kinh doanh, kế hoạch, quyết định đầu tư vì Covid-19 trước đây phải tạm hoãn, hoặc vì các ràng buộc về điều kiện tài chính – tín dụng khiến cho tính khả thi bị mất đi thì giờ đây hoàn toàn có cơ hội để tái khởi động, với một nỗ lực và quyết tâm mạnh hơn.

Điều quan trọng là hiệu ứng tâm lý và yếu tố hành vi lúc này sẽ làm cho người ta sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn vì nỗi sợ hãi đã bị xua tan và lòng tin vào môi trường vĩ mô được cải thiện đáng kể với các tín hiệu lạc quan nêu trên.

Quyết tâm cao, dám chấp nhận rủi ro hơn, tâm lý cố gắng thích ứng với "trạng thái bình thường mới" được cộng hưởng, thúc đẩy bởi các chính sách kinh tế cởi mở, điều kiện tài chính - tín dụng nới lỏng, vốn và các điều kiện đầu vào của sản xuất - kinh doanh được làm cho dễ dàng hơn. Những điều này sẽ tạo ra một quá trình phục hồi bền vững và tăng trưởng ổn định. Quá trình đó nếu được duy trì tốt sẽ tạo một sự chuyển động quan trọng cho nền kinh tế trong một giai đoạn mới.

2028 3
Một góc Xa lộ Hà Nội (quận 2) hướng về trung tâm TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Một thế hệ doanh nghiệp mới

Covid-19 quét qua toàn bộ nền kinh tế thế giới và Việt Nam như một cuộc sàn lọc mạnh tay và đào thải đớn đau với các doanh nghiệp. Luật tiến hoá thật khắc nghiệt nhưng nó mang lại sự phát triển. Những công ty, tổ chức không trụ được đã bị giải thể, phá sản nhưng bên cạnh đó cũng có hàng nghìn doanh nghiệp được thành lập mới cũng như rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh, hình thức hoạt động một cách thành công.

Điển hình như một doanh nghiệp nổi tiếng với hệ thống phân phối điện thoại di động và hàng điện tử trên toàn quốc đã cho ra đời dịch vụ "đi chợ thay bạn – giao hàng tận nơi" trong một khoảng thời gian rất ngắn để thích nghi với tình trạng giãn cách xã hội làm cho các cửa hàng bán lẻ gần như tê liệt.

Hay như nhiều nông dân từ chỗ chưa quen thuộc với internet đã buộc phải tìm hiểu để có thể dùng mạng xã hội quảng bá và giao dịch hàng nông sản trong giai đoạn cách ly chống dịch. Và việc các doanh nghiệp gỗ từ chỗ chỉ xuất nguyên liệu sang thị trường Trung Quốc đã chuyển sang sản xuất ra thành phẩm với chất lượng và mẫu mã tốt hơn để chinh phục các thị trường khó tính hay tiêu dùng trong nước...Đó là những ví dụ cho thấy Covid-19 đang tạo ra một sự phát triển doanh nghiệp mới tốt hơn.

Một khảo sát được thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới và Tổng Cục Thống Kê Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 9 năm nay có hơn 60% doanh nghiệp trong mẫu khảo sát đã tiến hành chuyển đổi số thành công để thích nghi với bối cảnh bất ổn của môi trường kinh doanh do tác động của Covid-19. Thập niên tới đã tạo ra sức ép nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và mô hình kinh doanh kiểu mới.

Các ý tưởng, mô hình kinh doanh sáng tạo được thúc đẩy, cổ vũ bởi cơ chế chính sách đột phá, được hỗ trợ bởi các nguồn vốn đầu tư giá rẻ, được hấp thụ bởi sự phục hồi của tổng cầu sẽ thôi thúc ra đời một thế hệ doanh nghiệp mới. Thế hệ doanh nghiệp này chắc chắn sẽ tạo ra một chu kỳ tăng trưởng mới.

PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo
Giảng viên Đại học Kinh Tế TP HCM

Viễn cảnh nào cho châu Á trong năm 2021? Viễn cảnh nào cho châu Á trong năm 2021?

Với những biến động trong năm 2020 từ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, căng thẳng Mỹ - Trung… cho đến vấn đề Biển Đông, ...

Dầu thô năm 2021 sẽ ra sao Dầu thô năm 2021 sẽ ra sao

Nhu cầu dầu năm sau sẽ vẫn thấp so với tiền đại dịch, nguồn cung phụ thuộc vào các nước lớn, còn Joe Biden sẽ ...

Ngày đăng: 07:29 | 01/01/2021

/ vnexpress.net