20 bước chân sang Bình Nhưỡng của ông Trump có thể là khoảnh khắc lịch sử nhưng nó khó mang lại bước đi đột phá cho tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Trong một cử chỉ đầy kịch tính, ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên và cũng là người đầu tiên sắp xếp một cuộc gặp đầy ngẫu hứng với người đứng đầu của quốc gia Đông Bắc Á.
32 giờ sau dòng trạng thái trên Twitter, 2 nhà lãnh đạo gặp nhau ở một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới, bắt tay và trò chuyện thân mật. Ông Trump bước qua vạch bê tông ngăn cách biên giới liên Triều, đó chắc chắn là khoảnh khắc đi vào lịch sử.
Sau cái bắt tay lịch sử, cả 2 nhóm họp hơn 1 giờ tại Nhà Tự Do trên lãnh thổ Hàn Quốc trước khi ra quyết định tái khởi động đối thoại, trước hết là các cuộc đối thoại cấp chuyên viên trong 2-3 tuần tới. Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ ngỏ ý mời ông Kim tới Nhà Trắng trong một tuyên bố khiến tất cả đều bất ngờ.
Bước đi lịch sử sang lãnh thổ Triều Tiên của Tổng thống Trump. (Ảnh: Getty)
Cuộc gặp chóng vánh với xuất phát điểm là lời mời ngẫu hứng nối lại sợi dây kết nối Mỹ-Triều vốn đứt đoạn nghiêm trọng sau thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội cách đây 4 tháng.
Thay vì những lời đe dọa, cảnh báo, hạn chót liên tục được 2 bên đưa ra vài tháng qua, cuộc gặp bất ngờ hôm 30/6 được xem là lời đảm bảo rằng cả Washington và Bình Nhưỡng vẫn đang tiếp tục xúc tiến cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và mong muốn xóa bỏ những bất đồng từng khiến 2 nước gần như "trở mặt" cách đây vài tháng.
Cách Tổng thống Trump đưa ra lời mời cũng như việc Triều Tiên nhanh chóng phản hồi hay lời gật đầu chấp nhận gặp mặt của ông Kim cho thấy cả 2 bên đang nóng lòng giải quyết tình trạng bế tắc kéo dài nhiều tháng, tạo ra động lực cho những ngày tháng đàm phán sau này.
Như Tổng thống Moon Jae-in khẳng định, cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo Mỹ-Triều mang lại nhiều kỳ vọng và mong đợi cho 80 triệu dân trên bán đảo Triều Tiên.
“Thông qua cuộc gặp này, về vấn đề phi hạt nhân hóa cũng như thiết lập nền hòa bình đang tiến triển trên bán đảo Triều Tiên. Tôi tin rằng chúng tôi đã vượt qua được một rào cản cho cả tiến trình đó. Vì thế, 80 triệu người dân trên bán đảo Triều Tiên đã được trao hy vọng nhờ vào cuộc gặp này”, Tổng thống Moon khẳng định.
Phát biểu trước các nhà báo có mặt tại khu Phi quân sự DMZ sau khi hội đàm với ông Kim, ông Trump khẳng định Washington vẫn sẽ duy trì lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, nhưng lưu ý rằng một số biện pháp trừng phạt có thể được dỡ bỏ trong quá trình đàm phán.
Với bà Sue Mi Terry, chuyên gia CSIS về các vấn đề Triều Tiên, lời gợi mở này của Tổng thống Trump cho thấy ông có thể đang tìm cách rời khởi chính sách "gây áp lực tối đa" với Bình Nhưỡng.
"Tổng thống Trump đang tìm kiếm một thỏa thuận. Và giờ đây khi các cuộc đàm phán được nối lại, mục tiêu sẽ là một thỏa thuận phải đạt được", bà Sue nói.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá cuộc gặp này phần nhiều mang tính biểu tượng thay vì tạo ra bước đột phá thật sự cho quá trình phi hạt nhân hóa. 1 tiếng gặp mặt rõ ràng là không đủ cho những kế hoạch dài hơi, những cam kết dài hạn mà chỉ đủ để 2 bên cho nhau thấy ý định của mình.
Victor Cha, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng cuộc gặp mới đây giống như một "chương trình truyền hình thực tế" và "ngoại giao giả tạo".
"Ông Moon nghĩ rằng những màn chụp ảnh chung sẽ giúp ích cho quá trình phi hạt nhân hóa? Ông Trump có thể không biết nhưng ông Moon nên biết. Các bước chân trên đất Triều Tiên của ông Trump sẽ là lịch sử nếu nó dẫn tới các cuộc đàm phán hạt nhân, một thỏa thuận có thể kiểm chứng và một hiệp ước hòa bình. Nếu không, nó cũng chỉ dừng lại là vài bức ảnh đẹp để trang trí", ông Cha viết trên Twitter.
Đồng quan điểm với ông Cha, nhà bình luận chính trị nổi tiếng người Mỹ Nicholas Kristof cho rằng cuộc gặp giống với buổi chụp hình hơn là ngoại giao hạt nhân.
Theo cây viết Foster Klug của AP, nhiều người không nên quá lầm tưởng về cuộc gặp này, bởi những tấm ảnh đẹp, những cuộc gặp bất ngờ đã trở thành dấu ấn đặc trưng của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ này. Nó khó có thể thay đổi căn bản một mối quan hệ chìm đắm trong nhiều thập kỷ bao trùm bởi ngờ vực và đổ máu.
"Lịch sử chỉ phán xét nó ở một điểm duy nhất: Liệu nó có giúp giải quyết được tham vọng theo đuổi hạt nhân của Triều Tiên hay không", Klug viết.
Một số chuyên gia cho rằng vào thời điểm hiện tại, các chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump phần nào xua tan các mối đe dọa về hạt nhân của Triều Tiên, nhưng mỗi lần ông bước ra khỏi các cuộc họp với những thỏa thuận mơ hồ, nhà lãnh đạo Mỹ chỉ đang hợp pháp hóa Triều Tiên như một cường quốc hạt nhân được chấp nhận.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Amy Klobuchar nói rằng bà và nhiều người khác thấy được lịch sử mà ông Trump phô diễn ở đó, nhưng ngoài nó ra thì chẳng còn gì.
Hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Tòa nhà Tự do ở phía nam làng đình chiến Bàn Môn Điếm. (Ảnh: AP)
Theo các nhà phân tích, sự nghiệp trong quá khứ của ông Trump với tư cách là một ngôi sao truyền hình khiến nhà lãnh đạo Mỹ hứng thú tham gia vào các cuộc họp cấp cao với nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Nhưng với Triều Tiên, chiến thuật này sẽ chẳng mang lại gì nhiều ngoài những cái bắt tay và nụ cười thân thiện.
"Chính sách đối ngoại không phải là truyền hình thực tế. Những tấm ảnh sẽ không loại bỏ được vũ khí hạt nhân, các thỏa thuận phải được đàm phán một cách thận trọng", ông Ben Rhodes, cựu cố vấn của Tổng thống Obama khẳng định.
Theo LA Times, khi tiến tới bắt tay nhau tại biên giới, cả ông Trump và ông Kim đều không phải bỏ ra quá nhiều hay lo sợ phải hạ mình, nhượng bộ.
Với nhà lãnh đạo Triều Tiên, hình ảnh thân thiện, sẵn sàng gặp mặt Tổng thống Trump sẽ thúc đẩy hình ảnh tích cực hơn của ông trong nước sau kết quả không được như mong đợi tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội.
"Ngay cả cuộc gặp chủ yếu là dành cho các tấm ảnh, nó vẫn sẽ giúp thúc đẩy ngoại giao và giúp ông Kim xây dựng động lực trong nước cho các cam kết mạnh mẽ hơn", John Delury, chuyên gia tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc) nhận định.
Với Tổng thống Trump, "những bước đi của Trump vào lãnh thổ Triều Tiên sẽ là công cụ hữu ích cho chiến dịch tranh cử tới", theo giáo sư Koo Kab-woo tới Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul.
Hơn một giờ gặp gỡ của Trump - Kim tại biên giới liên Triều
Cuộc gặp Trump - Kim ở DMZ ban đầu được lên kế hoạch là cuộc chào hỏi ngắn nhưng cuối cùng sự kiện kéo dài ... |
Những hình ảnh 'đi vào lịch sử' trong cuộc gặp Trump - Kim lần ba
Tại cuộc gặp với Kim Jong-un ở biên giới Hàn - Triều, Trump làm nên lịch sử khi trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm ... |
Triều Tiên ca ngợi cuộc gặp Trump - Kim tại biên giới liên Triều
Triều Tiên gọi cuộc gặp là "đi vào lịch sử" và "đáng kinh ngạc", cho rằng mối quan hệ cá nhân tốt giữa Trump - ... |
Ngày đăng: 10:19 | 01/07/2019
/