18 năm trôi qua, nhưng những di chứng về bệnh tật để lại sau thảm kịch 11/9 vẫn còn hiện hữu và có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong tương lai.

Theo một nghiên cứu công bố tuần trước, các nhân viên cứu hỏa được điều động tới dọn dẹp tàn tích của Trung tâm Thương mại thế giới sau vụ khủng bố 11/9 đang "chết dần, chết mòn" vì các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là liên quan tới các bệnh về tim mạch.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open hôm 6/9 cho thấy có mối liên hệ mật thiết giữa việc bị phơi nhiễm hóa chất sau thảm kịch cách đây 18 năm và nguy cơ mắc bệnh tim mạch lâu dài với các triệu chứng bao gồm đau tim, đột quỵ, đau thắt ngực không ổn định, phẫu thuật động mạch vành và nong mạch vành.

Theo tác giả của nghiên cứu, các nhân viên cứu hỏa tới hiện trường vào ngày xảy ra vụ tấn công có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 44% những người tới vào ngày hôm sau hoặc muộn hơn. Những người làm việc tại địa điểm này trong 6 tháng trở lên có nguy cơ gặp các biến cố về tim mạch cao hơn 30% so với những người làm việc dưới 6 tháng.

18 nam nhieu nguoi van chet dan chet mon vi tham kich 119
Lính cứu hỏa được điều động tới hiện trường có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch. (Ảnh: Getty)

Kể từ năm 2002, hơn 16.000 lính cứu hỏa tham gia vào các hoạt động cứu hộ, phục hồi, dọn dẹp tại Vùng đất trống- nơi tọa lạc Tòa Tháp Đôi, được đưa vào diện kiểm tra và đánh giá sức khỏe toàn diện của thành phố New York và các tổ chức y tế.

Vụ khủng bố 11/9 giải phóng một lượng hóa chất khổng lồ ra không khí. Hàng chục nghìn nhân viên cứu hộ, lính cứu hỏa và tình nguyện viên tham gia vào các nỗ lực cứu hộ và dọn dẹp tại Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), Lầu năm góc và khu vực xung quanh Shanksville, Pennsylvania trong ngày 11/9 và nhiều tháng sau đó phải tiếp xúc với hỗn hợp đặc biệt nguy hiểm bao gồm amiăng, bụi xi măng, vật liệu xây dựng và khói.

Họ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh ung thư với ung thư tuyến tiền liệt, thận và bàng quang là 3 trong số các loại ung thư thường gặp nhất.

Theo Chương trình Sức khỏe Trung tâm Thương mại Thế giới, chương trình liên bang hỗ trợ về mặt sức khỏe cho những người sống sót sau 11/9, có khoảng 10.000 người bị chẩn đoán mắc ung thư sau vụ việc.

Vào cuối tháng 6, 21.000 trường hợp không thuộc nhóm phản ứng đầu tiên cũng được đưa vào danh sách theo dõi. Trong số này, 4.000 người mắc ung thư, phổ biến nhất là ung thư tiền liệt tuyến, vú và da.

Một nghiên cứu vào tháng 8/2019 cho thấy mức phơi nhiễm đường hô hấp với bụi mà vụ khủng bố 11/9 phát tán vào môi trường có thể gây ra phản ứng viêm và miễn dịch ở mô tuyến tiền liệt liên quan đến ung thư.

Nhiều người chỉ trích giới chức New York hời hợt trong việc đánh giá hậu quả sau thảm họa, không đưa ra cảnh báo cách ly mà vẫn để người dân tiếp diễn nhịp sống bình thường sau ngày 11/9 cách đây 18 năm.

“Mọi người ở đó trở lại với cuộc sống bình thường chỉ vài ngày sau thảm họa. Nhưng thử nhìn vào những gì xảy ra vài năm sau, người ta đang chết dần”, Febrillet, 44 tuổi, một trong số 21.000 trường hợp thêm vào mới đây cho biết.

John Mormando không nằm trong số các nhân viên cứu hộ, lính cứu hỏa hay tình nguyện viên có mặt để trợ giúp và hỗ trợ sau thảm kịch, nhưng địa điểm anh làm việc cách không xa Vùng đất trống.

"Chúng tôi quay trở lại làm việc đúng một tuần sau ngày hôm đó. Chúng tôi được thông báo rằng không khí vẫn ổn và chúng tôi cần quay lại làm việc", Mormando nói.

Cách đây hơn 1 năm, Mormando bị chuẩn đoán ung thư vú, căn bệnh hiếm gặp ở nam giới dù gia đình không có ai bị tiền sử mắc ung thư. 14 người sống và làm việc gần Vùng đất trống cũng bị chuẩn đoán mắc căn bệnh quái gở này giống Mormando.

Các chuyên gia sức khỏe thừa nhận rất khó để chỉ ra nguyên nhân mắc ung thư với từng bệnh nhân, nhưng lượng khói bụi mà các trường hợp mắc ung thư hít phải sau thảm kịch cách đây 18 năm có liên quan tới tình trạng sức khỏe hiện tại của họ.

Nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, tỷ lệ ung thư của những người hít phải khói bụi tại hiện trường cao hơn 10-30% so với những người không tiếp xúc.

Tổng thống Trump hồi tháng 7 ký một dự luật để các nạn nhân có thể tiếp tục nhận đề bù và nộp đơn yêu cầu bồi thường tới tháng 12/2020. Quỹ Bồi thường trị giá 7,3 tỷ USD, mức bồi thường trung bình cho các bệnh nhân dao động từ 240.000 USD - 682.000 USD

Các chuyên gia y tế cho rằng các căn bệnh ung thư đều cần thời gian ủ bệnh và có thể đợi tới vài chục năm sau mới phát tác.

"Ung thư không có thời hạn. Nó sẽ không dừng lại một cách kỳ diệu vào một thời điểm nào đó. Sẽ chẳng có thời hạn nào cho ung thư cả", một chuyên gia nói.

Ngày 11/9/2001, cả thế giới bàng hoàng chứng kiến cảnh hai máy bay đâm thẳng tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) trong một loạt khủng bố nhằm vào nước Mỹ. Ngoài Tòa tháp đôi ở New York, một máy bay khủng bố khác đâm vào trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ ở Washington, chiếc máy bay thứ tư, được cho là nhắm vào Nhà Trắng hoặc Tòa nhà Quốc hội, rơi xuống một cánh đồng ở Shanksville, Pennsylvania.

Thảm kịch khiến gần 3.000 người thiệt mạng và là vụ khủng bố đẫm máu nhất do thế lực nước ngoài gây ra tại Mỹ. Ngoài ra, còn có hơn 6.000 người khác bị thương, trong khi danh tính của hơn 1.100 nạn nhân vẫn chưa được xác định.

(Nguồn: SCMP, NBC News)

Song Hy 

18 nam nhieu nguoi van chet dan chet mon vi tham kich 119 Hình ảnh Trung tâm thương mại New York 18 năm sau thảm họa 11/9

18 năm sau vụ khủng bố 11/9, tòa tháp đôi bị đổ năm nào giờ đây trở thành điểm đến không thể bỏ qua khi ...

18 nam nhieu nguoi van chet dan chet mon vi tham kich 119 Kỷ niệm ngày 11/9, rocket rơi trúng Đại sứ quán Mỹ ở Afghanistan

Một quả rocket phát nổ trong khuôn viên đại sứ quán Mỹ ở Kabul rạng sáng 11/9, nhưng không gây ra thương vong.

 

Ngày đăng: 15:58 | 11/09/2019

/ vtc.vn