Nhiều người lấy bằng Tiến sĩ để có cái danh cá nhân, nhưng thực chất chuyên môn thì họ không quan tâm.

Đừng chạy theo số lượng

Liên quan đến dự thảo chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ, ngày 12/11, chia sẻ với Đất Việt, GS.TS Trần Viết Ổn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho biết: "Việc đào tạo thêm số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ rất cần thiết, đặc biệt là đào tạo ở nước ngoài.

Hiện nay, đang có sự lẫn lộn về việc đào tạo chất lượng và không chất lượng ở trong nước, trong thời gian vừa rồi, có những Học viện đào tạo ngành khoa học xã hội, mỗi năm đào tạo 300 đến 350 tiến sĩ, việc này tôi tin chắc không có chất lượng.

Với các trường Đại học lớn, mỗi năm cũng chỉ đào tạo được 10-15 tiến sĩ, mà đội ngũ giảng dạy cả nghìn người. Còn nếu chạy theo số lượng mà đào tạo chất lượng không đảm bảo tôi không tán thành, vì đã là đào tạo mà như gà đẻ trứng thì không giải quyết vấn đề gì.

Cho nên đào tạo 9000 tiến sĩ cũng cần thời gian, chứ không phải làm một lúc là được ngay, có thể chúng ta mất 10 năm, 15 năm, còn nếu nói 3-5 năm là hoàn thành thì chỉ có cách đào tạo tràn lan. Ngay cả mục tiêu năm 2020 đào tạo được 20.000 tiến sĩ, mục tiêu này là không thực tế.

Mà nếu làm như vậy thì vô nghĩa, không nâng cao được chất lượng giáo dục, đội ngũ cán bộ giảng viên mà còn làm cho chính sách về đào tạo, đổi mới chất lượng ở các trường Đại học chỉ ngày càng ảm đạm hơn".

Chi 12000 tỷ đồng đào tạo 9000 tiến sĩ

Bên cạnh đó, theo ông Ổn, việc đưa ra một mục tiêu con số rồi chạy theo thì không có ý nghĩa gì với chuyện đổi mới.

Nâng cao chất lượng đòi hỏi vừa có tài chính, vừa có thời gian, bởi vì ngay cả khi có tiền, có nơi đào tạo, nhưng nguồn tiếp nhận, nghiên cứu sinh có đảm bảo chất lượng hay không lại là một vấn đề khác.

Không phải ai cũng học, cũng vào môi trường đó hoàn thành được chương trình đào tạo tiến sĩ, nhất là các chương trình đào tạo nước ngoài, thậm chí mất cả 5-7 năm để thử đào tạo ngoại ngữ, chuyên môn, hấp thụ được các chương trình.

"Ngay cả hiện nay, chúng ta dù có nhiều tiến sĩ nhưng các công bố khoa học quốc tế vô cùng ít và đang tồn tại một hình thức mà thế giới không có, đó là các tiến sĩ ở bên ngoài các trường Đại học, các Viện nghiên cứu, chiếm tỷ lệ khá lớn.

Như chúng ta đang có 10.000 tiến sĩ, nhưng số lượng ngoài các trường, Viện chiếm gần một nửa, việc này khiến cho việc nghiên cứu chuyên môn bị hạn chế, không áp dụng được kiến thức mà họ có được, vì không thực tế với công việc của họ.

Nhiều người lấy bằng Tiến sĩ chỉ là cái danh cá nhân, nhưng cái thực chất chuyên môn thì họ không quan tâm", ông Ổn phân tích thêm.

Về chuyện kinh phí đào tạo 9000 tỷ đồng dự trù lấy từ ngân sách nhà nước và các giảng viên được đào tạo hỗ trợ một phần, theo ông Ổn, cơ chế chính sách của chúng ta cần quy định rõ ràng, nếu dùng ngân sách nhà nước thì được đào tạo nước ngoài cũng phải quay về Việt Nam làm việc, tránh chảy máu chất xám.

Nhưng các chế độ đãi ngộ cũng cần được thay đổi, nâng cao hơn, chứ không việc bảo quay về Việt Nam làm việc là hơi khó, khi lương tiến sĩ ở Viện cũng chỉ vài triệu đồng/tháng.

Nhất định phải đi nghiên cứu sinh nước ngoài

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Lê Cung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho rằng, những năm qua thông qua chương trình học bổng 91, cán bộ trong trường cũng đi nước ngoài nghiên cứu sinh nhiều.

Hiện nay Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng cũng nâng cao được 42% giảng viên cơ hữu là Tiến sĩ.

"Nếu đặt ra con số mục tiêu đào tạo tiến sĩ để đạt tới cũng là điều tốt, nếu như tất cả các trường Đại học trong nước dự kiến đến năm bao nhiêu, thì đạt được bao nhiêu nghiên cứu, bao nhiêu giảng viên, thì mới đạt được của trường Đại học theo hướng nghiên cứu, việc này là tốt.

Thực tế, cả số lượng và chất lượng đều quan trọng, dù có mâu thuẫn nhưng phải cân bằng được, như trường ĐH Bách Khoa đến năm 2020 cố gắng phấn đấu đạt tiêu chí thành trường Đại học nghiên cứu và có yêu cầu bắt buộc phải đi nghiên cứu sinh tại nước ngoài.

Ở trong nước thực tế vẫn có các trường đạo tào tiến sĩ rất chất lượng, không phải trường nào cũng không tốt. Riêng ĐH Bách Khoa Đà Nẵng hiện nay đã yêu cầu phải có bài báo quốc tế được đăng tải thì mới được làm nghiên cứu sinh, nên cái quan trọng là chất lượng đào tạo có bài bản hay không.

Hiện nay, có một vấn đề là các nghiên cứu sinh bận việc cơ quan nên không toàn tâm, toàn lực để 3 năm hoàn thiện chương trình nghiên cứu, cho nên, cần để họ tiếp cận được các học bổng làm nghiên cứu sinh tại trường hoặc ở nước ngoài, mà không lo kinh tế, thì chất lượng nghiên cứu rất cao, không thua kém gì chất lượng nước ngoài", ông Cung phân tích.

Và cũng theo ông Cung, chất lượng không do đào tạo, vì hình dung cũng một cán bộ trong trường, ở trong trường không làm được bài báo quốc tế nào, nhưng chỉ ra nước ngoài 6 tháng sau có bài báo quốc tế.

Để thấy, môi trường làm việc, điều kiện làm việc ở trong nước rất cần thiết và phải làm sao để người nghiên cứu toàn tâm, toàn ý cho khoa học.

"Tôi hay nói làm khoa học thì cần có sự lãng mạn của khoa học, đôi khi làm không phải vì tiền mà phải vì đam mê, nên dù Đại học Bách Khoa chế độ không hấp dẫn bằng các trường tư thục, bên cạnh một vài người ra đi khỏi trường, thì còn lại vẫn ở lại trường để nghiên cứu.

Đúng là có chế độ đãi ngộ tốt họ sẽ làm nghiên cứu tốt hơn, có nhiều bài báo khoa học chất lượng hơn, nhưng đó không phải yếu tố quyết định", ông Cung chỉ rõ.

"Tăng tốc" đào tạo tiến sĩ: Còn cử nhân chăn lợn, tiến sĩ làm vườn?

Bộ GD&ĐT đang tính đến phương án “tăng tốc” đào tạo 9.000 tiến sĩ cho tương lai. Nhưng chỉ khi đào tạo thực chất, tìm ...

Đất nước không cần tiến sĩ dỏm mà cần khoa học thật

Chi 12.000 tỉ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ, đó là nội dung quan trọng trong dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực ...

Tốn 12.000 tỷ đồng đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ để làm gì?

Chi 12.000 tỷ đồng để cho ra lò thêm 9.000 tiến sĩ, trong khi đó hiện cả nước đã có trên 24.300 tiến sỹ và ...

(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/12000-ty-dao-tao-9000-tien-si-nhu-ga-de-trung-3346972/)

Ngày đăng: 10:24 | 13/11/2017

/ Theo Châu An/Đất Việt