Nếu vì thiếu tiền, chưa xây dựng ngay được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng không có nghĩa là đất nước chưa có bảo tàng lịch sử.
Cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa được \'ưu tiên làm trước\' |
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về khó khăn trong bố trí nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có tổng giá trị 11.000 tỉ.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 13.8.2015, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: “Việc đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là chủ trương của Đảng, Chính phủ từ năm 2005 nhằm lưu giữ và phát huy giá trị lịch sử, truyền thống dân tộc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước”.
Đến thời điểm hiện tại, kinh phí chuẩn bị đầu tư các năm 2015, 2016, 2017 và kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 cho dự án này vẫn không được bố trí.
Vì lý do này, Bộ Xây dựng gửi công văn kêu khó lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Mô hình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Giá trị xây lắp của Bảo tàng lịch sử Quốc gia là 11.000 tỉ đồng. Một số tiền rất lớn trong thời điểm Nhà nước đang vô cùng khó khăn, một mặt là chi trả những khoản nợ vay đang là sức ép lớn đến cán cân tài chínH, mặt khác, hàng loạt công trình cấp bách, những yêu cầu lớn về dân sinh, an sinh xã hội thúc bách, cùng với đó là chi tiêu hành chính công cũng đang đầy thách thức.
Câu hỏi đặt ra là, cần kíp chưa để xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia dù ý nghĩa của nó là rất to lớn hay câu hỏi là ý nghĩa công trình rất to lớn nhưng đã cấp bách chưa?
Về ý nghĩa thì tôi không muốn bàn sâu vì đây là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ nhằm lưu giữ và phát huy giá trị lịch sử, truyền thống dân tộc. Đó là điều cần thiết.
Thế nhưng, cấp bách thì chắc chắn là chưa cấp bách bằng nhiều và rất nhiều những công trình, những chi tiêu khác của đất nước.
Nếu vì thiếu tiền, chưa xây dựng ngay được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng không có nghĩa là đất nước chưa có bảo tàng lịch sử.
Tôi tin rằng có nhiều, và rất nhiều hình thức lưu giữ và phát huy giá trị lịch sử, truyền thống dân tộc qua hệ thống bảo tàng cách mạng Việt Nam, bảo tàng lịch sử, bảo tàng văn hóa các dân tộc...và hệ thống bảo tàng ở các tỉnh, thành.
Nghĩa là khi chúng ta chưa đủ điều kiện xây dựng một bảo tàng hoành tráng với 11.000 tỉ đồng thì vẫn có hệ thống gần 100 bảo tàng đang vận hành, chứ không phải không có, dù quy mô nhỏ hơn. Như vậy, đủ để thấy dự án này chưa cấp bách.
Xây Bảo tàng lịch sử Quốc gia tất nhiên là cần, nhưng một bảo tàng hoành tráng, to lớn chưa chắc đã có thể làm tròn bổn phận nếu như lỡ xây xong lại sa vào cảnh thờ ơ của khách tham quan, lại sa vào những cách thức tổ chức bảo tàng cũ kĩ và đơn điệu, lại sa vào thiết chế lưu giữ và trưng bày bảo tàng ít hấp dẫn, ít mới mẻ và ít thu hút, như đã từng xảy ra với nhiều bảo tàng mà Bảo tàng Hà Nội hơn 2.000 tỉ là một ví dụ.
Bảo tàng Hà Nội vắng khách tham quan
Thế nên, Bộ Xây dựng trước hết phải nắm và tham mưu cho Chính phủ những công trình cấp bách cần làm chứ không phải săn đón, máy móc căn cứ theo kế hoạch đã định để làm cho bằng được dù biết là không cấp bách như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Có thể nói, thời điểm này là giai đoạn mà Chính phủ và chính quyền các địa phương phải dè sẻn chi tiêu, thắt lưng buộc bụng, vừa trả nợ công, vừa chia sẻ và cân đối thu chi trong túi tiền đang rất eo hẹp. Chắc chắn rằng, 11.000 tỉ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ không thể cấp bách bằng nhiều công trình hạ tầng và nhu cầu an sinh xã hội đang đè nặng lên vai Chính phủ.
Nên làm là một việc, cần làm là một việc khác.
Muốn có một chính phủ liêm chính và kiến tạo, chắc chắn cần các bộ, địa phương phải biết làm gì và chưa cần làm gì, tham mưu, đề xuất khéo léo, hợp lý, “lựa cơm gắp mắm”.
Bỏ đi thói khoa trương, hoành tráng, đi thẳng vào thực chất của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện nghiêm ngặt tiết kiệm ngân sách, lựa chọn đúng nơi, đúng chỗ, đúng vấn đề để đầu tư, thực hiện cho được lời phát biểu tâm huyết của Thủ tướng Chính phủ rằng “Hãy sử dụng đúng từng đồng tiền thuế của dân” là điều rất khó nhưng vẫn phải làm.
Và đôi khi không làm gì cả lại là cách đang “làm gì”, là cách để tạo tăng trưởng. Làm một việc tốn kém nhưng chưa cần thiết cũng không khác gì việc gây lãng phí.
http://danviet.vn/kinh-da-trong/11000-ti-cho-bao-tang-lich-su-quoc-gia-cap-bach-chua-803040.html
Ngày đăng: 14:29 | 08/09/2017
/ Nguyễn Quang Vinh/Dân Việt