Những dấu hiệu cảnh báo sớm của cơ thể là tín hiệu quan trọng giúp bạn sớm phát hiện và điều trị, từ đó ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng.
Cơ thể thường xuyên hoạt động ngay kể cả khi chúng ta đang ngủ và chúng liên tục gửi các tín hiệu thông tin cho chúng ta mỗi ngày. Ngay cả những cơn đau đơn giản hay bệnh nhẹ cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe tiềm ẩn. Hãy tìm hiểu để nhận biết 11 triệu chứng dễ bị bỏ qua nhất này để sớm phòng bệnh một cách hiệu quả.
1. Cảm giác muốn nhai đá viên
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị thiếu máu do thiếu sắt thường có "cảm giác thèm ăn" bất thường này.
Nghiên cứu “Giả thuyết y học” Medical Hypotheses cho thấy, cơ thể thiếu máu do thiếu sắt không thể sản xuất đủ hemoglobin để mang oxy đến các cơ quan sẽ dẫn đến mệt mỏi, nhai đá viên có thể mang lại cho người bệnh tâm lý thoải mái, sảng khoái thậm chí có tác dụng cải thiện triệu chứng mệt mỏi.
Nếu bạn thường xuyên muốn nhai đá trong thời gian gần đây, bạn nên đi xét nghiệm máu hoặc đánh giá xem bạn có nên uống một số loại thực phẩm chức năng hay không.
(Ảnh minh họa) |
2. Thường xuyên cảm thấy khát nước
Kênh Healthline (Mỹ) đăng tải bài viết cho rằng, việc thường xuyên cảm thấy khát nước là điều không bình thường, nhất là khi bạn đã uống nhiều nước nhưng vẫn thấy khát thì càng cần phải chú ý.
Khát nước dai dẳng là một dấu hiệu chính để chẩn đoán bệnh tiểu đường, bởi vì lượng đường trong máu cao có thể tạo ra cảm giác khát.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nghĩ đến một rủi ro khác là bệnh đái tháo nhạt, có thể gây ra đa niệu hoặc giảm trương lực nước tiểu do mất cân bằng hoặc mất nước trong cơ thể, cũng như các triệu chứng khác.
Bên cạnh đó, các bệnh suy tim, gan, thận cũng có thể gây ra tình trạng khát nước dữ dội, khát nước cũng là một trong những dấu hiệu giúp phụ nữ nhận biết có thể đã có thai.
Thói quen ăn nhiều muối và cay có thể dẫn đến biểu hiện khát nước thường xuyên. Bạn nên cải thiện từ chế độ ăn uống thông thường và theo dõi tình trạng thể chất của mình thường xuyên.
3. Nghiện đồ ăn mặn
Cảm giác thèm ăn xuất hiện, hoặc chỉ muốn ăn mặn, cảm thấy khó chịu nếu không ăn mặn… là dấu hiệu có thể có nghĩa là bạn bị thiếu máu do thiếu sắt, mất nước hoặc các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).
Chuyên gia dinh dưỡng Beth Czerwony cho rằng, khi cơ thể con người cảm thấy mệt mỏi và nghiện muối, ý chí sẽ giảm sút và cơn đói sẽ trở nên dữ dội hơn, khiến cơ thể khó chống lại các triệu chứng nghiện muối.
(Ảnh minh họa) |
4. Đứng không vững, run chân
Nếu bạn cảm thấy đứng không tự chủ và run chân, hoặc chân của bạn bị đau hoặc ngứa, bạn có thể bị hội chứng bồn chồn chân hay chân không yên (restless leg syndrome).
Căn bệnh này là một bệnh rối loạn thần kinh mãn tính, khiến người bệnh cảm thấy muốn cử động chân, và nó dễ tấn công khi nghỉ ngơi vào ban đêm, gây cản trở chất lượng giấc ngủ.
5. Luôn luôn buồn ngủ
Bạn có cảm giác buồn ngủ mọi lúc, mọi nơi, không chỉ thể hiện tình trạng mệt mỏi mãn tính, mà có thể là một phản ứng cơ thể do các bệnh tự miễn dịch gây ra.
Buồn ngủ cũng có thể là một dấu hiệu của chứng ngủ rũ (narcolepsy), một bệnh thần kinh mãn tính xảy ra ở thanh thiếu niên dưới tuổi vị thành niên và là một chứng rối loạn thần kinh.
6. Màu mắt thay đổi
Khi tuổi càng cao, một số người sẽ có hiện tượng cung vàng giác mạc (corneal arcus) xung quanh giác mạc, hiện ra vòng tròn màu xanh xám, đây là hiện tượng “lắng đọng lipid”. Nhưng nếu những người dưới 45 tuổi có vòng tròn bên ngoài màu xám hoặc xanh xung quanh mống mắt thì bạn nên cẩn thận, vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh mỡ máu cao.
Một nghiên cứu về “Xơ cứng động mạch, huyết khối và sinh học mạch máu” cho thấy những người có cung vàng giác mạc trước khi về già có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn, hoặc mắc chứng tăng cholesterol máu có tính chất di truyền trong gia đình.
(Ảnh minh họa) |
7. Ngứa chân
Nhiều bệnh thực thể có thể gây ngứa bàn chân, bao gồm bệnh gan hoặc thận, ứ mật, bệnh thần kinh do tiểu đường, suy giáp, hoặc tăng sản hồng cầu - là một bệnh máu hiếm gặp. Ngoài ra, nếu phụ nữ bị ngứa chân khi mang thai, đó có thể là một vấn đề về da như hội chứng “ngứa ở phụ nữ có thai”.
Đôi khi, chất dẫn truyền thần kinh Serotonin tiết ra quá mức cũng có thể gây ngứa vùng trung tâm. Mặc dù không có triệu chứng ngoài da nhưng nó khiến người bệnh cảm thấy rất ngứa. Lúc này, bác sĩ sẽ kê đơn “thuốc ức chế phục hồi serotonin có chọn lọc (SSRI)” để ức chế cơn ngứa.
8. Da trở nên dày hơn
Khi bạn nhận thấy da trở nên dày hơn và dễ bị ngứa, điều đó có thể cho thấy bạn bị mất cân bằng nội tiết tố, hoặc bị chàm, dị ứng và các vấn đề khác, đó là dấu hiệu cảnh báo cơ thể dư thừa độ ẩm.
Nếu vấn đề không được cải thiện, thậm chí trở nên trầm trọng hơn, bạn nên đến bệnh viện để xét nghiệm máu càng sớm càng tốt để xác nhận tình trạng thực tế bên trong cơ thể.
9. Chữ viết tay xấu đi và mất cảm giác mùi
Nhiều người đã nghe nói về bệnh Parkinson, nhưng các triệu chứng có thể không rõ ràng. Các bác sĩ cảnh báo rằng kỹ năng nói hoặc viết giảm và mất khứu giác có thể là những dấu hiệu sớm cảnh báo bạn có thể có bệnh Parkinson.
Nếu bạn cảm thấy chất lượng giấc ngủ kém do chuột rút, di chuyển chậm và thường xuyên gặp ác mộng, hãy chú ý hơn.
(Ảnh minh họa) |
10. Hay quên, mệt mỏi, ớn lạnh
Đầu óc hay quên, cảm giác bị kiệt sức hoặc ớn lạnh có thể dễ dàng được coi là triệu chứng của bệnh trầm cảm đối với người bình thường.
Nhưng trên thực tế, những triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng mất cân bằng thyroxine. Ngoài ra, sụt cân, ớn lạnh… cũng có thể là biểu hiện của bệnh tuyến giáp.
11. Tiêu chảy thường xuyên
Tiêu chảy sau khi ăn, hoặc thường xuyên buồn nôn, kèm theo các dấu hiệu suy nhược, sụt cân,... có thể cho thấy bạn đang mắc bệnh viêm ruột, loét trong ruột và viêm mãn tính. Nếu xuất hiện tình trạng này, bạn nên sớm đi xét nghiệm máu hoặc khám sức khỏe tổng thể.
THẢO LINH (Nguồn: Commonhealth)
Bệnh nhân không phải chi trả tiền xét nghiệm khi đến khám tại bệnh viện công lập |
Bắt bệnh cực chuẩn chỉ qua những tín hiệu của giấc mơ |
Ngày đăng: 17:01 | 18/10/2021
/ vtc.vn