Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT ThaiBinh Seed - luôn tự nhận mình là nông dân mới. Ông tạo được ra nhiều giống lúa từ 11 hạt gạo đi xin.
Sinh ra trong gia đình thuần nông tại Thái Thượng (Thái Thụy, Thái Bình), ông Trần Mạnh Báo nói vui: “Với tôi có lẽ là duyên phận, là con nông dân nên lại làm nông nghiệp thôi”.
Năm 1968, ông quyết định “xếp bút nghiên”, tình nguyện lên đường nhập ngũ, chiến đấu trên khắp mặt trận Quảng Trị, chiến trường Campuchia, 3 tỉnh miền Tây Nam bộ. Khi đất nước thống nhất, trở về quê hương với thương tật 2/4, ông được phân công công tác tại công ty giống lợn Thái Bình, sau đó chuyển sang làm tạp vụ tại công ty giống lúa Thái Bình.
Vừa làm vừa học, ông thi đỗ trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội, mở ra cánh cửa trở thành kỹ sư nông nghiệp, thành người “Đối thoại với cánh đồng” , như tên cuốn tự truyện ông viết sau này.
Lúc làm Trạm phó trạm giống lúa Đông Cơ, ông nhận thấy, giống và quyền được tự chủ trên mảnh ruộng mới là 2 khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Khi đề xuất “Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong sản xuất nông nghiệp quốc doanh”, ông gặp sự phản đối gay gắt, bị cho là “phá cơ chế nhà nước", song sau 1 năm, kết quả vượt xa mong đợi. Người lao động từ chỗ hưởng 16kg gạo/tháng đã tăng lên 40kg/tháng.
Khi TƯ có nghị quyết về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, với vai trò GĐ công ty Giống cây trồng Thái Bình, ông Báo đã đề nghị với Tỉnh ủy Thái Bình cho cổ phần hóa. Năm 2004, tỉnh đồng ý cho ThaiBinh Seed thực hiện kế hoạch này.
Hoàn thành công cuộc cổ phần hóa, đổi tên thành công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed, ông Báo được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT. Đây là DN thực hiện cổ phần hóa nhanh nhất cả nước trong ngành nông nghiệp và được ông Báo ví
“như một sự lột xác để phát triển, tuy mỗi lần lột xác rất đau đớn, nhưng sau đó, công ty chắc chắn lớn lên và phát triển mạnh mẽ”
.
Dù bộn bề công việc của người đứng đầu, ông vẫn say mê khoa học, sáng tạo, quyết tâm bứt phá trong ngành giống ở Việt Nam. “Nhiều người hỏi tôi sao lại chọn làm giống mà không phải là thứ khác. Tôi nghĩ chắc do cái duyên. Nhiều khi chỉ nhờ vào lội ruộng, ngồi quan sát tỉ mỉ cũng có thể phát hiện ra điểm bất thường để từ đó lai tạo ra giống lúa mới”, ông tâm sự.
Năm 2003, một lần đi thăm đồng ở quê, ông phát hiện ra dòng đột biến của giống Q5. Đây là đột biến tự nhiên chứ không phải do bàn tay của con người. Dựa vào sự đột biến này, ông cất công mất hơn 10 năm nghiên cứu, lai tạo từ khi phát hiện ra điểm khác biệt, giống Q5 mang “hình hài” mới với tên gọi TBR-1, nay trở thành giống chủ lực ở rất nhiều địa phương.
Rất nhiều người cho rằng ông “ăn may” khi chọn được những giống lúa tốt, nhưng ông không nghĩ thế. Ông có được những “con át chủ bài” là nhờ khả năng quan tỉ mỉ để nhìn ra những điểm khác biệt của tự nhiên.
Ông kể, một lần đi dự hội nghị ở Hàn Quốc, nước bạn có giới thiệu về sản phẩm lạc, ông phát hiện 3 hạt lạc được cho vẫn còn tươi, còn khả năng nảy mầm nên ông xin tác giả cho ông đem về nghiên cứu trồng và chăm sóc.
Lúc thu hoạch thấy 70% số quả lạc (củ lạc) cho 3 hạt (nhân), ăn thấy rất ngon trong khi lạc của Việt Nam khi đó chủ yếu 2 nhân. Khi làm khảo nghiệm, tỷ lệ lạc 3-4 nhân/củ lên tới 71%, năng suất lên tới 40-45 tạ/ha, cao hơn so với giống lạc trước của Việt Nam. Từ đó ông đem đi làm giống công nhận quốc gia.
Đấy là giống lạc 3 nhân đầu tiên ở Việt Nam. Đến bây giờ giống lạc này đã được nhân rộng ra cả nước.
Trong một lần khác, có tác giả nước ngoài cho ông một nhúm gạo đã bóc vỏ trấu, vẫn còn cám. Nhìn phôi còn tươi, ông chọn ra được 11 hạt gạo, xin phép tác giả, đưa về phòng thí nghiệm ngâm cho nảy mầm ra được 11 dảnh mạ.
Ông đem 11 dảnh mạ này xuống huyện Tiền Hải be bờ, cấy giấu kín giữa ruộng. Kết quả, 11 hạt gạo ban đầu đã trở thành bố mẹ của các cặp lai cho nhiều giống lúa thuần của công ty, trong đó có TBR 225, có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống lúa thuần khác.
“Nói là tạo được ra nhiều giống lúa từ 11 hạt gạo đi xin nghe có vẻ đơn giản, nhưng chúng tôi mất hơn chục năm trời nghiên cứu với số lần thất bại không đếm xuể. Bây giờ các giống lúa này được người nông dân sử dụng phổ biến”, ông chia sẻ.
Hỏi từ 11 hạt gạo ông đã thu được những gì, ông Báo tự hào: Tôi lai tạo được ra các giống lúa chất lượng cao, cho năng suất tốt.
Cách đây mấy năm, có vị chủ tịch xã đã tính, chỉ riêng Thái Bình, một giống lúa có thể làm lợi cho bà con nông dân khoảng 700 tỷ. Còn nếu tính trên cả nước thì mỗi năm giống lúa đó giúp nông dân thu được hàng chục ngàn tỷ đồng.
Đến nay, ông Báo đã có 3.000 dòng vật liệu, có bản quyền 20 giống cây trồng, 13 giống được công nhận giống quốc gia, trong đó ông là tác giả 11 giống. Hiện ở miền Bắc giống lúa của ThaiBinh Seed chiếm tới 80%, miền Trung chiếm 50%, miền Nam chiếm 30%.
“Các nhà tạo giống Việt Nam hay các đại sư phụ trong ngành giống cây trồng không ai được công nhận nhiều giống như tôi”. Với ông, điều đó không quan trọng bằng việc những giống ông tạo ra được nằm trong cơ cấu sản xuất chứ không phải nằm trong ngăn kéo.
Sở hữu nhiều giống cây trồng, lại là người đứng đầu một tập đoàn về cây giống, khi hỏi ông muốn được mọi người gọi là “nhà khoa học” hay “doanh nhân”, ông chia sẻ, hơn 30 năm làm kinh doanh thì người ta gọi ông là doanh nhân cũng không sai. Và hơn 40 năm làm nghiên cứu, lai tạo ra nhiều giống lúa, người ta gọi ông là nhà khoa học hay “lều khoa học” cũng được.
Đối với những người trong nghề, những người đã cùng ông trải qua những tháng ngày vất vả, nhìn lại thành quả hôm nay ông không hổ danh là \'con\' Báo đồng bằng, \'con\' Báo dũng mãnh và gan lỳ trên cánh đồng 5 tấn lịch sử.
Mỗi lần ông đi nước ngoài công tác, các bạn hỏi ông làm gì, ông đều trả lời: “I’m new farmer”. Cuối tháng 3 này, "Người nông dân mới” Trần Mạnh Báo sẽ là diễn giả tại Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng (VGLF) ở Paris, Pháp.
Cách bảo quản thực phẩm khi trời nồm
Không để đồ ăn qua đêm, bảo quản trong tủ lạnh, vệ sinh dụng cụ bếp hoặc sử dụng máy hút ẩm để thực phẩm ... |
Phụ huynh không cho con ăn ở trường vì mất niềm tin
Chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm trách nhiệm chính là nhà trường. |
Cục trưởng An toàn thực phẩm: "Có con bị nhiễm sán lợn, nếu không có chuyên môn, tôi cũng rất lo"
Ông Nguyễn Thanh Phong chia sẻ nỗi lo với những phụ huynh có con nhiễm sán lợn và yêu cầu các cơ quan minh bạch, ... |
Bộ GD&ĐT yêu cầu kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho các trường
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, sau vụ việc hàng loạt ... |
Ngày đăng: 08:57 | 27/03/2019
/