Căng thẳng chiến sự, cơ sở vật chất nghèo nàn hoặc các dịch vụ y tế, giáo dục kém phát triển khiển 10 thành phố dưới đây là những nơi có điều kiện sống tồi tệ nhất hành tinh.

Kiev, Ukraine - 47,8/100 điểm: Thủ đô của Ukraine đang phải chứng kiến sự suy giảm lớn nhất từ trước đến nay về chỉ số điều kiện sống (giảm 21,4 điểm). Đây cũng là thành phố duy nhất của châu Âu có tổng điểm trung bình dưới 50. Kiev vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau một loạt tình trạng bất ổn về chính trị, kinh tế và cuộc nội chiến đang diễn ra tại vùng Donbass. Ảnh: Reuters.
Douala, Cameroon - 44/100 điểm: Quốc gia ở khu vực Trung Phi này đang rơi vào khủng hoảng khi tình trạng căng thẳng giữa khu vực nói tiếng Anh và tiếng Pháp leo thang. Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người dân tại Douala, thành phố lớn nhất đất nước được ghi nhận mức thấp, chỉ đạt 25 điểm. Bảng xếp hạng về điều kiện sống tại 140 thành phố trên thế giới được tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) vừa công bố hôm 16/8. EIU là một tổ chức thuộc tập đoàn sở hữu tờ Economist, có trụ sở tại London (Anh), chuyên cung cấp các dịch vụ dự đoán, cố vấn và phân tích về các quốc gia trên thế giới.
Harare, Zimbabwe - 42,6/100 điểm: Thủ đô của Zimbabwe là thành phố đạt mức điểm thấp nhất về chăm sóc sức khỏe cho người dân trong số 140 thành phố khảo sát của EIU, chỉ với 20,8 điểm. Tuy nhiên Harare lại đạt được điểm tương đối cao về mặt giáo dục với mức 66,7 điểm. Trong ảnh là người dân Zimbabwe tham gia biểu tình phản đối kế hoạch phát hành tiền giấy mới của Ngân hàng Quốc gia tại thủ đô Harare ngày 17/8/2016. Ảnh: Reuters.
Karachi, Pakistan - 40,9/100 điểm: Karachi chỉ đạt được 20 điểm về tính ổn định, tuy nhiên thành phố đông dân nhất Pakistan đạt được 66.7 điểm về mặt giáo dục, tương đối cao và 51.8 điểm về cơ sở hạ tầng. Trong hình: Người dân đang thu gom các vật phẩm có thể tái chế trong một khu vực bị ô nhiễm tại cảng đánh bắt cá ở Karach. Bảng xếp hạng của EIU đưa ra những đánh giá về mức độ “đáng sống” của các thành phố dựa trên những tiêu chí như tính ổn định, điều kiện chăm sóc y tế, văn hoá, môi trường, giáo dục và cơ sở hạ tầng, tất cả tính trên thang điểm 100. Ảnh: Reuters.
Algiers, Algeria - 40,9/100 điểm: Cùng đạt 40,9/100 điểm với Karachi của Pakistan là thủ đô Algiers của Algieria. Thành phố lớn nhất Algieria có điểm số về cơ sở hạ tầng là 30,4, trong khi giáo dục là 50 điểm.Trong hình: Một phụ nữ đang phơi đồ trên mái nhà ở thành phố Casbah, Algiers, Algeria. Ảnh: Reuters.
Port Moresby, Papa New Guinea - 39,6/100 điểm: Thành phố lớn nhất và là thủ đô của quốc gia phía tây nam Thái Bình Dương có điểm thấp nhất về mặt ổn định (30 điểm), nhưng đạt được điểm khá cao về giáo dục (50 điểm) và văn hoá, môi trường (47 điểm). Ảnh: Getty/Handout.
Dhaka, Bangladesh - 38,7/100 điểm: Thủ đô của Bangladesh chỉ đạt 26,8 điểm về cơ sở hạ tầng và 50 điểm về sự ổn định. Trong hình: Các nhà tín đồ Hồi giáo tại Bangladesh tham gia biểu tình trước Nhà thờ Hồi giáo Baitul Mukarram để phản đối trước cái chết của hàng trăm người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine, Myanmar vào 12/2016. Ảnh: Mohammad Ponir Hossain/ Reuters.
Tripoli, Libya - 36.6/100: Tripoli chỉ đạt 6,2 điểm về điều kiện sống cơ bản. Nguyên nhân là do sự leo thang chiến tranh ở Libya cộng với mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Trong hình: Người dân Libya tham dự cuộc biểu tình trước cửa tòa nhà của Muammar Gaddafi tại khu căn cứ quân sự Bab al-Aziziyah ở Tripoli hôm 13/9/2011. Ảnh: Suhaib Salem/ Reuters.
Lagos, Nigeria - 36/100 điểm: Mối đe dọa từ các nhóm phiến quân như Boko Haram đang khiến tình hình tại thành phố lớn nhất Nigeria ngày càng bất ổn. Lagos có chỉ số về ổn định thấp nhất trong tất cả thành phố tham gia khảo sát, chỉ với 10 điểm. Ảnh: Akintunde Akinleye/ Reuters.
Damascus, Syria - 30,2/100 điểm: Thủ đô của Syria nằm cuối danh sách về điều kiện sống cơ bản (16,1 điểm) do tình hình chiến sự tại nước này. Trong hình: Một cậu bé đạp xe giữa các tòa nhà đổ nát sau khi phe nổi dậy vây hãm thị trấn Douma, ngoại ô phía đông Damascus. Ảnh: Thomson/ Reuters.

Ngày đăng: 10:12 | 21/08/2017

/ Minh Hải/Zing