Khát vọng có lễ hội đặc thù, lãnh đạo Đà Nẵng 10 năm trước đã quyết tâm xin Chính phủ đồng ý cho thành phố bắn pháo hoa hàng năm.
Năm 1995, lệnh cấm bắn và sản xuất pháo được Chính phủ ban bố. Chỉ những thành phố trực thuộc Trung ương mới được phép bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán và lễ hội lớn.
Nguyên giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng Lương Minh Sâm nhớ lại, tại một cuộc họp của lãnh đạo thành phố năm 2007, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã nêu ý kiến thành phố phải có lễ hội đặc trưng để mỗi lần người dân, du khách nhắc đến là nhớ ngay Đà Nẵng.
Không đợi mọi người tham gia ý kiến, ông Bá Thanh gợi ý ngay: "Tôi theo dõi nhiều đêm bắn pháo hoa dịp Tết, đứa trẻ được mẹ bồng cứ há hốc mồm. Xem bắn xong đợt pháo này lại đưa mắt dõi tìm những đợt pháo hoa khác. Háo hức lắm!".
Theo ông Sâm, khi đó Đà Nẵng muốn phát triển du lịch, nhưng thiếu sản phẩm đặc trưng. Ở Hạ Long, Nha Trang hay người anh em Quảng Nam đều đã có đặc sản, nơi làm Festival, nơi làm con đường di sản. Với Đà Nẵng, cuộc họp nêu trên mới đơn thuần đưa ra ý tưởng của người đứng đầu thành phố.
Người dân háo hức, lội dưới sông Hàn xem pháo hoa. Ảnh: Nguyễn Đông.
Trong một cuộc họp khác, ông Thanh nói đại ý, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương thì phải đóng góp cho xứng, không chỉ là kinh tế, mà còn phải có vị thế về văn hóa, thể thao, du lịch. Sau đó, quyết định chọn pháo hoa để biến thành lễ hội của Đà Nẵng được nhiều người đồng thuận.
Nhưng pháo hoa sẽ bắn như thế nào. Trong ý thức của lãnh đạo Đà Nẵng lúc bấy giờ, ai cũng nghĩ cứ bắn tầm cao là đẹp. "Không biết thì đi hỏi", ông Bá Thanh nói rồi giao nhiệm vụ cho cấp dưới ra ngay Hà Nội gặp các đại sứ, cốt để hỏi kinh nghiệm của nước họ về làm theo.
"Sau nhiều cuộc gặp không có kết quả, chúng tôi gặp được đại sứ Malaysia. Bà gợi ý nên mời công ty chuyên tổ chức sự kiện này. Lên Internet gõ dòng chữ công ty Global 2.000, tôi lấy được số điện thoại và bốc máy liên lạc ngay", ông Sâm nhớ lại.
Một tuần sau, ông Joe Ghazzal, CEO của Global 2.000 đến Đà Nẵng. Không chờ một cuộc làm việc chính thức, lãnh đạo Đà Nẵng tức tốc đến khách sạn nơi ông Joe nghỉ lại để hỏi chuyện. Và những khái niệm bắn pháo theo nhạc, các tiêu chí chấm điểm cuộc thi,... được khai mở.
Không trao giải thưởng bằng tiền
Ông Joe ở lại Đà Nẵng dài ngày, khảo sát vị trí tổ chức, đoạn sông giữa cầu quay sông Hàn và cầu Thuận Phước với địa thế thuận lợi để đặt pháo bên bờ Tây (tận dụng mặt bằng của Cảng Đà Nẵng) và bãi đất đối diện bên bờ Đông sông Hàn làm khán đài.
"Vị trí này là cửa sông, gió từ biển thổi vào, người ngồi xem trên khán đài không bị ngửi khói. Khúc sông này còn giúp tạo hiệu ứng, đảm bảo an toàn và ánh sáng pháo hoa phản chiếu xuống sông Hàn", ông Joe thuyết phục.
Lãnh đạo Đà Nẵng đồng ý nhưng ra "điều kiện" bên tư vấn phải mời những đội có tầm quốc tế tham gia cuộc thi. Ông Joe mời được các đội xuất sắc từ Pháp, Australia, Trung Quốc về Đà Nẵng tranh tài trong kỳ thi đầu.
"Ngài Joe đề nghị không cần giải thưởng bằng tiền, nhưng thành phố phải hỗ trợ mỗi đội 20.000 USD để họ làm lộ phí về so tài cao thấp. Lãnh đạo thành phố đồng ý", ông Sâm kể.
Nhưng "khách đến nhà" toàn là những quốc gia nổi tiếng về pháo hoa, đội chủ nhà sẽ lấy gì ra ứng thí? Đà Nẵng lúc này mới nghĩ đến chuyện phải thành lập đội pháo hoa đại diện cho Việt Nam. Và lựa chọn khi đó là Bộ chỉ huy quân sự thành phố, vì "quân đội tính kỷ luật cao, sẽ đảm bảo được các yếu tố về kỹ thuật".
Ngoài 21.000 ghế trên khán đài năm 2017, còn hàng chục nghìn người dân và du khách đứng tràn dưới bờ sông, trên các cây cầu bắc qua sông Hàn để thưởng lãm pháo hoa quốc tế. Ảnh: Nguyễn Đông.
Cả đội sau đó được cử sang Malaysia tập huấn, về thực hành ngay trong dịp bắn pháo hoa Tết Nguyên đán 2007. Lần đó, không có bất kỳ sự cố nào. Người dân thì trầm trồ thích thú. "Chúng tôi mường tượng ra sự chờ đợi của hàng vạn người khi cuộc thi trình diễn pháo hoa diễn ra", ông Sâm nói.
Cuộc thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đầu tiên được thành phố "lách luật" tổ chức vào dịp 29/3/2008, nhân dịp kỷ niệm Giải phóng thành phố. Và cũng là lần đầu tiên người dân được xem trình diễn pháo hoa trên nền nhạc.
Điều mà Đà Nẵng không thể ngờ, đó là 30.000 đến 40.000 khách xếp kín trong khán đài và dọc hai bờ sông cũng như trên cầu quay sông Hàn để thưởng lãm pháo hoa. Những bất cập bắt đầu nảy sinh như: kẹt xe, không kiểm soát được vé, giá cả khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống…
Đi xin giấy phép
"Phát súng" đầu tiên thành công, nhưng để tổ chức thường niên sự kiện này cần có giấy phép chính thức. Ông Thanh lập tức làm công văn xin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho phép Đà Nẵng tổ chức bắn pháo hoa hàng năm.
Ngày 8/5/2008, Thủ tướng ban hành quyết định số 689, trên cơ sở có ý kiến tham mưu của các Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Công thương, Tài Chính. Theo đó, đồng ý cho Đà Nẵng thực hiện "tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế định kỳ hàng năm".
Thủ tướng yêu cầu "kinh phí tổ chức thi bắn pháo hoa quốc tế hàng năm không sử dụng ngân sách nhà nước". Giải bài toán này, ông Bá Thanh đứng ra kêu gọi các doanh nghiệp đang đầu tư ở Đà Nẵng tài trợ, với danh hiệu nhà tài trợ kim cương, nhà tài trợ vàng, bạc...
Các nước tham gia được mang pháo vào Đà Nẵng dự thi. Đà Nẵng chọn nhập khẩu pháo từ Trung Quốc, nơi có nền công nghiệp pháo hoa phát triển. Đích thân công ty tư vấn sẽ sang nơi sản xuất chọn pháo, vận chuyển về bằng đường bộ. Khi pháo vừa qua cửa khẩu phía Bắc, Sở Ngoại vụ và công an Đà Nẵng tháp tùng với các phương án bảo vệ nghiêm ngặt; riêng ngòi nổ lại được nhập từ Mỹ.
Năm 2011, Đà Nẵng chuyển thời gian bắn pháo hoa sang dịp 30/4, nhân kỷ niệm ngày thống nhất đất nước. Những tên tuổi tham dự cuộc thi như Pháp, Mỹ, Hàn Quốc,... khiến nhiều người nói đùa với nhau, "đại diện các nước từng đến Việt Nam xâm lược hay tham chiến, đang chúc mừng ngày Việt Nam thống nhất".
Pháo hoa đã trở thành đặc sản, góp phần xây dựng Đà Nẵng là thành phố sự kiện của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đông.
Sau 8 kỳ tổ chức cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, đội chủ nhà Việt Nam 7 lần đồng giải ba và một lần nhận giải khuyến khích, chưa một lần giành được giải nhất. Ông Lương Minh Sâm nói không phải đội Đà Nẵng "nhường giải", mà đơn giản là tuân thủ luật chơi, thi thố sòng phẳng.
Chưa có giải ở trong nước, nhưng hai lần thi bắn pháo hoa ở Canada, Việt Nam đều giành giải nhất và giải nhì.
Ông Lương Minh Sâm cho rằng tổ chức thành công cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế đã giúp Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện tại Việt Nam. Tròn 10 năm, Đà Nẵng độc quyền trình diễn pháo hoa quốc tế. Và nhắc đến pháo hoa, bây giờ, bạn bè quốc tế nhắc đến Đà Nẵng. Lượng khách du lịch cũng không ngừng tăng.
Hai năm nay, Đà Nẵng đổi từ "cuộc thi" thành "lễ hội" và giao quyền đầu tư cho doanh nghiệp. Lễ hội được thực hiện trong vòng 2 tháng. Tối nay (30/4), pháo hoa quốc tế sẽ rực sáng trên sông Hàn với cuộc so tài của đội Việt Nam và Ba Lan.
Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, cùng với hàng không mở nhiều đường bay quốc tế và Lễ hội pháo hoa là điểm nhấn, thành phố ước đón 342.000 lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ 2017 (dù số ngày nghỉ lễ tương đương như năm ngoái), trong đó khách quốc tế ước đạt 108.000 lượt.
Mạo danh cảnh sát, hù dọa tống tiền doanh nghiệp chiếm đoạt tiền tỷ
Không những mạo danh các ngành chức năng, những người này còn làm “lệnh bắt giả” để hù dọa các doanh nghiệp tại TP Đà ... |
1001 kiểu tận hưởng ngày nghỉ lễ của "cộng đồng mạng"
Do kỳ nghỉ lễ kéo dài, rất nhiều người tranh thủ về quê thăm gia đình; người đi du lịch hay có người chỉ đơn ... |
Hầm chui trăm tỷ ở Đà Nẵng ngập nước sâu nửa mét
Cơn mưa lớn lúc nửa đêm đã khiến hầm chui Nguyễn Tri Phương ngập sâu, nhiều phương tiện qua đây bị chết máy giữa chừng. |
Ngày đăng: 23:09 | 30/04/2018
/ https://vnexpress.net