10 năm làm công chức, kể cả buôn chổi đót hay lái xe xe ôm tính ra hết có được 500 tỷ đồng không? ĐB kỳ cựu đặt câu hỏi.

Tại phiên thảo luận tổ về luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi chiều nay, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, tham nhũng đang rất lớn, có tình trạng móc ngoặc, câu kết, nhóm lợi ích để đưa tài sản ra nước ngoài.

Về vấn đề này, các nước phương Tây kiểm soát rất tốt. Ví dụ một quan chức Pháp đưa vợ con đi du lịch Canada, mua một cái áo lông 6.000-7.000 USD về đều bị phát hiện.

ĐB Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Pham Hải

Vì vậy, ĐB đề nghị trong luật cũng phải có cơ chế để cơ quan chức năng điều tra được tài sản đưa ra nước ngoài, nếu không đây sẽ là sơ hở lớn.

"Trong 10 năm làm công chức, kể cả buôn chổi hay lái xe ôm tính ra hết có được 500 tỷ đồng không? Nếu không được thì tại sao có số tiền đó? Nếu không giải thích được thì tài sản đó phải xử lý. Cái này cử tri rất bức xúc", ông Nghĩa cho biết ở các nước sẽ thu giữ và xung công.

‘Công khai ở chi bộ quá bằng giấu cho kín’

Các ĐB đều đồng tình phải công khai tài sản của cán bộ. Tuy nhiên Chính phủ đề ra 2 lựa chọn gồm công khai tại nơi làm việc và tại chi bộ sinh hoạt Đảng.

Theo Phó Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, công khai tài sản ở chi bộ sẽ không có nhiều tác dụng.

“Bảo công khai chi bộ quá bằng giấu cho kín đi. Chi bộ đâu có kiểm soát nhau, ngày nào cũng kiểm điểm nhau hoặc động viên có khuyết điểm thì nói, có ai chê ai đâu dù sau đó có khi nói điều không hay. Công khai chi bộ để làm gì?”, ông Lợi nêu ý kiến. Ông cũng cho rằng “càng giấu sẽ càng chết, giống bồ nhí, càng giấu càng tìm”.

Thượng tướng Lê Quý Vương. Ảnh: Minh Đạt

Để quản lý chặt chẽ việc kê khai, kiểm soát thu nhập, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng phải kiểm soát đường đi của đồng tiền. Theo đó tất cả cán bộ công chức, viên chức phải thực hiện trả lương qua tài khoản, giao dịch qua tài khoản.

“Tại sao khi TQ kiểm tra những đối tượng bị xử lý về tham nhũng thấy có rất nhiều tiền mặt trong nhà, vì luật của họ quy định chặt, mang tiền đi gửi không được, mua bất động sản, vàng bạc đều bị lộ”, Thượng tướng Vương dẫn chứng.

ĐB Ngọ Duy Hiểu kiến nghị cần khảo sát đối tượng dễ xảy ra tham nhũng để tập trung kê khai. Vì thực tế có cán bộ làm địa chính xã nhưng có đến 4-5 cái nhà.

“Đồng thời cần kê khai tài sản với cả con đã thành niên, vì nếu chỉ kê khai con chưa thành niên là bỏ sót. Hay đối với người có chức vụ quyền hạn khi về hưu cũng phải kê khai tài sản liên tiếp trong 5 năm khi về hưu vì thực tế có Bộ trưởng sau khi về hưu là xây dựng nhà lớn”, ông Hiểu nêu.

Phải để cán bộ thấy tiền không thích

Nhấn mạnh chống tham nhũng phải tập trung “phòng là chính”, Tổng Thanh tra CP Lê Minh Khái kiến nghị phải nghiên cứu quy định sao cho người có ý đồ tham nhũng không tham nhũng được.

“Còn để xảy ra tham nhũng rồi, xử lý các vụ việc thì đều rất đau lòng, xử tù tội, tử hình một con người sẽ ảnh hưởng đến cả gia đình, dòng tộc… rất đau xót”, ông Khái nói.

Tổng thanh tra CP cho rằng, con người thấy tiền trước mặt mà không có ai nhìn thấy thì dễ phát sinh lòng tham, khi không để chuyện này xảy ra thì sẽ không có tham nhũng.

“Còn khi đã xảy ra tham nhũng rồi thì phải tập trung phát hiện, không để lọt. Phát hiện được rồi thì phải xử lý cương quyết để không dám tham nhũng nữa”, ông Khái nói.

Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính. Ảnh: T.Hạnh

Nhận định tham nhũng hiện nay vẫn còn diễn biến tinh vi, phức tạp, Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính ví tham nhũng hiện nay như dịch bệnh, xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành chứ không tập trung riêng chỗ nào.

“Do đó nếu chỉ khoanh lại một vùng cũng chưa ổn vì dịch ở nhiều nơi. Nếu ta chỉ tập trung ở trên thì dưới ai làm. Phải bám sát phân cấp cán bộ quản lý, cấp nào, ngành nào có cán bộ tham nhũng thì anh phải chịu trách nhiệm”, ông Chính nhấn mạnh và cho rằng việc mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản là cần thiết, thậm chí cả các đơn vị ngoài nhà nước.

Đồng quan điểm, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 cũng đề nghị mở rộng đối tượng kê khai vì giờ không chỉ người có chức quyền mới tham nhũng.

“Quan chức về hưu làm nhà thờ họ vài chục tỷ có kê khai không? Dân rất bất bình. Làm nhà thờ họ to, giỗ thì xe to xe nhỏ, ách tắc giao thông. Tóm lại là không bình thường”, ĐB nêu.

Với quan điểm cán bộ không tốt thì dân không được nhờ, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nhấn mạnh, phòng phải làm sao giáo dục cán bộ kiên định vững vàng “thấy tiền không thích, gái đẹp không đòi hỏi”.

Thanh Hóa lên kế hoạch cho 7.000 công chức, viên chức nghỉ việc

Theo kế hoạch, đến năm 2021, Thanh Hóa sẽ tinh giản biên chế ở tất cả các cơ quan ban ngành, bố trí cho khoảng ...

Phó bí thư Yên Bái: Thiếu chế tài, cán bộ không cưỡng được siêu lợi nhuận

Phát biểu về tình hình KTXH chiều nay, Phó bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Dương Văn Thống nêu một số tồn tại hạn chế ...

Đề xuất công chức đi làm muộn, nghỉ trưa ít

ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị điều chỉnh khung giờ làm việc hành chính từ 8h30 – 17h và chỉ nghỉ trưa 1h.

(http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/10-nam-lam-cong-chuc-buon-choi-dot-co-duoc-500-ty-410055.html)

Ngày đăng: 08:50 | 10/11/2017

/ Theo Thúy Hạnh - Hồng Nhì/VietNamnet.vn