HoREA chỉ ra 10 lỗ hổng và bất cập trong công tác quản lý nhà nước làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách giải quyết một số vấn đề kinh tế trong chính sách và pháp luật đất đai.
Trong văn bản này, HoREA cho biết, đang có tình trạng khai thác quá mức phương thức "trực thu", thu tiền sử dụng đất một lần quá lớn, đang là gánh nặng cho doanh nghiệp và người mua nhà, đồng thời, về lâu dài sẽ cạn kiệt nguồn thu này.
Phương thức thu tiền sử dụng đất hiện nay đang là ẩn số, không minh bạch và tạo ra cơ chế xin-cho, gây nhũng nhiễu, tiêu cực mà doanh nghiệp và người dân phải gánh chịu.
Hiệp hội cũng chỉ ra 10 lỗ hổng và bất cập trong công tác quản lý nhà nước làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai, gây thất thoát tài sản Nhà nước và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản.
Thứ nhất, chỉ định nhà đầu tư dự án có sử dụng đất không đúng đối tượng được chỉ định mà không thông qua phương thức đấu thầu rộng rãi.
Thứ hai, bán chỉ định đất công cho nhà đầu tư với giá thấp so với giá thị trường mà không thông qua phương thức đấu giá công khai, không đúng quy định pháp luật.
Thứ ba, lỏng lẻo trong quá trình thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nhất là doanh nghiệp có nhiều quỹ đất có giá trị cao.
Thứ tư, lỏng lẻo trong quá trình thực hiện chủ trương thoái vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần, nhất là doanh nghiệp có nhiều quỹ đất có giá trị cao.
Thu ngân sách đất đai ngày càng giảm. Ảnh minh họa
Thứ năm, lỏng lẻo trong quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư, bằng hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) để chỉ định nhà thầu không thông qua phương thức đấu thầu rộng rãi, dẫn đến có những trường hợp nhà thầu kiêm nhà đầu tư dự án bất động sản có thể vừa được nhận thầu công trình theo giá tốt ở đầu "B" (Building - xây dựng công trình), vừa được nhận quỹ đất phát triển dự án bất động sản với lợi nhuận rất cao ở đầu "T" (Transfer - chuyển giao công trình và nhận lại quỹ đất đối ứng). Nhất là trong những trường hợp nhà đầu tư chính là người đề xuất dự toán gói thầu BT và cũng là người đề xuất quỹ đất thanh toán đối ứng.
Thứ sáu, một số cơ quan nhà nước, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp đang sử dụng mặt bằng đất công đã thực hiện hợp tác đầu tư với doanh nghiệp tư nhân để phát triển dự án kinh doanh, dịch vụ trên quỹ đất công, nhưng giá trị thương quyền của mặt bằng chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định lại giá trị do đã chuyển đổi mục đích sử dụng.
Thứ bảy, có tình trạng chính quyền cấp cơ sở đã không thống kê, báo cáo đầy đủ quỹ đất công trên địa bàn địa phương, nhất là các thửa đất nhỏ, hẹp, và tùy tiện cho phép khai thác sử dụng, kinh doanh; hoặc để đất công bị lấn chiếm, sử dụng trái phép.
Thứ tám, có tình trạng cho thuê đất công với giá thấp so với giá thị trường, hoặc chuyển nhượng quỹ đất dự án của doanh nghiệp nhà nước cho tư nhân với giá thấp hơn giá thị trường, không đúng quy định pháp luật.
Thứ chín, có tình trạng thỏa thuận ngầm giữa cán bộ nhà nước và doanh nghiệp để "cưa đôi, cưa ba" tiền sử dụng đất dự án bất động sản, dẫn đến vừa thất thu ngân sách, vừa gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà.
Thứ mười, thủ tục hành chính là 01 trong 07 điểm nghẽn của thị trường bất động sản. Trong đó, quy trình xác định giá đất, thẩm định giá đất cụ thể của dự án; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), trên thực tế bị kéo dài cũng dẫn đến thất thu ngân sách và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản.
Để khắc phục các lỗ hổng và hạn chế trên đây, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/05/2018 để triển khai thực hiện sẽ góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản công, trong đó có đất đai.
Ngày 28/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 160/NQ-CP chỉ đạo nguyên tắc xử lý đối với các dự án BT đã thực hiện trước ngày 28/12/2018.
Tuy nhiên, theo HoREA, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công, trong đó có đất đai, để thanh toán các hợp đồng BT, để khắc phục lỗ hổng pháp lý từ ngày 01/01/2018 đến nay do chưa có Nghị định của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP để xử lý các trường hợp phát sinh từ thực tiễn.
Minh Thái
Đà Nẵng có 30 dự án vi phạm luật đất đai
Toàn thành phố Đà Nẵng hiện có 30 dự án, khu đất vi phạm pháp luật trong sử dụng đất. |
Kỷ luật cách chức chủ tịch phường vì sai phạm về đất đai
Sau khi phát hiện những sai phạm của ông Hòa liên quan đến đất đai, UBND TP Huế đã ra quyết định kỷ luật cách ... |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Đẩy lùi tín dụng đen, xử lý nghiêm vi phạm đất đai
Thực hiện mục tiêu tổng quát, các chỉ đạo điều hành và chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Quốc hội giao, Chính phủ ... |
Ngày đăng: 16:46 | 29/01/2019
/ http://baodatviet.vn