Phi công Mỹ thoát chết trước khi chiến đấu cơ F-35 đâm vào tàu sân bay

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ngày 24/1 cho biết một chiếc F-35 đã lao xuống boong tàu sân bay USS Carl Vinson ở Biển Đông, khiến 7 người bị thương.

Phi công F-35 của Mỹ thoát chết trước khi máy bay đâm vào tàu sân bay -0

Vụ tai nạn xảy ra trên khu vực Biển Đông. Ảnh Getty Images.

Phi công của chiếc F-35 này đang thực hiện các hoạt động bay thường lệ khi vụ tai nạn xảy ra. Hạm đội Thái Bình Dương cho biết thêm rằng phi công đã thoát khỏi khoang lái thành công trước khi máy bay đâm vào tàu và hiện đang trong tình trạng ổn định, CNN đưa tin.

Ít nhất 6 người khác bị thương trên boong của tàu sân bay. 3 người được yêu cầu đưa đến một cơ sở y tế ở Manila, Philippines, và hiện trong tình trạng ổn định, trong khi 3 thủy thủ khác đã được sơ cứu ngay trên tàu.

Nguyên nhân của vụ việc đang được điều tra.

Đây là vụ tai nạn đầu tiên xảy ra với một chiếc F-35C của Mỹ, loại máy bay chiến đấu tàng hình được đưa vào sử dụng vào năm 2019.

Ngoài ra, một vụ khác có liên quan đến máy bay F-35 xảy ra hôm 4/1, phi công của của Hàn Quốc đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống một căn cứ không quân sau khi bộ phận hạ cánh của máy bay gặp trục trặc do các vấn đề điện tử, theo Không quân Hàn Quốc.

Nhiều sự cố liên quan đến F-35 đã được báo cáo trong những năm qua.

Tháng 11 năm ngoái, một chiếc F-35B của Anh đã lao xuống biển Địa Trung Hải ngay sát hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth. Phi công đã thoát khỏi máy bay một cách an toàn.

Vào tháng 5/2020, phi công đã thoát ra an toàn khi một chiếc F-35 của Không quân Mỹ gặp nạn khi hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Eglin ở Florida. Lực lượng Không quân cho rằng vụ tai nạn xảy ra do nhiều yếu tố liên quan đến phi công và hệ thống của máy bay.

Vào tháng 4/2019, một chiếc F-35 của Nhật Bản đã lao xuống Thái Bình Dương ngoài khơi phía Bắc nước này, khiến phi công thiệt mạng. Theo tạp chí Military Medicine, quân đội Nhật Bản cho rằng nguyên nhân của vụ tai nạn là do mất phương hướng trong không gian, “tình huống mà phi công không thể cảm nhận chính xác vị trí, tọa độ, độ cao hoặc chuyển động của máy bay”.

Tàu Carl Vinson và các tàu hộ tống khác của Mỹ đang có hoạt động ở Biển Đông cùng với nhóm tàu tấn công USS Abraham Lincoln.

Hôm 22/1, hai nhóm tàu tấn công này cùng với một tàu khu trục trực thăng của Nhật Bản đã tổ chức một cuộc tập trận lớn ở Biển Philippines, một khu vực của Thái Bình Dương giữa Đài Loan và các lãnh thổ đảo Guam và Quần đảo Bắc Mariana của Mỹ.

Một ngày sau cuộc tập trận đó, Trung Quốc đã đưa 39 máy bay chiến đấu vào “vùng nhận dạng phòng không” do Đài Loan tự tuyên bố, đây là cuộc áp sát quy mô lớn nhất của các máy bay chiến đấu Trung Quốc vào khu vực này trong năm nay.

Tiến Dũng

Nghỉ việc quá lâu vì COVID-19, các phi công "quên" cách lái máy bay Nghỉ việc quá lâu vì COVID-19, các phi công "quên" cách lái máy bay
Liên tiếp phi công không làm chủ tốc độ, lái máy bay quá vạch, hàng không quốc tế cảnh báo Liên tiếp phi công không làm chủ tốc độ, lái máy bay quá vạch, hàng không quốc tế cảnh báo
/ cand.com.vn