Phập phù đường dây nóng phòng chống COVID-19

Ngày 22.4, thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn - tỉnh Hà Giang) có quyết định phong toả để phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên khi phóng viên Lao Động gọi điện vào đường dây nóng của Hà Giang để tìm hiểu thêm thì cả hai số máy được công bố trước đó đều… không có ai nghe máy. Lần lượt rà soát nhiều tỉnh, thì chuyện đường dây nóng phòng chống dịch bệnh “tậm tịt” không chỉ diễn ra ở Hà Giang.

Nguội ngắt đường dây nóng

Trong thời điểm diễn ra dịch COVID-19, Bộ Y tế cung cấp 2 đường dây nóng tư vấn phòng chống dịch COVID-19 để người dân khi có nhu cầu sẽ được cung cấp thông tin kịp thời.

Ngoài ra, người dân có thể gọi số điện thoại đường dây nóng ở các địa phương nơi mình sinh sống để được tư vấn khi cần thiết. Tuy nhiên, nhiều đường dây nóng rơi vào tình trạng tậm tịt dù dịch COVID-19 chưa hết.

Theo Bộ Y tế, đường dây nóng của Bộ Y tế là: 19009095 và 19003228. Đồng thời, 63 tỉnh thành cũng có đường dây nóng tư vấn phòng chống dịch COVID-19 để người dân khi có nhu cầu sẽ được cung cấp thông tin kịp thời. Số máy của các tỉnh, thành gồm cả 2 số: Cố định và Di động. Hệ thống tổng đài sẽ hoạt động liên tục 24/7.

Chưa kể, đường dây nóng 22 bệnh viện được Bộ Y tế cung cấp. Bộ Y tế khuyến cáo người dân thông tin đúng, chính xác, ngắn gọn khi gọi đến đường dây nóng, tránh những thông tin quấy rối, thiếu hợp tác hoặc hỏi những câu không liên quan tới dịch bệnh. Nếu đường dây bận, hãy kiên nhẫn chờ đợi để được nhân viên tổng đài phục vụ.

Đến thời điểm này, đường dây nóng vẫn phải hoạt động nhưng theo khảo sát của Báo Lao Động, nhiều đường dây đã nguội. 12h ngày 22.4, đường dây nóng của các tỉnh Lai Châu (0213.3876698), Hoà Bình (0218.3857005), Cao Bằng (0206.3855666) đều không có ai nhận cuộc gọi.

Đến 14h cùng ngày, khi gọi vào các số máy di động được Bộ Y tế cung cấp để người dân gọi tới nhận tư vấn phòng chống dịch COVID-19 thì có người nhấc máy. Tuy nhiên, tỉnh Lai Châu yêu cầu gọi lại vào 2 số khác, không phải số đã công bố.

Ngay cả tỉnh Hà Giang, nơi đang có ca bệnh 268 (Nữ, 16 tuổi, quốc tịch Việt Nam, dân tộc Mông, trú tại một thôn hẻo lánh ở gần biên giới giáp Trung Quốc của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) dương tính với SARS-CoV-2, đến ngày 22.4, thị trấn Đồng Văn bị phong toả, số máy cố (0219.3886495), cung cấp để người dân có thể gọi nhận tư vấn phòng chống dịch COVID-19 cũng không ai bắt máy.

Tiếp tục trực tiếp gọi điện tới đường dây nóng nhiều tỉnh thành, phóng viên liên lạc tới nhiều đầu số máy bàn, số di động thì nhiều số không thể được. Đơn cử, số máy 0286.9.577.133 (TPHCM) và số máy 0272.3.862.053 (Long An) đều ở trạng thái được tổng đài thông báo “Số máy quý khách vừa gọi không đúng. Xin vui lòng kiểm tra lại”. Liên lạc số điện thoại 0274.3.821.735 (Bình Dương) sau khi có tín hiệu kết nối thì đầu người gọi chỉ nhận được những âm thanh lạ liên tục, kéo dài. Số máy 0254.373.128 (Bà Rịa - Vũng Tàu), 0781.824.096 và 0966.281.919 (Bạc Liêu) lại không thể kết nối do thiếu số, số máy không có, số máy không liên lạc được…

Khó khăn lắm, phóng viên mới có thể liên lạc được với đầu số đúng 0276.3.822.474 (Tây Ninh), 0213.3.876.698 (Lai Châu) thì liên lạc tới 4-5 cuộc nhưng đều trong tình trạng không ai bắt máy.

Vẫn có nơi… nóng rực

Trao đổi với Lao Động, BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) - chia sẻ, về đường dây nóng của bệnh viện: Ngay sau khi Bộ Y tế công bố, đường dây nóng sôi sục đến nỗi bác sĩ trực đường dây không chịu nổi, đến 22h đêm phi xe đến bệnh viện mếu máo trao trả tôi. Tôi tiếp nhận đường dây từ 22h đến 8h hôm sau, phải nhận rất nhiều cuộc gọi trong khi tôi vẫn phải trực và điều trị gần 200 bệnh nhân. Nhiều cuộc gọi đến giữa lúc tôi đang cấp cứu bệnh nhân.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Cấp, đường dây sinh ra để giải quyết các tình huống nóng của bệnh nhân và các bệnh viện tuyến dưới nhưng điều đáng buồn là hầu hết các cuộc gọi đến đều nhằm mục đích thử đường dây hoặc yêu cầu giải đáp các tò mò thắc mắc kiểu “Bệnh này là gì”, “Virus này có lây qua đường tình dục không”, thậm chí trêu chọc, spam... Trong 1 đêm, gần trăm cuộc gọi chỉ có 3 cuộc gọi thực sự nóng xin tư vấn tình huống dịch của 2 bệnh viện tuyến dưới và của 1 khách sạn.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng có tới 15 hotline tiếp nhận thông tin dịch COVID-19

Để chủ động trong phòng, chống COVID-19, từ đầu tháng 3 đến nay, UBND Thành phố Đà Nẵng đã công bố 9 đường dây nóng tiếp nhận thông tin về COVID-19 và nhận tư vấn cách phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. Trong đó có các số liên lạc trực tiếp của Phó Giám đốc Sở Y tế, các phó giám đốc bệnh viện tiếp nhận người nghi nhiễm COVID-19 và điều trị bệnh nhân. Riêng ngành Du lịch có tới 3 đầu mối tiếp nhận thông tin.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng thông báo số điện thoại đường dây nóng tại 7 Trung tâm y tế các quận, huyện để tiếp nhận thông tin liên quan đến COVID-19 tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Ông Lê Hồng Phương - Tổ phó Tổ phản ứng nhanh du lịch, Sở Du lịch Đà Nẵng - một trong những người giữ số hotline cho hay, dù là bất kể ngày đêm, cứ thấy cuộc gọi nhỡ là phải gọi lại, xác minh xem có phải người dân hay du khách cần hỗ trợ gì không. “Đa phần người dân muốn biết việc di chuyển đi lại giữa các tỉnh trong từng thời điểm thế nào, có phải cách ly hay không, hạn chế gì…. Những thông tin này chúng tôi phải nắm rõ và trao đổi ngay trên điện thoại, hướng dẫn người dân nên làm gì, cần liên hệ thêm với đơn vị nào nữa không” - ông Phương cho hay.

Long An: Điện thoại đường dây nóng COVID-19 của… kế toán

Do có sai sót nên 1 trong 2 số điện thoại (máy bàn) đường dây nóng phòng chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh Long An là của bộ phận… Tài chính - kế toán.

Theo thông báo của Bộ Y tế số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch bệnh COVID-19 của bộ và 63 tỉnh, thành trong cả nước thì tỉnh Long An có 2 số điện thoại đường dây nóng là 02723.826.053 (số bàn) và 0967.921.414 (ĐTDĐ).

Trong khi số ĐTDĐ 0967.921.414 của đường dây nóng tiếp nhận thông tin, tư vấn dịch bệnh bình thường, thì khi người dân điện thoại đến số 02723.826.053, họ được trả lời là của Phòng Tài chính - Kế toán thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, không có chức năng là “đường dây nóng COVID-19”.

Ngày 22.4, Giám đốc Sở Y tế Long An - ông Huỳnh Minh Phúc - cho biết, sở chỉ đăng ký duy nhất 1 số điện thoại đường dây nóng COVID-19 là 0967.921.414, được công bố trên các trang web của Sở Y tế và của tỉnh Long An. Ông Phúc cũng cho biết, sở đã thông báo và kiến nghị Bộ Y tế xóa số điện thoại bàn đường dây nóng COVID-19 của tỉnh Long An không đúng nói trên. KỲ QUAN

TPHCM: 70% cuộc gọi quấy phá 115

Trong khi đường dây nóng nhiều nơi nguội thì tại một số địa phương, tình trạng đường dây 115 bị quá tải do báo tin COVID-19 là phổ biến. Bác sĩ Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM cho biết, đơn vị này hiện luôn trong tình trạng quá tải. Từ 400-500 cuộc gọi mỗi ngày trong đợt trước dịch thì bây giờ con số này đều khoảng 800 cuộc mỗi ngày, đạt đỉnh điểm ngày 15.4 với 1.259 cuộc gọi. Tuy nhiên, cũng theo thống kê, có khoảng 70% tổng số cuộc gọi là không rõ nội dung, gây rối, quấy rối.

Vào ngày 15.4, trung tâm nhận được cuộc gọi từ một số thuê bao 096.881.xxx gọi đến đầu số 115 liên tục, với 251 cuộc (thời lượng từ 1 - 23 giây), thời gian gọi từ 14h12 - 23h42. Tuy nhiên, khi tổng đài viên bắt máy thì không có nội dung, chỉ nghe tiếng tivi.

Có những người khi biết thông tin TPHCM hỗ trợ taxi miễn phí (trong thời gian cách ly xã hội) còn lạm dụng gọi điện cho Trung tâm 115 yêu cầu xe, cho dù không quá cần thiết. Có người đi siêu thị cũng gọi taxi miễn phí, khi được giải thích là không thuộc trường hợp gọi xe thì lại nặng lời với nhân viên.

Đơn vị này sau đó đã có văn bản gửi đến Công an và Sở Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị hỗ trợ xử lý số điện thoại gọi đến đầu số 115 để quậy phá.

* Tại Hà Nội, theo ông Trần Anh Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội - kể từ thời điểm Việt Nam xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, phòng trực của Trung tâm hiếm khi vắng tiếng chuông điện thoại. Số lượng cuộc gọi từ 1.100-1.200 đã tăng lên đến 1.800-1.900.

Với số lượng lớn cuộc gọi tới và không ít cuộc gọi ma, nhưng Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội không bỏ sót bất kỳ cuộc gọi nào. “Thời gian này, để đáp ứng yêu cầu mùa dịch, chúng tôi đã tăng cường thêm 1 điện thoại viên và sắp xếp nhân viên trực 24/24 giờ. Đồng thời, trung tâm cũng lắp đặt những phần mềm theo dõi các cuộc gọi nhỡ khi 4 luồng gọi bị quá tải để gọi lại cho người dân” - ông Thắng cho biết.

Thêm vào đó, ông Thắng lưu ý người dân chỉ gọi cho những đường dây nóng khi thật sự cần thiết để nhường luồng gọi cho những trường hợp cấp bách hơn. Với những trường hợp không gọi được cho đường dây nóng, người gọi cần kiểm tra lại sóng điện thoại và gọi bằng nhà mạng khác để tránh trường hợp không có sóng và bị mất kết nối.

Nguyễn Huyên - Hoài Anh

phap phu duong day nong phong chong covid 19 Cập nhật Covid-19: Thế giới hơn 2,6 triệu ca mắc, 183.000 ca tử vong

Trong vòng 24h qua, thế giới ghi nhận thêm hơn 75.578 ca mắc Covid-19 và 6.329 ca tử vong do Covid-19.

phap phu duong day nong phong chong covid 19 Hôm nay, học sinh tỉnh thành nào đi học sau nghỉ tránh dịch Covid-19?

Hôm nay (23/4), 5 tỉnh, thành cho học sinh đi học trở lại sau khi nghỉ tránh dịch Covid-19 là: Gia Lai, Yên Bái, Hải ...

phap phu duong day nong phong chong covid 19 Việt Nam là hình mẫu phòng chống COVID-19 chi phí thấp

Việt Nam cho thấy hình mẫu phòng chống COVID-19 “chi phí thấp” với nguồn lực hạn chế - bài viết trên website Diễn đàn Kinh ...

/ laodong.vn