Ông Phạm Minh Chính – ‘người truyền lửa’ giúp Quảng Ninh lột xác ngoạn mục

5 năm trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông Phạm Minh Chính trở thành “người truyền lửa”, đưa Quảng Ninh phát triển thần kỳ nhờ các chiến lược đột phá, bước đi táo bạo.

Ngày 5/4, Quốc hội bầu ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Với người dân Quảng Ninh, đây không chỉ là tin vui, mà còn là niềm vinh dự, tự hào bởi ông Phạm Minh Chính có quãng thời gian gắn bó suốt 5 năm (2011 – 2015) với vùng đất Mỏ trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy.

Trả lời VTC News về dấu ấn trong phong cách lãnh đạo của ông Phạm Minh Chính, ông Nguyễn Văn Đọc – nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh chia sẻ:

“Dấu ấn về ông Phạm Minh Chính có thể gói gọn trong hình ảnh một “người truyền lửa” - người từ nơi khác đến, tổng kết, phát hiện và truyền lại cho chính người dân Quảng Ninh về tình yêu, niềm tự hào, khát vọng vươn lên từ những tiềm năng, cơ hội nổi trội, truyền thống kỷ luật và đồng tâm của "một Việt Nam thu nhỏ"; người tìm tòi để xác định tầm nhìn, hướng đi mới cho Quảng Ninh; người khơi dậy nguồn lực từ trong sức dân trở thành động lực và nguồn lực cho sự phát triển".

Ông Phạm Minh Chính – ‘người truyền lửa’ giúp Quảng Ninh lột xác ngoạn mục - 1
Ông Phạm Minh Chính kiểm tra bản đồ Dự án khu tái định cư xã Hạ Long (Vân Đồn) năm 2014.

- Nhiều người cho rằng Quảng Ninh bắt đầu bứt phá và tăng tốc từ giai đoạn 2011-2015 - thời kỳ ông Phạm Minh Chính làm Bí thư Tỉnh ủy, với cách làm sáng tạo, quyết liệt trong việc thực hiện 3 đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực và cải cách hành chính?

Có thể nói, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng thế mạnh được ví như "một Việt Nam thu nhỏ" để phát triển, nhưng nó thực sự bứt phá và tăng tốc từ giai đoạn 2010-2015, thời kỳ ông Phạm Minh Chính làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đó là giai đoạn mà tỉnh tập trung tổng kết thực tiễn; đánh giá đầy đủ tiềm năng, thế mạnh, phát hiện mâu thuẫn, thách thức; Xây dựng tầm nhìn và triết lý phát triển; Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Ông Phạm Minh Chính – ‘người truyền lửa’ giúp Quảng Ninh lột xác ngoạn mục - 2
nguyen-van-doc-6.jpg
Có thể khẳng định, 3 đột phá chiến lược đã tạo động lực bứt phá mạnh mẽ cho Quảng Ninh, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Văn Đọc

Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng chiến lược phát triển và 7 Quy hoạch đồng bộ với tầm nhìn và kinh nghiệm của nước ngoài làm căn cứ thu hút đầu tư, làm công cụ quản lý và đồng thời là phương tiện để nhân dân giám sát.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh tập trung xây dựng, thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược, đó là kết cấu hạ tầng đồng bộ; cải cách hành chính và đổi mới, phát triển nguồn nhân lực... Và đặc biệt là đổi mới và nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế...

Có thể khẳng định, 3 đột phá chiến lược đã tạo động lực bứt phá mạnh mẽ cho Quảng Ninh, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây, quy mô nền kinh tế đã lớn mạnh hơn, sức cạnh tranh đã cải thiện đáng kể, đà tăng trưởng liên tục trong nhiều năm liền đã tạo tiền đề, nền tảng cơ bản để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo.

Từ những quyết sách đó, Quảng Ninh đã nhất quán, kiên trì, quyết liệt thực hiện và thực hiện có hiệu quả; tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách trên địa bàn luôn nằm trong nhóm đầu của cả nước; hạ tầng đầu tư đồng bộ, diện mạo đô thị, nông thôn, miền núi thay đổi đáng trân trọng; các chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp được cải thiện và luôn đứng đầu cả nước...

- Năm 2011, kinh tế Việt Nam cực kỳ khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới từ cuối năm 2008. Thu ngân sách của tỉnh Quảng Ninh thời đó 70% từ than, 20% từ sản xuất kinh doanh và 10% từ đất, nên nói chuyển từ “nâu” sang “xanh” (từ khai khoáng sang phát triển du lịch, công nghiệp) không ai tin bởi ngành than đã ăn sâu trong tiềm thức, tư duy của người Quảng Ninh cả trăm năm. Thời điểm đó, chắc hẳn ít người dám nghĩ sẽ có những bước thay đổi ngoạn mục như vậy?

Cho đến nay, ngành than là một trong những trụ cột về năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh (nơi có trữ lượng than chiếm đến 95% trữ lượng của cả nước). Tỷ lệ thu từ than và đất chiếm tới 70% ngân sách địa phương.

Đây cũng là ngành tạo ra nhiều việc làm lớn, khoảng gần 1/3 lao động toàn tỉnh, góp phần giải quyết vấn đề việc làm và các vấn đề xã hội khác. Nhất là trong bối cảnh khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới nói chung thì sự chủ động trong phát triển ngành than càng củng cố thêm lợi thế khác biệt này.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, Quảng Ninh đối mặt với những khó khăn không chỉ của một năm 2011 mà tích tụ trong thời gian tương đối dài xuất phát từ cơ cấu kinh tế còn bất hợp lý, phương thức phát triển còn nặng về khai thác những tài nguyên hữu hạn như than và đất, chưa gắn và khai thác được tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương để cạnh tranh và thu hút đầu tư; Sản xuất than là ngành kinh tế chủ yếu, trong khi các hậu quả về môi trường để lại từ hàng trăm năm ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch...

Đây là những tồn tại, khó khăn mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy thời điểm đó và đặc biệt là ông Phạm Minh Chính - Bí thư Tỉnh ủy đã trăn trở, lật đi lật lại để tìm giải pháp hữu hiệu và hướng đi chính xác nhất để giải quyết căn cơ trong dài hạn, góp phần đạt những mục tiêu đề ra sớm nhất.

Để giải quyết bài toán đổi mới cơ cấu thu ngân sách nói riêng và đổi mới mô hình tăng trưởng nói chung, Quảng Ninh đã lựa chọn định hướng phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi từ dựa chủ yếu vào yếu tố phát triển chưa bền vững (tài nguyên hữu hạn than, đất; nhân công giá rẻ) sang phát triển bền vững dựa vào tri thức, khoa học công nghệ, đầu tư, thương mại, xuất khẩu, cảnh quan, văn hóa, truyền thống, con người... Đây chính là một tầm nhìn mới, một hướng tư duy mới, một cách khai thác nguồn lực mới mà phải thực sự tâm huyết, sáng tạo mới dám đề cập đến.

Ông Phạm Minh Chính – ‘người truyền lửa’ giúp Quảng Ninh lột xác ngoạn mục - 3
Khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế 5 sao - Vinpearl Hạ Long Bay Resort; Vòng quay mặt trời lớn nhất thế giới bên bờ vịnh Hạ Long; Dự án Khu đô thị Phương Đông (Vân Đồn) và Cảng tàu khách Quốc tế Hòn Gai, đón được các loại du thuyền 5 sao là những dự án lớn đưa Quảng Ninh lột xác ngoạn mục.

Từ giai đoạn 2011 – 2015, Quảng Ninh đã chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Bản thân ông Phạm Minh Chính cũng hết sức tâm huyết, trăn trở với định hướng này.

Trong đó, một trong những bài toán đặt ra là phải giải quyết mâu thuẫn, thách thức giữa phát triển công nghiệp, đặc biệt là khai thác than, đô thị hóa nhanh với phát triển dịch vụ, du lịch trên cùng địa bàn. Do vậy, quan điểm của Quảng Ninh khi giải bài toán này là sẽ thực hiện một cách hài hòa và hợp lý.

Đối với ngành than, tỉnh chủ trương tiếp tục phát huy theo hướng bền vững. Theo đó, tỉnh quy hoạch và phân vùng mỏ than phù hợp để không làm ảnh hưởng đến khu du lịch và khu dân cư, thực hiện lộ trình kết thúc khai thác than lộ thiên, từng bước di chuyển nhiều phân xưởng, nhà máy sản xuất than ra khỏi các trung tâm, góp phần cải thiện môi trường cảnh quan và phát triển đô thị.

Sản lượng của ngành than được điều chỉnh phù hợp với lộ trình đổi mới; Đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, đồng bộ trong khai thác, vận chuyển, chế biến để tăng năng suất lao động, giảm thất thoát tài nguyên. Đồng thời siết chặt kỷ cương quản lý nhà nước đối với việc khai thác, vận chuyển than; bảo vệ môi trường. Đóng góp vào thu ngân sách của địa phương từ sản xuất và tiêu thụ than lớn nhưng tỷ trọng có xu hướng giảm dần (xuống dưới 50%, có năm còn 42%).

Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp khác phát triển theo hướng bền vững hơn, đẩy mạnh giá trị gia tăng, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo được nâng lên. Dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản.

Thương mại phát triển tích cực; hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới chuyển dần từ tiểu ngạch sang chính ngạch; bước đầu hình thành thương mại điện tử. Dịch vụ vận tải, cảng biển và hậu cần cảng biển có bước phát triển mới. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.

Với các giải pháp chuyển hướng phát triển toàn diện, đồng bộ, kinh tế của tỉnh giai đoạn qua liên tục tăng trưởng cao, ổn định, chúng ta nhìn thấy các kết quả "xanh" dần của Quảng Ninh hôm nay. Là tỉnh đầu tiên trong cả nước bắt đầu thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ ”nâu” sang ”xanh”, chắc chắn mọi người cũng đều nhìn thấy nhiều trở ngại mà Quảng Ninh phải giải quyết trên con đường đổi mới.

- Dấu ấn của người đứng đầu trong giai đoạn này thế nào, thưa ông?

Nhìn lại 10 năm phát triển sôi động vừa qua của tỉnh, nhất là giai đoạn 2011 – 2015 bắt đầu hành trình đổi mới, có thể thấy những nỗ lực hết mình của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ở Quảng Ninh, mà đặc biệt nhất là người đứng đầu, ông Phạm Minh Chính - Bí thư Tỉnh ủy.

Ông Phạm Minh Chính – ‘người truyền lửa’ giúp Quảng Ninh lột xác ngoạn mục - 4
Ông Phạm Minh Chính là người lãnh đạo có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, truyền lửa đổi mới, luôn tâm huyết phát huy nguồn lực con người.

Ông Nguyễn Văn Đọc

Dấu ấn về ông Phạm Minh Chính có thể gói gọn trong hình ảnh một “người truyền lửa”- người từ nơi khác đến, tổng kết, phát hiện và truyền lại cho chính người dân Quảng Ninh về tình yêu, niềm tự hào, khát vọng vươn lên từ những tiềm năng, cơ hội nổi trội, truyền thống kỷ luật và đồng tâm của "một Việt Nam thu nhỏ"; người tìm tòi để xác định tầm nhìn, hướng đi mới cho Quảng Ninh; người khơi dậy nguồn lực từ trong sức dân trở thành động lực và nguồn lực cho sự phát triển.

Đó là một người lãnh đạo có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, truyền lửa đổi mới, luôn tâm huyết phát huy nguồn lực con người, cổ vũ cho tinh thần sáng tạo, tự tin, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, không quá cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để nắm bắt kịp thời thời cơ, tạo đột phá.

Một người truyền lửa, thôi thúc quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt, lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả và dứt điểm, với phương châm “việc gì có lợi cho dân, cho nước thì phải hết sức làm”. Và cũng chính là người cầm nhịp cho sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ.

- Những năm gần đây, Quảng Ninh luôn dẫn đầu cả nước về cải cách thủ tục hành chính để phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Thành quả đó cũng bắt nguồn từ nhiệm kỳ 2011-2015 của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, với mô hình Trung tâm hành chính công đầu tiên của cả nước phải không, thưa ông?

Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, tiên phong của tỉnh Quảng Ninh đã được Trung ương Đảng, Chính phủ đánh giá cao, ghi nhận về “tư duy đổi mới và ý chí quyết tâm cải cách của cả hệ thống chính trị ở địa phương, đặc biệt là người đứng đầu mỗi tổ chức…”.

Trong đó, ngay từ năm 2012, Quảng Ninh đã xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Hành chính công (HCC) tỉnh và Trung tâm HCC cấp huyện với quyết tâm tách dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước – một trong những khâu đột phá nhằm cải cách hành chính. Năm 2013, Trung tâm HCC tỉnh chính thức đi vào hoạt động, cho thấy thực sự là bước đột phá khi góp phần nâng chỉ số PCI của Quảng Ninh từ 20/63 tỉnh thành năm 2012 lên vị trí thứ 4/63 tỉnh thành vào năm 2013.

Hiệu quả của mô hình Trung tâm HCC cấp tỉnh, cấp huyện của tỉnh đã có sự tác động tích cực, lan tỏa đến các địa phương khác, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã đến Quảng Ninh học tập kinh nghiệm và triển khai thực hiện. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức cho phép thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ HCC tỉnh Quảng Ninh trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh.

Với tính chất đột phá của mô hình và mục tiêu phục vụ tốt nhất nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã góp phần không nhỏ đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đã tiếp tục góp phần quan trọng tạo nên bước tiến vượt bậc đối với các chỉ số PCI, PAR INDEX và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua.

Hoạt động của Trung tâm đã được các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần về thăm và đánh giá cao; được nhiều địa phương đến học tập kinh nghiệm và triển khai áp dụng ở cấp tỉnh, cấp huyện; là cơ sở thực tiễn để quy định, luật hóa mô hình Trung tâm HCC (Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính) và được Chính phủ chỉ đạo đưa vào Nghị định quy định cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.

Ông Phạm Minh Chính – ‘người truyền lửa’ giúp Quảng Ninh lột xác ngoạn mục - 5
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh trở thành mô hình hiệu quả được nhiều địa phương học tập.

- Cùng với việc đột phá về hạ tầng giao thông động lực, từ năm 2011, Quảng Ninh đã mời các nhà làm quy hoạch hàng đầu thế giới về giúp tỉnh xây dựng 7 quy hoạch chiến lược. Trong đó có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch vùng tỉnh; quy hoạch phát triển du lịch; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực... Phải chăng đó là những quyết sách rất quan trọng để giúp Quảng Ninh định vị được vị trí trên bản đồ Việt Nam?

Những năm 2011 - 2012, ở Quảng Ninh nhận thức về xây dựng quy hoạch, xây dựng chiến lược đã được nâng cao rõ rệt trong các cấp, các ngành, các địa phương. Năm 2012 được xác định là năm xây dựng chiến lược và quy hoạch với chủ trương mạnh dạn là mời các nhà tư vấn về lập chiến lược, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng hàng đầu thế giới tham gia.

Tỉnh đã chủ động và báo cáo Chính phủ cho phép thuê tư vấn nước ngoài triển khai một số quy hoạch quan trọng cho tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, như: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, Quy hoạch nguồn nhân lực, Quy hoạch phát triển du lịch, Quy hoạch bảo vệ môi trường, Quy hoạch phát triển khoa học công nghệ, Quy hoạch đất đai… và các cấp, các ngành đều phải làm quy hoạch; các ban xây dựng Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội phải xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

7 quy hoạch chủ yếu và quy hoạch kinh tế - xã hội của các thành phố lớn do các tư vấn hàng đầu thế giới tham gia, có sự tham gia ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của Việt Nam, các tầng lớp nhân dân, các bộ ngành thẩm định. Nguồn vốn cho quy hoạch tỉnh dành một phần ngân sách thỏa đáng, đồng thời kêu gọi xã hội hóa.

Có thể thấy, chiến lược, quy hoạch rõ ràng, có tầm nhìn xa dài hạn đã giúp cho công tác quản lý nhà nước chặt chẽ, bài bản, khoa học hơn, tạo tiền đề để phát triển ổn định, có lộ trình với những giải pháp mang tính đột phá, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và các địa phương và các sản phẩm quy hoạch chất lượng, có đẳng cấp quốc tế sẽ là môi trường tốt để có các dự án tốt thu hút các nhà đầu tư, huy động và phát huy tối đa nguồn lực phát triển cho tỉnh. Đồng thời thông qua các tư vấn quốc tế nổi tiếng là một kênh quảng bá, mời gọi hiệu quả các nhà đầu tư lớn của quốc tế, khu vực đến với Quảng Ninh.

- Hạ tầng đồng bộ, diện mạo thay đổi là thành tựu rất dễ nhận thấy của Quảng Ninh sau những chiến lược đột phá và bước đi táo bạo?

Đó là thành quả của thực hiện Quy hoạch và huy động các nguồn lực với phương châm "coi trọng phát huy các nguồn lực với quan điểm dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; và kết hợp hài hòa giữa nội lực, ngoại lực trong từng giai đoạn phát triển".

Thứ nhất, tỉnh cơ cấu lại các nguồn chi từ ngân sách, tiết kiệm chi, tập trung đầu tư cho đối tượng chính sách, cho vùng khó, công trình văn hoá, dân sinh, không hoặc ít sinh lời như các thiết chế văn hoá; điện, nước, đường dân sinh; trường học, bệnh viện cho vùng sâu, vùng xa, biên tới, hải đảo. Với cách này, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước đưa điện lưới quốc gia đến tận thôn, khu, khe, bản trên đất liền, đưa điện lưới ra đảo Cô Tô và các xã đảo....

Thứ hai, giải quyết bài toán huy động các nguồn lực nhàn rỗi trong dân và doanh nghiệp, bằng cách nhà nước không trực tiếp làm những việc người dân và doanh nghiệp làm được và làm tốt; chỉ tập trung cho các công trình mang tính động lực, tạo nền tảng thu hút đầu tư như hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch....; nghiên cứu và triển khai thực hiện sáng tạo các mô hình hợp tác công tư (PPP): "Lãnh đạo công-quản lý tư", "Đầu tư công-quản trị tư", "Đầu tư tư-sử dụng công" để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ. Bằng cách này, Quảng Ninh đã xây dựng, quản lý được nhiều công trình văn hoá, thể thao, trường học, trụ sở cơ quan bằng nguồn lực ngoài nhà nước;

Đồng thời, chủ động đề xuất Chính phủ cho phép tự huy động các nguồn vốn để triển khai dự án đường cao tốc đầu tiên là Hạ Long - Hải Phòng. Ðây được coi là động lực kích cầu đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tại địa phương.

Tiếp theo đó, hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm được triển khai như: Đường cao tốc Hạ Long - Vân Ðồn, cầu Bạch Ðằng, Cảng hàng không quốc tế Vân Ðồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc Vân Ðồn - Móng Cái… với tổng số vốn đầu tư ngoài ngân sách lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Ðồn là 2 dự án đường cao tốc đầu tiên trong cả nước do cấp tỉnh làm chủ đầu tư; Cảng hàng không quốc tế Vân Ðồn là sân bay đầu tiên trong cả nước do tư nhân đầu tư, mở đầu cho hướng phát triển cảng hàng không mới tại Việt Nam.

Ông Phạm Minh Chính – ‘người truyền lửa’ giúp Quảng Ninh lột xác ngoạn mục - 6
Dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản.

Phát huy thành công của giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đi đầu thực hiện thành công phương thức huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức PPP, giai đoạn 2016 – 2020, vốn ngoài nhà nước tiếp tục tăng bình quân gần 20%/năm, trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Các công trình giao thông động lực được đầu tư theo hình thức PPP đưa vào hoạt động hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ tổng thể hệ thống giao thông liên kết vùng và hợp tác quốc tế. Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương ghi dấu ấn mạnh mẽ nhất về phát triển hạ tầng giao thông với hơn 100km đường cao tốc và hiện đang phấn đấu đến cuối năm 2021 hoàn thành cao tốc từ huyện Vân Đồn tới thành phố Móng Cái, trở thành địa phương sở hữu đường cao tốc dài nhất Việt Nam (bằng 1/10 tổng số đường cao tốc toàn quốc).

Đồng thời, Quảng Ninh cũng trở thành mô hình để các tỉnh, thành bạn tham khảo kinh nghiệm và đóng góp cơ sở thực tiễn để Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư; là khung pháp lý đầy đủ đầu tiên để nước ta đẩy mạnh hình thức xã hội hóa đầu tư thông qua hình thức công - tư.

- Quảng Ninh sẽ phải tiếp tục hiện thực hoá con đường phát triển thế nào để đưa tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, thưa ông?

Vừa qua, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra mục tiêu đưa “Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc” và tiếp tục xác định kiên trì chiến lược xanh, mục tiêu xanh, trên nền tảng 3 trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững.

Theo đó, đổi mới sáng tạo được xác định là chìa khóa cho các động lực phát triển mới. Tỉnh chú trọng tạo môi trường, điều kiện để khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; bảo vệ cán bộ dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và quyết liệt trong hành động.

Quảng Ninh sẽ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, yếu tố con người, xã hội và lịch sử văn hóa Quảng Ninh, phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy phát triển thương mại, kinh tế biển và dịch vụ cảng biển gắn với bảo vệ môi trường và tài nguyên, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, trở thành động lực, tạo đột phá.

Không ngừng củng cố nguồn lực chiến lược bên trong và phát huy tối đa nguồn lực bên ngoài, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược. Kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghệ, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng.

Đồng thời, tỉnh tạo bước tiến mới thực chất và hiệu quả hơn nữa về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Quyết tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy phát triển giáo dục, y tế, du lịch, giao thông, sản xuất, quản lý, đô thị thông minh.

Kế thừa tư duy, tầm nhìn, triết lý, lộ trình và phương thức phát triển, từ thực tiễn sinh động những thành quả đã đạt được, hình ảnh, vị thế của Quảng Ninh sau chặng đường 10 năm đổi mới và phát triển sôi động vừa qua khiến cho mỗi chúng ta vững tin hơn vào định hướng phát triển và mục tiêu của tỉnh thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

/ vtc.vn