Ông bầu, trọng tài và V.League

Các ông bầu khiến sân chơi V.League sôi động, họ cũng tạo tầm ảnh hưởng sâu rộng đến giới trọng tài. Thế nhưng, không ít ông bầu đã tạo ra những hệ luỵ xấu phần nào khiến giới trọng tài đang trở thành một thế giới “bất khả xâm phạm”. Bây giờ thì bầu Tú đang muốn đứng ra để lấy lại cân bằng cho “đế chế” này.

ong bau trong tai va vleague

Chia sẻ

Ban trọng tài VFF đang rạn nứt với VPF. Ảnh: Đ.H

Ông bầu và trọng tài

Năm 2011, khi bầu Kiên công kích VFF, tạo ra cú đấm thép làm thay đổi bóng đá Việt Nam, một trong những vấn đề mà ông nhắc đến chính là vấn nạn tiêu cực trọng tài. Ông Kiên đã thẳng thắn nêu ra những hạn chế, yếu kém trong công tác trọng tài cùng những chiêu trò, thủ đoạn của các trọng tài.

Bầu Kiên từng gây sốc khi tiết lộ thông tin có những đường dây môi giới trọng tài tiếp xúc với chính ông và cái giá cho một chiến thắng là 500 triệu. Điều này đã khiến giới trọng tài xôn xao, còn nhiều người thì bàng hoàng nghĩ về những trận đội nhà thua tức tưởi vì trọng tài.

Đấy cũng là thời điểm mà vấn nạn tiêu cực của trọng tài trở thành vấn đề nhức nhối. Thời điểm mà CLB Hải Phòng đã lập ra hẳn “Ban chống xuống hạng” với kinh phí 10 tỉ đồng. Để rồi những chiến thắng của Hải Phòng thời điểm đó có “mùi” và sự giúp đỡ của trọng tài đã khiến các đội bóng và khán giả vô cùng bức xúc. Đỉnh điểm là việc Hoà Phát Hà Nội đã giải tán chỉ vì không muốn làm bóng đá trong môi trường có quá nhiều bất cập. Và có nhiều ông bầu của các đội bóng cũng sẵn sàng làm hư trọng tài khi dùng tiền để chi phối. Điều này vô tình đã tạo ra nhóm lợi ích và những bàn tay đen vô hình trong giới trọng tài có ảnh hưởng sâu rộng về sau.

Bầu Kiên không chỉ nêu ra những hạn chế yếu kém của các trọng tài. Việc ra đời VPF, giải tán Hội đồng trọng tài để thành lập Ban trọng tài cùng với chính sách đãi ngộ với các trọng tài được nâng cao giống như một giải pháp hạn chế tiêu cực. Bởi theo quan điểm của bầu Kiên, khi các trọng tài có thu nhập, lương bổng đàng hoàng sẽ không còn nghĩ đến tiêu cực. Và cũng từ thời điểm đó, trọng tài Việt Nam đã có mức thu nhập rất khá khi làm việc tại các giải bóng đá chuyên nghiệp. Sau này, khi bầu Kiên rơi vào vòng lao lý, chế độ đãi ngộ cho các trọng tài vẫn được duy trì, thế nhưng chất lượng chuyên môn và phần nào đó vấn đề tư tưởng của các trọng tài lại nhức nhối trở lại. Ở đây không chỉ đơn thuần là trên sân bóng mà còn ở cấp độ quản lý.

Chẳng vậy mà bầu Đức từng không ít lần đăng đàn đòi đuổi Trưởng ban Trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi. Ông Đức cho rằng ông Mùi là người đã tiếp tay cho các sai phạm của các trọng tài, là người chi phối thao túng giới trọng tài Việt Nam. Và ông Đức đưa ra một kết luận có phần cảm tính nhưng cũng đáng suy ngẫm rằng: “Muốn bóng đá Việt Nam tốt lên, hãy đuổi ông Mùi”. Tuy nhiên, ông Mùi lại được các thành viên Ban Chấp hành VFF tín nhiệm và không đồng ý cho từ chức.

Đến đây có thể đưa là một đúc kết rằng, trong suốt chiều dài V.League, các ông bầu là những người có thể chi phối các trọng tài bằng tiền, cũng là những người luôn lên tiếng mạnh mẽ nhất với trọng tài bằng tầm ảnh hưởng của mình.

Ai dám “xử” trọng tài?

Trong 3 mùa giải gần đây, không mùa nào là công tác trọng tài không có vấn đề nghiêm trọng. Ở mùa 2016, trọng tài Hà Anh Chiến để lại tiếng còi tai tiếng trong trận Thanh Hoá - SLNA để rồi bị “treo còi” vĩnh viễn. Đấy là tiếng còi “méo” không khỏi khiến người ta nghi ngờ về vấn đề tư tưởng ở một tình huống quá rõ ràng. Một tình huống sau này Ban trọng tài vẫn khăng khăng kết luận: “lỗi nhận định”.

Còn đến mùa giải 2017, giới trọng tài lại tạo ra trò cười trong làng bóng đá liên quan đến việc kết luận Hoàng Vũ Samson “trắng án” dù các video đều chứng minh tiền đạo của Hà Nội đã đạp lên đùi của hậu vệ Châu Ngọc Quang của HAGL. Đáng nói hơn, Ban trọng tài không những không công nhận đó là lỗi mà đưa ra văn bản khẳng định cầu thủ này chỉ “liều lĩnh” chứ không “bạo lực” còn Ban kỷ luật “nhắm mắt, bịt tai” khiến cho dư luận bất bình. Ở đây không chỉ là sự bức xúc liên quan đến cái sai của công tác trọng tài trong trận đấu mà là cái sai của cả hệ thống, hay nói đúng hơn là sự bao che, bưng bít.

Sau đó, nhờ báo chí vào cuộc mạnh mẽ, “vụ án Samson” đã được đưa đưa ra ánh sáng, tiền đạo của Hà Nội rốt cuộc cũng phải nhận án “treo giò” 2 trận đấu. Và đó như một “cái tát” vào giới trọng tài và cả một hệ thống “nhóm lợi ích” mà ai cũng biết là ai. Đáng nói hơn, sự bao che và giấu đi cái sai trong vụ Samson lại khiến người ta nghĩ nhiều đến một thế lực ngầm đứng phía sau mang tên một ông bầu khác. Thế lực mà dường như mới chỉ nghe đến thôi thì phần còn lại cũng tự vận hành, kể cả chấp nhận cái sai, cốt sao tròn đáp số.

Và đến chuyện sai sót vừa qua của trọng tài Nguyễn Văn Kiên ở vòng 7 V.League 2018 cùng cả một hệ thống từ giám sát đến cả những ông Vua sân cỏ kỳ cựu thì tất cả lại càng thêm ngao ngán. Bởi nhiều thứ được vỡ lẽ khi trọng tài Kiên sai sót đến 5/7 trận ở mùa giải này. Sai liên tục, sai có hệ thống từ nhiều mùa giải trước luôn được nâng đỡ, bao che và có thể nói là “bảo kê” khi vẫn được phân công bắt chính. Còn cái cách Phó Trưởng ban Trọng tài kiêm giám sát Dương Văn Hiền nhận xét về sai sót của trọng tài Trọng Thư, con trai Trưởng ban Nguyễn Văn Mùi, lại càng lộ rõ sự bao che.

Đến lúc này thì ông Trần Anh Tú trong vai trò Chủ tịch HĐQT VPF kiêm Trưởng ban Điều hành V.League 2018 đã không thể ngồi yên mà có hành động cụ thể với công tác trọng tài. Công văn trực tiếp gửi VFF về từng trường hợp trọng tài, giám sát mắc sai sót và những nhận xét thẳng thắn đã tạo ra sự rạn nứt lớn nhất từ trước đến nay giữa VPF và giới trọng tài. Thế nhưng đứng ở góc độ tổ chức, nhiều người đồng cảm và chia sẻ với bầu Tú.

Bởi lẽ, một giải đấu V.League đang thành công nhờ hiệu ứng U.23 không thể bị xấu xí bởi công tác trọng tài. Và đáng nói hơn, không thể để thế giới trọng tài trở thành bất khả xâm phạm trong cả một thời kỳ dài. Thế nên, dù bầu Tú có hơi quá tay thì đấy cũng là hành động cảnh tỉnh cho vấn nạn trọng tài.

Trước khi giải hạng Nhất diễn ra, trợ lý Dương Ngọc Tân đã qua đời một phần vì sự tắc trách ở công tác kiểm tra y tế trước mùa giải. Còn bây giờ, trước hàng hoạt sai sót cộng với những lùm xùm trong việc đấu đá, bóc mẽ lẫn nhau của giới trọng tài, vẫn chưa thấy tên người chịu trách nhiệm.

ong bau trong tai va vleague Tấn bi kịch mang tên Ban trọng tài VFF

Những bê bối xung quanh chất lượng trọng tài điều khiển các trận đấu gần đây tại V.League 2018 khiến người hâm mộ lo lắng ...

ong bau trong tai va vleague VFF yêu cầu lãnh đạo Ban trọng tài không được làm giám sát

Thay mặt Thường trực Ban chấp hành VFF, Chủ tịch Lê Hùng Dũng đã có văn bản, chính thức yêu cầu Trưởng, Phó Ban trọng ...

ong bau trong tai va vleague Nhìn từ chấn thương của Văn Hào: Trách nhiệm của trọng tài đến đâu?

Dương Văn Hào bị đa chấn thương sau pha vào bóng của Tấn Tài và không thể nói rằng trọng tài không có trách nhiệm ...

/ https://laodong.vn