Nửa triệu đồng cho dịch vụ đưa người say về nhà ở Việt Nam

Từ 1.1.2020, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực. Luật nghiêm cấm việc "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Trước thực tế này, các dịch vụ đưa người say về nhà bắt đầu phát triển mạnh ở Hà Nội, TPHCM, Nghệ An…

Ngày 4.1, trên mạng xã hội xuất hiện một group có tên "Say gọi xế - Xế nhận say", đây là nhóm kết nối giữa người vừa uống rượu bia và tài xế.

Theo như mô tả của quản trị viên, đây là mô hình kết nối tương tự như những nhóm tìm người giao hàng: người cần đưa về cung cấp thông tin về khu vực, còn tài xế phải cung cấp số điện thoại và phải có bằng lái xe.

"Nhóm ra đời với mục đích kết nối dịch vụ giữa người uống rượu cần tìm xế chở hoặc lái xe về và ngược lại. Khách uống rượu nổ thông tin địa chỉ, số điện thoại; xế nhận bình luận số điện thoại, bằng lái xe. Thông tin kết nối giữa 2 bên sẽ được lưu lại trong group để xử lý nếu có phát sinh sự cố trong quá trình vận chuyển phương tiện và hành khách", chủ nhóm mô tả cách hoạt động.

Hiện tại, mức phí cho dịch vụ đón và lái xe về cũng chưa được công khai, nhưng dự kiến đối với xe máy là 300.000 đồng/lượt, còn với xe hơi là 500.000 đồng/lượt.

Cũng có dịch vụ đưa người say về nhà, anh Nguyễn Sơn, tổng quản lý chuỗi nhà hàng Nhất Nướng (Hà Nội) cho Lao Động biết, mấy ngày qua, cửa hàng đã bố trí nhân viên đưa khách đã sử dụng rượu, bia về tận nhà khi có nhu cầu. 

 Nhóm được tạo để kết nối giữa người uống rượu và tài xế, giúp đưa cả người và xe về nhà.

“Bất cứ khi nào khách say xỉn, nhà hàng sẽ hỗ trợ đưa khách về nhà bằng xe máy hoặc ôtô riêng. Từ khi Luật phòng chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực, số lượng khách say xỉn cần đưa về tăng hơn. Với những khách hàng quá chén, chúng tôi sẽ cho khách nghỉ ngơi 15 phút, cho uống nước, lau mặt, rồi cắt cử nhân viên đưa về. Bên tôi hoàn toàn miễn phí, không tính bảng giá dịch vụ, mà tính vào trách nhiệm của nhà hàng”, anh Sơn cho hay. 

Theo anh Sơn, nhà hàng còn bố trí khu vực để xe dành cho khách nếu khách say và muốn để xe lại, đồng thời cử nhân viên trông xe qua đêm. “Chúng tôi tập trung xe của khách tại một cơ sở, trông giữ 24/24, đảm bảo tài sản của khách”.

Trao đổi với Lao Động, anh Nguyễn Mạnh Tài (thành phố Vinh, Nghệ An), một người mở dịch vụ đưa người say về nhà cho biết, từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, khách hàng sử dụng dịch vụ này nhiều hơn. Trung bình một ngày đường dây nóng của anh nhận được từ 15-20 cuộc gọi; thời điểm khách say gọi nhiều nhất từ 19 giờ - 23 giờ khuya. 

Dịch vụ đưa người say về nhà do anh Tài cung cấp.  

“So với taxi, dịch vụ đưa người say rượu về nhà có giá dịch vụ cao hơn, khoảng 250.000 đồng cho quãng đường dưới 10 km. Hình thức hoạt động của dịch vụ khá đơn giản, khách hàng chỉ cần gọi điện đến đường dây nóng của dịch vụ, thông báo địa điểm của mình. Ngay lập tức, tài xế bên dịch vụ sẽ có mặt để đưa khách hàng về nhà. Về tài sản trong xe, các tài xế sẽ niêm phong theo ý khách hàng và có ghi rõ trong bản hợp đồng cung cấp dịch vụ”, anh Hùng nói.

Trước đó, năm 2017, dịch vụ có tên Bạn uống tôi lái cũng được triển khai. Dịch vụ này cho phép người uống rượu đặt trước người lái xe về, với phí từ 200.000 đồng/30 phút. Tuy nhiên, tới năm 2019 thì dịch vụ này đã ngừng hoạt động.

Cường Ngô

/ laodong.vn