Nông sản Hải Dương chờ "giải cứu": Khó khăn chồng khó khăn

Việc tiêu thụ nông sản Hải Dương vẫn gặp khó khăn khi nhiều chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại cửa ngõ hạn chế xe chở hàng hóa ra, vào tỉnh.

Trả lời PV VTC News, ông Phạm Thanh Hải - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, vướng mắc nhất hiện nay là khâu vận chuyển nông sản đi các tỉnh, thành khi nhiều chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cửa ngõ hạn chế xe chở hàng hóa ra vào Hải Dương.

Nông dân nguy cơ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Việc nhiều xe hàng nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu... dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn, ách tắc; nông sản bị hư hỏng, vứt bỏ...

“Cây vụ đông vào vụ chính, đang thu hoạch rộ là cà rốt, su hào, bắp cải… rất cần thông thương hàng hóa. Thực tế, các thương nhân đã ký hợp đồng nhưng không chuyển nông sản đi được. Hàng để lâu vừa hỏng, vừa vi phạm hợp đồng, bị phạt, mất khách. Tỉnh Hải Dương đang tháo gỡ nhưng vẫn còn vướng mắc”, ông Hải nói.

Nông sản Hải Dương chờ 'giải cứu': Khó khăn chồng khó khăn - 1
Nông sản khó tiêu thụ khiến nông dân Hải Dương đứng ngồi không yên.

Cũng theo ông Hải, báo cáo của UBND xã Đức Chính (Cẩm Giàng, Hải Dương) cho thấy, nếu toàn bộ diện tích cà rốt còn lại ở địa phương không được tiếp tục thu hoạch sẽ hỏng ngay trên ruộng, gây thiệt hại rất lớn cho nông dân (ước tính thiệt hại gần 250 tỷ đồng).

Theo đó, tổng diện tích trồng cà rốt vụ đông (trên địa phận xã và người dân đi thuê đất ở địa phương khác) là hơn 1.100 ha với sản lượng 66.000 tấn. Đến 20/2, người dân thu hoạch gần 300ha, còn hơn 800 ha đã đến kỳ thu hoạch.

Tuy nhiên, do địa phương đang thực hiện cách ly do dịch COVID-19 nên từ 20/2, xe vận chuyển nông sản trong đó có cà rốt từ các địa phương khác về xã Đức Chính để sơ chế, đóng gói và xe container vào địa phương để nhập hàng vận chuyển đưa đi tiêu thụ khó khăn trong lưu thông.

Xe chở nông sản khó lưu thông

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, hiện nay tại tỉnh có 17 doanh nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt (chủ yếu là chế biến nông sản); lĩnh vực chăn nuôi 120 doanh nghiệp (chủ yếu là sản xuất thức ăn chăn nuôi, và 3 công ty sản xuất giống lợn, 4 công ty sản xuất giống gia cầm); lĩnh vực thủy sản 7 doanh nghiệp (trong đó có 5 doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản).

Do tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Tân trường và Đại An thuộc huyện Cẩm Giàng thiếu lao động để tổ chức sản xuất. Trong khi đó, công nhân đang nghỉ không được đến công ty làm việc trở lại mặc dù xét nghiệm SARS–CoV-2 và có kết quả âm tính.

Nông sản Hải Dương chờ 'giải cứu': Khó khăn chồng khó khăn - 2
Vật nuôi tới kỳ xuất bán nhưng cũng bị ứ đọng số lượng lớn ở nhà, hàng ngày phải tiêu thụ nhiều thức ăn chăn nuôi.

Cũng theo Sở NN&PTNT Hải Dương, việc nhập nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản cũng gặp rất nhiều khó khăn do Hải phòng yêu cầu lái xe qua địa phận Hải Dương quay lại Hải Phòng sẽ phải cách ly tập trung. Có những doanh nghiệp, nguyên liệu của công ty về cảng từ trước Tết Nguyên đán đến nay hiện còn 100 container vẫn nằm tại cảng, công ty phải trả chi phí lưu container từ 500.000 - 800.000 đồng/container/ngày, doanh nghiệp đang phải gánh chịu thiệt hại rất lớn. Nếu không thể đưa nguyên liệu về nhà máy thì doanh nghiệp cũng phải đóng cửa do không có nguyên liệu sản xuất.

"Các tỉnh lân cận áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn lây lan dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là TP Hải Phòng yêu cầu tất cả các lái xe từ Hải Dương vận chuyển hàng hóa, đi vào địa phận thành phố phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, có hiệu lực trong vòng 3 ngày, khi quay trở lại Hải Phòng phải cách ly 14 ngày.

Trong khi đó, phần lớn các sản phẩm rau, củ, quả của Hải Dương là xuất khẩu qua cảng Hải Phòng (chiếm 90%). Tỉnh Bắc Giang chưa cho lưu thông hàng nông sản của Hải Dương, kể cả chuyển tải hàng hóa khi qua chốt kiểm soát dịch", báo cáo của Sở NN&PTNT Hải Dương nêu.

Nông sản Hải Dương chờ 'giải cứu': Khó khăn chồng khó khăn - 3
Cà rốt được trồng nhiều tại Cẩm Giàng, Nam Sách, Gia Lộc, Kinh Môn (Hải Dương) cũng đang gặp khó khăn trong vận chuyển, nông dân có nguy cơ thiệt hại tiền tỷ.

Bên cạnh đó, việc lưu thông nông sản qua các chốt tại tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, nhất là địa phương phong tỏa như huyện Cẩm Giàng và TP Chí Linh.

Cùng với đó, việc yêu cầu có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các lái xe chở hàng, nhất là hiệu lực của giấy xét nghiệm chỉ trong 3 ngày làm khó khăn cho các doanh nghiệp về thời gian, kinh phí. Công tác xét nghiệm hiện nay vẫn còn chậm, nhiều lái xe không thể liên hệ để đến đăng ký làm thủ tục xét nghiệm do nghẽn mạng.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản tại các chợ đầu mối, các nhà hàng, khu công nghiệp giảm dẫn đến sản phẩm thuỷ sản tiêu thụ rất chậm. Cá nuôi lồng, nuôi ao kích cỡ ngày càng lớn trung bình từ 5-7 kg/con, cá kích cỡ lớn khó tiêu thụ trong người dân mà chủ yếu tiêu thụ trong các nhà hàng, khu công nghiệp. Vì vậy, người nuôi đang ứ động sản lượng lớn.

Gỡ khó cách nào?

Để đảm bảo cho quá trình sản xuất và lưu thông nông sản và vật tư phục vụ nông nghiệp được diễn ra thuận lợi trong điều kiện cách ly xã hội tại tỉnh Hải Dương, Sở NN&PTNT Hải Dương đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh Hải Dương có văn bản đề nghị với Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình tạo điều kiện để các doanh nghiệp thu mua nông sản được vận chuyển thuận lợi.

Đối với các lái xe chở nông sản từ Hải Dương về chỉ cần thực hiện các biện pháp phòng dịch theo “5K” mà không cần Giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 (trừ trường hợp đi từ vùng bị phong tỏa).

Nông sản Hải Dương chờ 'giải cứu': Khó khăn chồng khó khăn - 4
Rau được vận chuyển vào các khu cách ly, phong tỏa ở ổ dịch xã Kim Liên (huyện Kim Thành, Hải Dương).

Cụ thể, với các lái xe đến Hải Dương chở nông sản đi tiêu thụ ở Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình khi đi qua các chốt kiểm soát giáp ranh với Hải Dương sẽ được dán niêm phong ở cabin. Khi ra khỏi tỉnh, chốt kiểm tra dịch của các tỉnh, thành kiểm tra niêm phong nếu vẫn còn nguyên thì lái xe không cần phải thực hiện cách ly 14 ngày và không cần Giấy xét nghiệm SARS-CoV-2. Đề nghị với TP Hải Phòng tạo điều kiện để thông quan đối với nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa phận tỉnh hiện vẫn còn nằm tại cảng Hải Phòng.

Trường hợp các phương tiện không áp dụng dán niêm phong ở cabin thì đề nghị trung chuyển nông sản tại chốt kiểm soát dịch giữa 2 tỉnh. Trong đó, 1 chốt tại trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và chốt tại khu vực Quán Toan trên đường 5 cũ, các chốt kiểm dịch giáp ranh giữa Hải Dương và các tỉnh, trên cơ sở đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch.

"Sở cũng đề nghị Tỉnh ủy, UBND, Ban Chỉ đạo tỉnh Hải Dương chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch trên địa phận tỉnh ưu tiên và tạo điều kiện tốt nhất cho các xe vận chuyển hàng nông sản khi đi qua", Sở NN&PTNT Hải Dương chỉ rõ.

Trong thời gian qua, Sở NN&PTNT kết nối được hàng chục doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ nông sản của các địa phương. Trung bình mỗi ngày kết nối, tiêu thụ được 100-120 xe rau, củ, quả (khoảng 300 tấn rau, củ quả) và khoảng 40-50 xe gia cầm cho nông dân trên địa phận toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, thương lái và nông dân trong tỉnh cũng chủ động khắc phục khó khăn, tiếp tục thu hoạch, thu mua, vận chuyển và tiêu thụ một sản lượng rất lớn nông sản của tỉnh giúp giảm bớt khó khăn do dịch COVID-19. Một số loại nông sản giữ giá so với trước thời điểm bùng phát dịch như gà thịt, trứng gia cầm, thịt lợn, trái cây, hành, tỏi, thủy sản…

NGUYỄN HUỆ

Loạt nông sản Việt chinh phục thị trường châu Âu Loạt nông sản Việt chinh phục thị trường châu Âu
HLV Park e ngại ngoại binh Malaysia và sức nóng sân Bukit Jalil HLV Park e ngại ngoại binh Malaysia và sức nóng sân Bukit Jalil
Nếu không chú trọng chế biến, nông sản Việt nguy cơ mất thị trường nội địa Nếu không chú trọng chế biến, nông sản Việt nguy cơ mất thị trường nội địa

/ vtc.vn