Những mắt xích rời

Tháng 10/2018, khi chúng tôi thực hiện một phóng sự về ma túy tại Việt Nam, đề bài được tôi đưa ra một cách ngây thơ: mô tả phương thức hoạt động của các đường dây này bằng việc phân tích tài liệu. 

Tháng 10/2018, khi chúng tôi thực hiện một phóng sự về ma túy tại Việt Nam, đề bài được tôi đưa ra một cách ngây thơ: mô tả phương thức hoạt động của các đường dây này bằng việc phân tích tài liệu.

Chúng tôi khảo sát hơn 200 bản án ma túy đã được công bố ở các tòa cấp tỉnh, đối chiếu với thông tin trên báo chí, phỏng vấn trực tiếp những cán bộ tham gia đánh án, lên biên giới tâm sự với người dân. Logic mới đầu có vẻ rất đơn giản. Nếu một người có ma túy trong tay thì anh ta phải mua từ ai đó. Người này lại cũng phải mua từ ai đó khác, cứ thế sẽ dẫn lên được cấp cao nhất, và nghiên cứu hoạt động của các "mắt xích" thì tất nhiên sẽ tìm ra được hình dáng của "đường dây" để phục vụ độc giả.

Tôi nghĩ mọi độc giả của VnExpress đều hiểu cảm giác tò mò hợp lý này, khi bình luận dưới các bài viết của mục Pháp luật. Khởi tố một người buôn ma túy cũng giống một người đưa hối lộ hoặc "lợi dụng chức vụ quyền hạn", hành vi của anh ta phải có một hoặc nhiều chủ thể hợp tác, hưởng lợi. Một lãnh đạo khối kinh tế nhà nước bán rẻ đất công sản cũng giống một tay bán 2 tép ma túy ở chân cầu Long Biên, đối tác của anh ta là ai, kẻ bảo kê và đỡ đầu là ai, bắt anh ta khai ra, truy tìm là sẽ ra cả đường dây, chúng ta nghĩ.

Tôi thật ra đã luôn nghĩ như thế từ ngày bé, mỗi lần lai vãng ở đường tàu khu Cầu Đất và Mê Linh ở Hải Phòng - địa chỉ nổi tiếng bậc nhất miền Bắc về ma túy hai thập niên trước. Tôi nhìn thấy những cuộc giao dịch đơn giản, tiền được trả qua một ô cửa và tép ma túy đi ra, giữa ban ngày.

Tôi hay tưởng tượng mình là một anh hùng công lý, có thể túm ngay lấy hai kẻ đang mua bán đó, đấm cho chúng vài phát, mắt trừng lên theo kiểu Bruce Willis, và hỏi: mày đã mua ma túy từ ai. Cứ thế, cứ thế, tôi sẽ leo thang tiêu diệt đường dây buôn bán trên toàn quốc gia. Và tôi tự hỏi rằng sao "người lớn" với tất cả vũ khí và lực lượng của họ, không thể làm việc đơn giản này.

Ý niệm về công lý này, đơn sơ nhưng vững chãi. Bất chấp việc tôi đã thành "người lớn" và làm một nghề phải tiếp xúc với nhiều nan đề của xã hội, cảm quan này không thay đổi.

Kịch bản gốc của bài ma túy phá sản. Càng đọc, chúng tôi càng nhận ra một thực tế khó chấp nhận (với những người ngoài cuộc): các mắt xích đứt rời khỏi đường dây ngay khi chúng bị bắt. Như một nhà ảo thuật trên America's Got Talent có thể tháo một mắt xích ra, ném nó về phía ban giám khảo trong sự kinh ngạc mà không hề làm đứt cả đoạn xích sắt đang cầm trên tay.

Phần lớn các bản án mô tả về việc bị can đã mua hàng cân ma túy, trị giá hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng, từ một nhân vật vô hình, không có quan hệ trước. Một số thậm chí còn có kẻ "bỗng dưng đến nhà gạ mua bán ma túy". Một luận điểm rất khó tin. Nhưng luật pháp làm việc theo bằng chứng. Những nhân vật vô hình này, tất nhiên, chúng tôi hiểu rằng trong tài liệu của cơ quan điều tra có thể có tên tuổi, và một ngày nào đó xe bọc thép có thể nã đạn vào nhà hắn ta. Nhưng về mặt nguyên tắc, cho đến ngày hiếm hoi đó, công chúng chấp nhận rằng mình chỉ có thể xử lý những mắt xích rời.

Nhưng bằng lòng với việc xử lý những mắt xích rời, bản thân nó là một tội ác. Tôi nghĩ đến sự ngạc nhiên với những bản án ma túy khi đọc tin tức về các vụ sai phạm kinh tế gần đây. Rất nhiều vụ làm người ta bật ra thành tiếng: "Không thể đơn giản như thế được".

Một lãnh đạo bán rẻ tài sản công mà không có bên hưởng lợi, một doanh nghiệp đi hối lộ mà kẻ nhận lại không phải là cấp được quyết định việc của họ, hàng nghìn tỷ đồng biến mất chỉ vì một kế toán trưởng đã quyết định như vậy. Chỉ có những mắt xích rời. Nó nhang nhác việc những người bán lẻ ma túy ra tòa và nói, tôi đã mua hàng từ một đối tượng không biết tên, ở một cánh rừng không nhớ rõ địa điểm gần biên giới Nghệ An.

Trong cuốn Chủ thuyết Sốc của Naomi Klein, có một ý gần như khiến tôi ám ảnh. Nữ nhà văn Pháp Simon de Beauvoir, khi bàn về việc có một hệ thống tham nhũng đang tỏa khắp, đã viết: "Cái kiểu biểu tình nhân danh đạo đức phản đối các hành động ‘vi phạm quy định’ hay ‘lạm dụng chức quyền’ là một sai lầm gần như tương đương với sự đồng lõa chủ động".

Nếu nhận thức được rằng đang có một hệ thống tỏa khắp, mà cứ lôi "vi phạm" hay "lạm dụng" cụ thể của cá nhân ra lên án, thì đó gần như là sự đồng lõa. Tuyên ngôn này rất mạnh: nó không cho phép người ta hài lòng và tán thưởng cái mắt xích vừa được tháo ra. Việc lên án đạo đức của một vài cá nhân trót lộ sáng, có thể khiến suy nghĩ của công chúng lạc khỏi vấn đề của hệ thống.

Sự hình thành của lợi ích nhóm, chủ nghĩa tư bản thân hữu, hay nói mạch lạc hơn là mô hình tội phạm có tổ chức trong hoạt động quản lý kinh tế đã được nêu nhiều trong các tham luận, nghị quyết, và bài báo khoa học đăng trên tạp chí của Đảng, đã có nhiều vụ án điểm để tham khảo. Có nhiều lý do để chúng ta nuôi niềm tin rằng việc này đang diễn ra một cách có quy luật, với những "đường băng" có thể ứng dụng vào nhiều đơn vị và lĩnh vực khác nhau. Chúng không mang tính sự vụ.

Có hai việc có thể làm trong câu chuyện này. Đầu tiên, như đã được nêu hàng nghìn lần, nhiệm vụ chính của xã hội là xây dựng các máy phát hiện kim loại tinh vi, quan trọng hơn việc đếm các mắt xích mình đã giật được từ tay tội phạm. Ngay lúc này, khi những cơ chế giám sát đơn giản nhất - như công bố báo cáo tài chính - còn bị nhờn và không được tuân thủ, sẽ rất khó xây dựng các thiết chế kiểm soát chặt chẽ hơn. Xã hội sẽ phải trông vào cơ quan điều tra chuyên biệt để tìm các đồng chí trót sơ hở.

Điều thứ hai, việc mà mỗi cử tri có thể làm, là nhận thức đúng về điểm hài lòng. Phải thú nhận rằng nhìn tham quan cúi mặt trước tòa là một cảm giác khá hài lòng. Nhưng nếu chính cử tri cũng chuyên chú lên án sự "tha hóa đạo đức" của các cá nhân lạm dụng chức vụ đơn lẻ - điều khá phổ biến - chúng ta có thể bỏ qua vấn đề của hệ thống, bỏ qua các lập luận phá hủy cả một "đường băng" của tội phạm có tổ chức, bỏ qua các lỗ hổng mang tính quy luật. Kiểu lên án cá nhân đó là một dạng đồng lõa.

Rất nhiều cử tri, dù là ngoài đời hay bình luận trong chuyên mục này, khẳng định rằng cần có "ai đó có trách nhiệm" đọc bài Góc nhìn thì mới giải quyết được vấn đề đã nêu, chứ không phải họ. Thực tế, quay trở lại luận điểm thứ nhất: công đoạn lập pháp, xây dựng các thiết chế giám sát, chống tham nhũng, căn cứ rất nhiều vào "dư luận" và các ý kiến được nêu của cử tri, dù là trên mạng.

Hãy lựa chọn: buông lời bình phẩm về đạo đức cá nhân tay quan tham nọ, dễ chịu và dễ dàng hơn là bình luận kỹ về lỗ hổng của BT, BOT, cổ phần hóa hoặc đấu giá tài sản. Nhưng bạn có trách nhiệm nghĩ sâu hơn về các câu hỏi khó hơn. Bạn là chủ đất nước.

Đức Hoàng

nhung mat xich roi 'Mỗi bánh ma tuý vào Việt Nam sẽ khiến 10 gia đình có người đi tù'

Đại tướng Tô Lâm nói Việt Nam đang phải chịu áp lực ma tuý từ nước ngoài vào rất lớn, từ khu vực Tam Giác ...

nhung mat xich roi Bộ Công an tiết lộ con số rúng động về tội phạm ma túy

Bộ Công an vừa báo cáo ĐBQH một số nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề sẽ được QH chất vấn hôm nay, ...

nhung mat xich roi Kinh hoàng ma túy!

Từ đầu năm đến nay tội phạm ma túy hoạt động vô cùng manh động, liều lĩnh, số lượng, số lần vận chuyển “hàng trắng” ...

nhung mat xich roi Tham nhũng, gian lận thi cử làm 'nóng' nghị trường

Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước vụ bê bối gian lận thi cử tiếp tục được các đại biểu Quốc hội ...