Những công trình ‘của dân’

Dân quê tôi kéo đến ủy ban tỉnh để phản đối việc giải thể ngôi trường cấp ba đã xây hết hơn 60 tỷ đồng. 

Ngôi trường 10 năm trước được xây dựng theo chuẩn quốc gia với các dãy nhà ba tầng khang trang, khuôn viên rộng rãi. Vốn ngân sách bỏ ra xây trường khi ấy gần bằng 1% tổng thu ngân sách của tỉnh nhà năm 2019 – thời điểm tỉnh đạt kỷ lục thu ngân sách.

Tháng trước, trường thông báo ngưng tuyển sinh, chuẩn bị cho bước giải thể. 45 cán bộ và giáo viên, 600 học sinh đến từ sáu xã miền núi nhao nhác. Sở giáo dục cho hay, huyện có hai trường trung học phổ thông nhưng đều không đáp ứng điều kiện số lượng học sinh và số lớp theo quy định mới của Bộ Giáo dục nên phải giải thể và sáp nhập. Vấn đề là, sáu xã của huyện nằm trong vùng rốn lũ, hàng năm đều chịu thiên tai. Nếu giải thể ngôi trường, hơn 200 học sinh sẽ phải đi học với quãng đường gần 20 km ở địa hình miền núi và thường xuyên có lũ.

Các phụ huynh đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng để phản đối, xin giữ lại trường. Không nhận được phản hồi, hàng chục người kéo nhau lên trụ sở ủy ban tỉnh. Ngoài việc lo cho quãng đường rất xa con em mình sẽ phải vượt qua đến lớp, người thân, họ hàng tôi còn bảo, họ xót ruột cho một công trình tốn rất nhiều tiền của, mồ hôi, công sức, nhưng chỉ để sử dụng trong thời gian rất ngắn, gần như không đem lại nhiều lợi ích cho dân.

Sai lầm bén rễ từ 10 năm trước, khi chính quyền quyết định xây trường. Trước đó, thời tôi còn đi học, trong mấy chục năm, con em hơn chục xã trong huyện chỉ có một trường cấp ba. Trường khi đó chỉ gồm những dãy nhà cấp bốn nhưng vẫn phục vụ cho tất cả con em tại thời điểm dân số địa phương đạt ngưỡng cao nhất. Sau này, khi dân và học sinh trên địa bàn ngày càng ít đi bởi các đợt di cư ra thành phố, số người ở huyện giảm đi, nhưng chính quyền vẫn quyết định xây thêm hai ngôi trường cấp ba nữa. Và tới bây giờ, họ muốn dừng hoạt động một trường. Còn trường kia, quy mô xây dựng tương đương, số học sinh hàng năm trên 300 em, cũng đang bị đe dọa dừng hoạt động.

Vấn đề là, những ngôi trường hàng trăm tỷ đồng bằng tiền của công sau giải thể có thể dùng vào việc gì? Sân bóng, khu thể thao, nhà văn hóa đều không phù hợp và lãng phí vô cùng, trong khi địa phương còn hàng trăm hộ nghèo.

Mỗi xóm ở quê tôi đều mới được đầu tư xây dựng các ngôi nhà hai tầng to lớn, gọi là "nhà hội quán". Chính quyền giải thích đó là nơi hội họp của bà con thôn. Đồng thời, nhà hai tầng này sẽ là nơi tránh lũ cho dân làng khi có lũ lụt lớn - bởi quê tôi hay có lũ lụt. Trước đó, dăm bảy năm trước, các thôn xóm đều đã được xây công trình gọi là "nhà văn hóa thôn" từ ngân sách. Thành thử, sau khi xây "hội quán kiêm tránh lũ" là ngôi nhà hai tầng kia, các công trình "văn hóa thôn" khang trang và rất ít được sử dụng đều bị đập bỏ không tiếc thương.

Thực tế, khi có lũ lụt lớn, ngôi nhà hai tầng kia chỉ có thể chứa được mấy chục người trong tổng số dăm bảy trăm nhân khẩu của thôn. Và nếu ở trên đó, họ gần như không thể sinh hoạt gì bởi thiết kế đã không hề tính đến tình huống đó. Một "công trình chống lũ" cho dân nhưng được thiết kế rất qua loa đại khái cho thấy cách người ta đã xây dựng theo số lượng có lẽ chỉ nhằm hợp lý hóa cho chu trình đập - xây dự án bằng tiền chùa.

Vòng xoáy "xây - đập" vô tội vạ các công trình công cộng tốn hàng chục tỷ đồng như trên không chỉ diễn ra tại quê tôi. Nó cho thấy một kiểu ý thức đã tồn tại dai dẳng của những người quản lý xã hội và quản lý đồng tiền ngân sách. Chỉ nhìn thấy cái trước mắt, hoặc đã không nhìn, không đặt tiền của dân đi với lợi ích của dân, không hề công khai và đối thoại với người sử dụng khi rót nhiều tỷ đồng vào các công trình "cho dân".

Người dân hầu như không hề có thông tin về dự toán và chi tiêu ngân sách của các đơn vị nhà nước, theo Báo cáo Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan trung ương (MOBI 2019) vừa được công bố hôm 1/7 bởi các cơ quan nghiên cứu độc lập. Báo cáo này cho thấy những ngạc nhiên. Mặc dù Luật Ngân sách Nhà nước 2015, các thông tư của Bộ Tài chính đã qui định các bộ, cơ quan trung ương phải công khai ngân sách hàng năm, nhưng mức độ thực thi gần như con số không.

Cụ thể, trong số 44 đơn vị trung ương được khảo sát năm 2019, có 35 bộ, cơ quan "ít hoặc không công khai thông tin về ngân sách"; 8/44 bộ, cơ quan "công khai chưa đầy đủ"; chỉ duy nhất một đơn vị "công khai tương đối". Đặc biệt, không có bộ, cơ quan nào công khai thông tin về ngân sách "ở mức đầy đủ". Vô lý là mặc dù luật và các quy định đã yêu cầu, nhưng có 18 bộ, cơ quan trung ương không có thư mục công khai ngân sách và tài liệu ngân sách trên cổng thông tin điện tử của đơn vị tại thời điểm khảo sát - tháng 4/2020. Thậm chí, ngay cả những cơ quan giúp việc cho Quốc hội, Chính phủ và Kiểm toán nhà nước, Tòa án và Viện Kiểm soát nhân dân tối cao - những cơ quan có chức năng xây dựng, thực thi và giám sát sự tuân thủ pháp luật - cũng không công khai ngân sách theo các quy định do chính mình đã xây dựng và đang vận hành.

Việc công khai ngân sách của các đơn vị khảo sát được dựa trên bốn tiêu chí, gồm: tính sẵn có, tính đầy đủ, tính kịp thời và tính thuận tiện. Và kết quả, hầu hết các đơn vị đều không đạt cả bốn tiêu chí này, nghĩa là không cung cấp dữ liệu, cung cấp chậm, thiếu hoặc nếu có thì người đọc cũng không hiểu được. Báo cáo tuy chỉ dừng ở các cơ quan trung ương, nhưng cũng đủ để chúng ta liên tưởng tới việc minh bạch ngân sách ở huyện, xã như quê tôi, quê bạn thì thế nào. Những công trình ở mọi nơi, chúng vẫn mọc lên, rồi bị đập đi hàng năm, nhưng dân chúng thì tuyệt nhiên không biết gì về các lý do sau đó, trừ việc chắc chắn đó là tiền ngân sách - tiền của chính mình.

"Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" là hiệu lệnh chính trị đã được thể chế hóa đến nay hơn 20 năm. Chỉ là tôi không thấy và không hiểu nguyên tắc đó đang được vận hành và thực thi cụ thể thế nào.

Đặng Quỳnh Giang

nhung cong trinh cua dan Người dân nội thành Hà Nội không được chăn nuôi gia súc, gia cầm
nhung cong trinh cua dan Nửa đêm nhà trôi ra giữa sông, người dân Hậu Giang lo lắng
nhung cong trinh cua dan Dân cũng lo lắm, SGK sắp tăng, giá thịt lợn vẫn rất cao!

/ vnexpress.net