Những cô gái bacha posh

Một phong tục văn hóa khuyến khích cha mẹ cho con gái mặc đồ như con trai để có tương lai tốt đẹp hơn nhưng sự thật lại không như những gì họ mong đợi

Trong suốt chiều dài lịch sử có đầy rẫy những câu chuyện về phụ nữ cải trang thành đàn ông để tham gia nhiều hơn vào các vai trò ngoài xã hội, như ra chiến trường hoặc làm việc kiếm tiền. Riêng ở Afghanistan, một số gia đình đã nuôi dạy con gái như con trai với hy vọng con mình sẽ có cuộc sống tốt hơn sau này.

Giới tính bị chối bỏ

"Khi một giới tính trở nên quá quan trọng và giới tính còn lại bị ruồng bỏ, sẽ luôn có những người tìm cách vượt qua sự phân biệt đối xử này" - bà Najia Nasim, giám đốc tại Afghanistan của tổ chức Phụ nữ vì phụ nữ Afghanistan (trụ sở ở Mỹ), khái quát.

Trong xã hội gia trưởng của Afghanistan, sự lệ thuộc kinh tế vào nam giới và định kiến xã hội khiến những người làm cha mẹ rơi vào tình thế khó. Con gái thường bị xem là gánh nặng trong khi con trai có trách nhiệm kiếm tiền, gánh vác di sản gia đình và phụng dưỡng cha mẹ ngày một già yếu. Để đối phó điều này, một số gia đình thay đổi giới tính của con gái ngay sau khi sinh theo phong tục có tên gọi "bacha posh". Thậm chí còn có quan niệm cho rằng một cô gái bacha posh sẽ giúp cha mẹ sinh con trai vào lần mang thai tiếp theo.

"Truyền thống này giúp các gia đình tránh được sự kỳ thị của xã hội gắn liền với việc không có con trai. Những cô gái bacha posh có thể ra ngoài mua sắm một mình, đưa em gái tới trường, tìm việc làm, chơi thể thao và đảm nhận bất kỳ vai trò nào của phái mạnh trong xã hội" - bà Nasim nói. Đến nay, nguồn gốc của phong tục này vẫn còn là một bí ẩn nhưng nó đang ngày càng được biết đến rộng rãi.

nhung co gai bacha posh
Hai chị em Setar (trái) và Ali trong cái nhìn soi mói của đám trẻ trên đường phố Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC

Nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Loulou d’Aki gần đây đã có chuyến đi đến Afghanistan để tìm hiểu về bacha posh. Bà từng đọc quyển sách của nhà báo Jenny Nordberg viết về phong tục cho các bé gái ăn mặc như con trai. Bà Nordberg là người đầu tiên viết về chủ đề này và nhiếp ảnh gia d’Aki cảm thấy hiếu kỳ về danh tính kép của những cô gái bacha posh.

Thông qua một người phiên dịch địa phương, bà d’Aki tìm gặp một gia đình có 2 trong số 6 cô con gái được nuôi dạy như con trai. Một ngày sau khi Setareh - bé gái thứ 3 liên tiếp - ra đời, cha mẹ cô bé quyết định "biến" em thành một cậu bé tên Setar. Hai năm sau, một bé gái khác tên Ali chào đời và có chung số phận như chị gái Setareh. Khi người con tiếp theo và cũng là đứa con trai duy nhất của gia đình được sinh ra, hai cô bé vẫn tiếp tụcsống với giới tính giả.

Năm nay Setar đã là một "thiếu niên" 16 tuổi, thích đá banh và còn có một cô bạn gái không quan tâm đến vấn đề giới tính. Trong khi đó, "cậu bé" Ali thì có hẳn một chiếc hộp đựng toàn thư tình của những cô bé khác. Ở nhà, hai chị em cũng không mấy quan tâm đến việc phụ mẹ và những chị em khác nấu cơm hay pha trà. "Phái mạnh có địa vị cao hơn. Mọi người đều muốn có con trai, đặc biệt là những gia đình thu nhập thấp. Nếu một gia đình nào đó có quá nhiều con gái và không có con trai, việc thực hiện bacha posh là điều hết sức bình thường" - bà d’Aki giải thích.

Nguy hiểm và bế tắc

Tuy nhiên, một khi các cô bé trưởng thành và khó che giấu giới tính thật, cuộc sống trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn rất nhiều. Gia đình của Setar và Ali buộc phải chuyển nhà nhiều lần để tránh bị quấy rối. Trên đường phố, hai cô bé bị gọi là kẻ chống Hồi giáo và người chuyển giới. Thậm chí, cha của Ali phải lái xe đưa con gái đi học để an toàn còn Setar đã nghỉ học vì "không thể chịu được những lời dè bỉu".

Giờ đây, gia đình họ lại muốn Setar và Ali ăn mặc và cư xử như con gái nhưng cả hai đều không chịu. "Làm phụ nữ ở Afghanistan thật sự khó khăn và họ không có nhiều lựa chọn. Kể cả trong những trường hợp bạn chưa quyết định được cho bản thân thì đã bị người khác định đoạt. Những cô gái này đang tận hưởng một chút tự do để rồi đột ngột phải trở về thân phận phụ nữ ở đất nước không có gì nhiều cho họ" - bà d’Aki nói.

Ngoài Setar và Ali, nhiếp ảnh gia d’Aki còn gặp gỡ nhiều cô gái khác đang sống với thân phận con trai. Đó là Zara, một thiếu nữ mồ côi được cậu nuôi lớn như bacha posh "để có cơ hội tự đứng trên đôi chân mình tốt hơn". Zara dường như có cuộc sống khá tốt và được đến 8 người đàn ông ngỏ lời cầu hôn. "Họ xem cô ấy là một người phụ nữ thật sự mạnh mẽ" - bà d’Aki kể.

Dù vậy, không phải ai cũng may mắn như Zara. Bà Nasim cho biết một số cô gái bacha posh chịu đựng sự quấy rối, sỉ nhục, bị cô lập khỏi cộng đồng nhưng vẫn từ chối trở về với thân phận phụ nữ. Nguyên nhân là họ thấy khó thích ứng với những hạn chế về văn hóa của một phụ nữ khi trưởng thành - mặctrang phục trùm kín đầu, nấu nướng cho gia đình và hạ mắt nhìn xuống khi gặp người lạ.

"Sau khi trưởng thành, một cô gái bacha posh mới nhận ra rằng cô không thể trở thành con trai và cũng không ai chấp nhận chuyện cô là một cô gái. Việc bác bỏ khả năng, tài năng và quyền lợi của phụ nữ là một sự đàn áp" - bà Nasim lên án.

BẢO HẠNH

nhung co gai bacha posh Thế giới nghệ sĩ giả gái Việt Nam qua lăng kính của hãng thông tấn Pháp

Ngày làm nghề trang điểm, tối biểu diễn ở các quán bar, Betty nằm trong số những nghệ sĩ giả gái khuấy động một góc ...

/ nld.com.vn