Những cô dâu ngoại bị chối bỏ ở Hàn Quốc

Một số cô dâu nước ngoài bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc, bị né tránh tiếp xúc bởi lý do đơn giản: Họ không phải người Hàn Quốc.

nhung co dau ngoai bi choi bo o han quoc

Các phụ nữ ngoại quốc học tại một lớp giao tiếp tiếng Hàn tại Trung tâm Nhân quyền cho Phụ nữ Nhập cư ở Seoul năm 2008. Ảnh: Reuters.

Cecilia Flores làm nhân viên pha chế cho một quán cà phê ở quận Mapo, thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Người phụ nữ 32 tuổi này lấy chồng Hàn Quốc và chuyển tới Seoul từ năm 2008. Cô có thể nói chuyện với khách hàng trôi chảy bằng tiếng Hàn, nấu các món ăn Hàn Quốc và am hiểu mọi phong tục của người bản địa.

Nhưng khi mới 6 tuổi, con trai cô đã hỏi mẹ rằng "Vì sao mẹ lại là người Philippines? Tại sao mẹ không thể là người Hàn Quốc?" Ở nhà, cậu bé vẫn dành sự quan tâm cho mẹ, luôn sốt sắng rót nước và mang gối để mẹ nghỉ ngơi mỗi khi Flores kêu mệt. "Nhưng ở ngoài đường, thằng bé thỉnh thoảng vẫn cư xử với tôi như người xa lạ bởi chúng bạn thường trêu chọc nó vì có mẹ là người nước ngoài", Flores cho hay.

"Hai mẹ con tôi vẫn vui vẻ nắm tay nhau đi trên phố, nhưng khi thằng bé tình cờ gặp bạn, nó sẽ lập tức buông tay tôi ra và giữ khoảng cách với tôi", Flores kể.

Cậu con trai không phải người duy nhất khiến Flores cảm thấy lạc lõng và bị phân biệt đối xử ở Hàn Quốc. Cô vẫn nhớ về lần dự một buổi họp phụ huynh cho con. Các giáo viên chào đón tất cả mọi người trừ cô. Những bà mẹ Hàn Quốc khác cũng tránh nói chuyện với cô. "Tôi cảm thấy bị tổn thương. Nhưng tôi là người Philippines và chẳng thể làm gì để thay đổi điều đó", Flores nói.

Không riêng gì Flores, tình trạng trên còn xảy ra với hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn, cô dâu nước ngoài khác đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc.

Năm 2006, trước xu thế các cuộc hôn nhân quốc tế ngày càng gia tăng, chính phủ Hàn Quốc đã giới thiệu khái niệm "gia đình đa văn hóa" để mô tả về các gia đình có chồng hoặc vợ là người nước ngoài. Sau đó, chính phủ ban hành một loạt chính sách mới nhằm giúp các phụ nữ ngoại quốc hòa nhập với xã hội.

Các trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa được lập ra tại một số quận chính, cung cấp những lớp học tiếng Hàn, hỗ trợ việc làm và tổ chức những hoạt động như dạy cách mặc hanbok, trang phục truyền thống của Hàn Quốc.

Những chính sách kể trên đã phát huy tác dụng trong việc giúp đỡ các cô dâu nước ngoài có một cuộc sống dễ dàng hơn. Song giới chuyên gia cho rằng cách tiếp cận của chính phủ hiện không tập trung vào việc giúp người Hàn Quốc trở nên cởi mở hơn và đón nhận các cô dâu nước ngoài.

"Dù người Hàn Quốc rất thân thiện, nhiều người vẫn có suy nghĩ rằng nếu sống ở đây, bạn phải theo luật ở đây", Lee Shim-bi, 37 tuổi, nói. Giống Flores, Lee cũng là người Philippines lấy chồng và sinh sống tại Hàn Quốc. "Họ hỗ trợ các gia đình đa văn hóa bằng cách dạy chúng tôi cách để hòa nhập. Nhưng chúng tôi chỉ đón nhận, chúng tôi không thể chia sẻ".

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy người nhập cư sẽ chiếm khoảng 10% dân số Hàn Quốc vào năm 2030. Tuy nhiên, "đa văn hóa" vẫn là khái niệm mới mẻ đối với không ít người dân Hàn Quốc, những người luôn tự hào về sự đồng nhất dân tộc của họ.

Với Choi Il-ok, 59 tuổi, giáo viên trường tư, khi biết mình phải dạy một số học sinh tiểu học là con cái trong những gia đình đa văn hóa, bà cảm thấy đôi chút lo lắng.

"Tôi lo âu bởi tôi chưa bao giờ gặp những đứa trẻ từ các gia đình đa văn hóa. Tôi không biết sẽ phải đối mặt với điều gì và tôi nghĩ việc dạy chúng sẽ rất khó khăn", bà chia sẻ. "Nhưng cuối cùng, tôi nhận ra rằng các em không khác gì những đứa trẻ Hàn Quốc bình thường khác. Tôi tự hào vì được dạy các em".

Dù vậy, không phải ai cũng có suy nghĩ tích cực như Choi. Trả lời phỏng vấn tờ TodayOnline của Singapore năm 2017, Tran Thi Hong Nga, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, vẫn tức giận về cách các phụ nữ Hàn Quốc ở công ty cũ đối xử với cô và những người phụ nữ ngoại quốc khác. Các đồng nghiệp cũ thường xuyên quát mắng cô và loại cô khỏi mọi cuộc trò chuyện trong giờ ăn trưa.

"Họ không đối xử với những người Hàn Quốc khác như vậy. Chúng tôi quyết định sẽ mang đồ từ nhà đi và ăn tại văn phòng bởi chúng tôi không muốn gần gũi với họ", Nga cho hay. Cuối cùng, cô phải bỏ việc vì quá mệt mỏi khi phải vừa chăm sóc con gái vừa làm việc.

Sự phân biệt đối xử ở nơi làm việc như vậy không phải chuyện hiếm. Zarifa Hagitova, 27 tuổi, người gốc Uzabekistan, đã sốc khi người chủ cũ của cô không trả tiền lương hai tháng liền cho cô với lý do đơn giản cô là người nước ngoài.

Cô gửi đơn kiến nghị lên Bộ Lao động và Việc làm, cố gắng hết sức học tiếng Hàn tại một trung tâm đa văn hóa và hiện Hagitova làm trực tổng đài cho đường dây trợ giúp Danuri do chính phủ vận hành, nơi cô tư vấn nhằm giúp những phụ nữ ngoại quốc giải quyết các vấn đề gia đình.

Hagitova còn xảy ra tranh cãi với bố mẹ chồng. Họ cấm cô không được mời bạn bè về nhà với lý do "họ là người nước ngoài và sẽ ăn trộm đồ của chúng ta".

"Gia đình chồng không thể chấp nhận việc người vợ đến từ một nền văn hóa khác và được nuôi dưỡng theo cách khác với họ", Cecil Park, 47 tuổi, chuyên gia tại Trung tâm Tư vấn cho Phụ nữ Nhập cư ở Seoul, bình luận. "Người phụ nữ phải làm quen với cách sống ở đây nhưng gia đình chồng lại không thể kiên nhẫn. Và như thế, xung đột nổ ra. Họ không hiểu rằng bản thân họ cũng phải thích nghi".

Trung tâm của Park chủ yếu phải xử lý các vụ bạo lực gia đình đối với cô dâu nước ngoài. Họ thường tiếp nhận khoảng ba vụ mới mỗi ngày, từ những vấn đề nhỏ nhặt như cãi vã trong gia đình, tới những sự việc nghiêm trọng hơn như một người vợ phải bỏ trốn vì bị bạo hành.

nhung co dau ngoai bi choi bo o han quoc

Một đám cưới tập thể ở Hàn Quốc năm 2016. Ảnh: Chosun Ilbo.

Từ năm 2006 đến 2013, số cuộc ly hôn giữa chồng Hàn Quốc và vợ nước ngoài đã tăng từ 3.900 lên 7.600 vụ. Số vụ hôn nhân tan vỡ và những trường hợp bạo hành gia đình gia tăng khiến Bộ Tư pháp Hàn Quốc phải đưa ra các yêu cầu khắt khe hơn với visa kết hôn.

Kể từ đó, tỷ lệ ly dị giảm nhưng những trường hợp cô dâu ngoại quốc bị phân biệt đối xử vẫn khiến Park cảm thấy lo ngại. Bà ước tính cứ 10 phụ nữ ngoại quốc kết hôn với đàn ông Hàn Quốc, 7 người phải đối mặt với định kiến từ gia đình chồng.

Tình hình trở nên phức tạp hơn bởi thực tế là Hàn Quốc chưa có luật liên quan đến phân biệt đối xử vì lý do chủng tộc, sắc tộc hay quốc tịch. Và trẻ em từ những gia đình đa văn hóa cũng không tránh khỏi việc bị kỳ thị.

Tại khu dân cư Daerim, Lim Pyo-ra, 10 tuổi, từ vài năm trước đã bắt đầu nhận ra việc mình bị cười cợt tại sân chơi mỗi khi mở miệng nói tiếng Anh với mẹ. Mẹ em, Glaiza Valdez, 32 tuổi, cho hay con gái cô giờ đây từ chối nói chuyện với cô bằng bất cứ thứ tiếng nào khác, ngoài tiếng Hàn, bất chấp việc Valdez luôn khuyến khích con nói tiếng Anh hay tiếng Philippines.

Dù vậy, giáo sư Park Kyung-tae từ Đại học Sungkonghoe cho rằng với một quốc gia còn chưa quen với khái niệm "đa văn hóa", Hàn Quốc đang làm "không quá tệ". "Chẳng hạn, chúng tôi không có các vụ án liên quan đến vấn đề thù ghét sắc tộc", ông nói.

"Tôi nghĩ người Hàn Quốc ham tìm hiểu, học hỏi, nhưng phần nào đó văn hóa của chúng tôi không được giới thiệu đúng cách cho họ. Ai đó cần phải làm nhiều hơn để hỗ trợ việc này. Họ cần phải biết về các tín ngưỡng cũng như văn hóa của chúng tôi", Lee Shim-bi nói.

nhung co dau ngoai bi choi bo o han quoc Chính sách thúc đẩy đàn ông Hàn Quốc "mua" cô dâu nước ngoài

Các chuyên gia cho rằng chính sách hỗ trợ tiền cho đàn ông nông thôn độc thân tìm vợ ngoại càng gây bất bình đẳng ...

nhung co dau ngoai bi choi bo o han quoc Cô dâu Việt ở Hàn Quốc nói về bí quyết tránh bạo hành gia đình

Các cô gái Việt cần chuẩn bị kỹ tâm lý, kiến thức khi kết hôn với người Hàn Quốc và kịp thời báo cảnh sát ...

Vũ Hoàng (Theo Today Online)

/ https://vnexpress.net