Nhiều doanh nghiệp vận tải du lịch vẫn kêu cứu xin lùi thời hạn lắp camera

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và để hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ đã cho phép lùi thời hạn đến ngày 31/12/2021.

Để đảm bảo triển khai thực hiện tốt Nghị định 10 của Chính phủ về kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp vận tải khẩn trương triển khai lắp đặt camera, hoàn thành trước ngày 31/12 năm nay. Thế nhưng, tại Hà Nội dù thời hạn xử phạt đã gần kề, hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải du lịch vẫn đang "miệt mài" gửi đơn xin lùi thời hạn lắp camera thêm 2 năm, tức là sau ngày 31/12/2023.

Ngày 6/12, lãnh đạo Công ty TNHH vận tải và thương mại Thiên Thanh, Công ty TNHH đầu tư thương mại và du lịch Huy Hoàng, Công ty CP thương mại- du lịch và vận tải Hồng Hạc, Công ty TNHH phát triển thương mại và du lịch Hoà Bình cùng hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải du lịch trên địa bàn Hà Nội đã đồng loạt ký đơn "kêu cứu" gửi tới lãnh đạo Bộ GTVT.

Nội dung đơn bày tỏ: "Trong suốt 2 năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp chúng tôi đã gặp quá nhiều khó khăn, đang đứng trước bờ vực phá sản. Nay, việc buộc phải lắp camera trên xe khiến các doanh nghiệp khó khăn chồng chất khó khăn, chưa biết lấy đâu kinh phí hàng trăm tỷ đồng để thực hiện. Bởi những lý do trên, hàng trăm doanh nghiệp vận tải du lịch kiến nghị tới Chính phủ xem xét, chấp thuận về việc lùi thời gian xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến quy định nêu trên thêm một năm, tức là sau ngày 31/12/2023.

Cùng quan điểm với các doanh nghiệp vận tải du lịch, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cho hay, trước đây, chúng ta lắp bằng thiết bị 2G, nhưng bắt đầu từ năm nay, Việt Nam bắt đầu áp dụng 4G, nghĩa là cái cũ phải bỏ đi. Nếu vừa qua doanh nghiệp nào lắp sớm, đúng thời hạn thì bây giờ lại phải thay thế. Việc ra văn bản quy định như vậy là quá gấp gáp. Do đó, đề nghị cho lùi việc lắp camera hành trình từ 6 tháng đến 1 năm.

xe du lich 3 (1).jpeg -0

Nhiều doanh nghiệp vận tải du lịch xin lùi thời hạn lắp camera.

Trong khi các doanh nghiệp vận tải du lịch vẫn miệt mài "kêu cứu" thì cũng có không ít doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm chỉnh việc lắp camera giám sát. Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải công cộng, ông Đào Việt Dũng, Giám đốc Công ty xe điện Hà Nội cho biết, doanh nghiệp đã lắp camera cho toàn bộ 150 đầu xe buýt. "Việc lắp camera giúp giám sát hoạt động của lái, phụ xe khi có sự cố. Khách hàng khi phản ánh đến đường dây nóng, chúng tôi cũng có thể xem lại để xác minh sự việc một cách khách quan", ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, thời gian qua, sau quá trình vận hành do điều kiện thời tiết nắng nóng, xe buýt không được hoạt động, camera bị hỏng tương đối nhiều. Doanh nghiệp đang phải bỏ tiền bảo dưỡng sửa chữa. Cùng đó, chi phí duy trì đường truyền hàng tháng cũng khá lớn. Tương tự, ông Đỗ Văn Huy, Giám đốc Công ty xe khách Hà Nội cho hay, doanh nghiệp có 124 phương tiện thuộc diện phải lắp đặt camera theo quy định. Qua rà soát, hiện doanh nghiệp mới lắp đặt được khoảng hơn 30 xe.

"Chúng tôi cam kết sẽ lắp đặt đủ số lượng camera trên 44 tuyến buýt nội đô trong tháng 12/2021. Còn những tuyến liên tỉnh chưa được hoạt động doanh nghiệp sẽ có kế hoạch nâng cấp tích hợp hoặc thay thế theo quy định khi hoạt động trên đường", ông Huy khẳng định.

Ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Nghị định 10/2020 của Chính phủ quy định bắt buộc xe kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera lưu trữ hình ảnh trong suốt quá trình tham gia giao thông trước ngày 1/7/2021. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và để hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ đã cho phép lùi thời hạn đến ngày 31/12/2021.

Theo quy định, thời gian lưu trữ hình ảnh tối thiểu là 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km. Hình ảnh camera trên xe phải được truyền về máy chủ quản lý 3 - 5 phút/lần.

Theo ông Long, hiện trên địa bàn TP Hà Nội tỷ lệ phương tiện lắp camera vẫn đạt thấp, tính đến tháng 10/2021 khoảng 17%. Vì vậy, Sở GTVT Hà Nội đã giao các đội TTGT địa bàn đến từng doanh nghiệp để tuyên truyền, hướng dẫn triển khai lắp. Cùng đó, Thanh tra Sở cũng xây dựng phương án tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm, căn cứ theo Điều 8 Thông tư 12/2020 Bộ GTVT, camera lắp trên xe đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như: Phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật khi lưu thông trên thị trường và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Phải có chức năng ghi, lưu trữ dữ liệu video tại camera và an toàn dữ liệu khi bị mất nguồn điện, đảm bảo dữ liệu không bị mất, không bị xóa, không bị thay đổi trong suốt thời gian lưu trữ theo quy định.

Cùng đó, phải có chức năng truyền dữ liệu hình ảnh về máy chủ để theo dõi, quản lý, lưu trữ theo quy định; chức năng thông báo trạng thái hoạt động của camera, thông báo trạng thái truyền dữ liệu về máy chủ. Trong trường hợp mất tín hiệu truyền dẫn, camera phải có khả năng lưu trữ và gửi lại đầy đủ dữ liệu về máy chủ ngay sau khi đường truyền hoạt động trở lại.

Nhật Uyên

Xăng tăng giá chóng mặt, doanh nghiệp vận tải kiệt quệ Xăng tăng giá chóng mặt, doanh nghiệp vận tải kiệt quệ
Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp vận tải chuyển đổi biển số Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp vận tải chuyển đổi biển số

/ cand.com.vn