Nhiều doanh nghiệp đang "hấp hối", ngân hàng có "chịu thiệt"?

Theo chuyên gia, để vừa dập dịch vừa khôi phục kinh tế thì phải có một bên chịu thiệt và lúc này chỉ có thể là ngân hàng vì doanh nghiệp đang hấp hối, khó gượng dậy.

Những lo ngại trước diễn biến phức tạp của đợt dịch COVID-19 thứ 4 sẽ khiến hoạt động kinh doanh một lần nữa rơi vào trạng thái trì trệ. Theo chuyên gia, bối cảnh này cũng gây sức ép đến hệ thống ngân hàng và mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn này, ngân hàng cần đồng hành cùng doanh nghiệp vốn đã "chết lên, chết xuống" vì dịch bệnh.

Ngân hàng nên "chịu thiệt"

Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ảnh hưởng của đại dịch như đám mây đen che phủ hầu hết các ngành nghề và ngân hàng cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, khó khăn của ngân hàng vẫn xếp sau khó khăn trăm bề của doanh nghiệp.

“Để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hiện nay là vừa đảm bảo khống chế dịch bệnh song song với khôi phục kinh tế thì phải có một bên chịu thiệt mà người “có thể thiệt” lúc này chỉ có thể là ngân hàng vì doanh nghiệp đang hấp hối không thể tự mình gượng dậy”, ông Kiêm chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp đang 'hấp hối', ngân hàng có 'chịu thiệt'? - 1
Nhiều chuyên gia dự báo ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất do áp lực tăng trưởng huy động. (Ảnh minh họa: Internet).

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, không chỉ chịu ảnh hưởng mà nhiều doanh nghiệp hiện còn rơi vào trạng thái “bại liệt”.

Mặc dù may mắn hơn nhiều quốc gia vì Việt Nam vẫn đang khống chế được dịch bệnh nhưng các cảnh báo vẫn liên tục được đưa ra khi nền kinh tế đang dần bị thu hẹp, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa. Trong khi đó, ngay cả sau những đợt hạ lãi suất, nguồn vốn ngân hàng đến tay doanh nghiệp vẫn ở mức 7-10%, thế nên đứng giữa nguồn tiền chảy 2 phía, ngân hàng cần có cân nhắc để “đồng cam cộng khổ” với doanh nghiệp.

“Suy cho cùng các doanh nghiệp cũng là một nguồn nuôi sống cho ngân hàng, vì vậy túi tiền của doanh nghiệp có nặng thì ngân hàng mới nhanh phát triển. Rút kinh nghiệm từ các gói cứu trợ của chính phủ, gói hỗ trợ của ngân hàng trước đây chỉ giống như mở buổi triển lãm, đa số doanh nghiệp chỉ có thể đến xem chứ không với tới được. Trong khi những tháng đầu năm 2021, khi mà doanh nghiệp vẫn đang khó khăn thì ngân hàng vẫn liên tục báo lãi lớn. Vì vậy, ngân hàng không có lý do gì để không giảm lãi suất trong thời gian tới”, ông Dũng nhấn mạnh.

Lãi suất sẽ tăng?

Từ đầu tháng 3 trở lại đây, nhiều ngân hàng đã có cú hích nhẹ về lãi suất huy động với tiền gửi của các khách hàng cá nhân, con số này dao động trong khoảng 0,1 – 0,4 điểm phần trăm nhưng lãi suất tiền gửi cho các tổ chức lại không biến động.

Giới chuyên môn cho rằng, điều này chỉ mang tính chất nội bộ của từng ngân hàng, do đó, trong ngắn hạn, mặt bằng lãi suất huy động sẽ giữ nguyên. Tuy vậy, đến cuối quý II và đầu quý III, nếu đại dịch được kiểm soát, các hoạt động kinh tế sẽ sôi động hơn. Bên cạnh đó, sự trở lại bất ngờ của COVID-19 cuối tháng 4 vừa qua đã giáng thêm một cú mạnh vào sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp, khiến nhu cầu vốn của doanh nghiệp càng tăng cao.

Những yếu tố đó cộng dồn lại sẽ kéo lãi suất cho vay đi lên để hấp dẫn dòng tiền.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định, COVID-19 sẽ làm gián đoạn nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp yếu thì sức khỏe tài chính cũng không thể mạnh.

"COVID-19 bùng phát trở lại có khả năng đưa nền kinh tế của Việt Nam vào những thế khó khăn mới. Nếu những khó khăn này không được vượt qua thì kinh tế có thể bị trì trệ. Kinh tế trì trệ thì sẽ làm giảm mức tăng trưởng kinh tế, có thể tác động vào GDP và tác động vào sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp. Từ đó nợ xấu nguy cơ tăng lên. Vì thế, ưu tiên của Chính phủ hiện nay chính là làm sao kiểm soát được dịch bệnh", ông Hiếu lý giải.

Theo ông Hiếu, chính vì bối cảnh này nên lãi suất sẽ chịu tác động 2 chiều ngược nhau. Đứng trước tình hình kinh doanh bất ổn, nhiều doanh nghiệp sẽ cần nguồn vốn vay lãi suất thấp để gượng dậy. Ở chiều này, sẽ tạo ra áp lực hạ lãi suất để các doanh nghiệp tiếp cận được. Nhưng ở 1 chiều khác, khi dịch bệnh bùng lên, nguồn tiền trong dân không dồi dào sẽ khiến dòng vốn huy động chậm lại. Không còn cách nào khác, ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất để hấp thụ nguồn vốn huy động từ người dân và các doanh nghiệp. Thành ra, lãi suất huy động lại chịu áp lực tăng lên.

"Hiện nền kinh tế cũng đang chịu áp lực về lạm phát có dấu hiệu tăng, nếu lạm phát tăng thì sẽ có tác động đẩy lãi suất lên. Do đó, nhìn chung, lãi suất ngân hàng có thể tăng trong thời gian tới", ông Hiếu nêu nhận định.

Là người chuyên nghiên cứu về vấn đề kinh tế, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw-cũng đồng quan điểm với tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu. Ông Hà cho rằng, nếu Việt Nam có thể giữ vững phong độ kiểm soát dịch tốt như những lần trước đây, tạo điều kiện cho kinh tế hồi phục tích cực thì nhu cầu vay vốn sẽ tăng trở lại, ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất theo cung cầu của thị trường; theo đó, lãi suất huy động sẽ được đẩy lên để thu hút tiền gửi, phục vụ nhu cầu cho vay.

Tuy nhiên, ông Hà vẫn dự đoán thêm một kịch bản không mong muốn, đó là nếu nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi COVID-19 kéo dài, hệ thống ngân hàng có thể sẽ phải giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay cũng giảm theo để kích thích tăng trưởng kinh tế và khuyến khính doanh nghiệp đi vay đầu tư.

“Bên cạnh đó, các gói cứu trợ tiền tệ trên thế giới có thể gây ra áp lực lạm phát khiến lãi suất ngân hàng tăng. Những thay đổi này có thể sẽ diễn ra vào khoảng cuối năm nay, còn hiện tại, nền kinh tế vẫn mới đang trong giai đoạn ổn định lại nên lãi suất ngân hàng sẽ chưa có nhiều biến động”, Luật sư Hà dự đoán.

Mới đây, Ngân hàng nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 với các ngân hàng thương mại nhà nước là từ 6,5-7,5% (Vietcombank là 10,5%), các ngân hàng thương mại tư nhân từ 8-12%. Theo Công ty CP chứng khoán SSI, Ngân hàng Nhà nước thường sẽ có các đợt điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong năm, vì thế hạn mức hiện tại là phù hợp. Mặt khác, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong cả năm 2021.

THANH HIỀN

COVID-19 hoành hành vài ngày, doanh nghiệp lữ hành thất thu nặng nề COVID-19 hoành hành vài ngày, doanh nghiệp lữ hành thất thu nặng nề
Ấn Độ cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp giữa "bão" Covid-19 Ấn Độ cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp giữa "bão" Covid-19
Một doanh nghiệp Mỹ sắp được chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu ST25 Một doanh nghiệp Mỹ sắp được chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu ST25

/ vtc.vn