Nhà báo Hàn Ni đề nghị được bảo vệ vì bà Phương Hằng doạ "truy cùng đuổi tận"

Nhà báo Hàn Ni cho biết thời gian gần đây bà đã bị bà Nguyễn Phương Hằng liên tục livestream đưa ra những lời lẽ hăm doạ, đánh, giết, doạ truy cùng đuổi tận.

Ngày 22/11, bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni, công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng) cho biết, bà đã gửi đơn gửi tới Công an TP.HCM, Công an phường Tân Thuận Đông, Quận 7, TP.HCM, trình báo và yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ khẩn cấp trước việc bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) đe doạ tước đoạt tính mạng.

Tối 22/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM (PC02) xác nhận đã tiếp nhận đơn trình báo và đề nghị được bảo vệ của bà Hàn Ni. Cơ quan chức năng sẽ xem xét, xử lý đơn trình báo của bà Hàn Ni theo đúng thẩm quyền.

Trong đơn, bà Hàn Ni cho biết, suốt 8 tháng qua, bà Nguyễn Phương Hằng sử dụng các trang mạng xã hội khác nhau, như Facebook với tên tài khoản "Nguyễn Phương Hằng", tài khoản tên "Ha Lee" hay tài khoản Youtube "Chistiana Nguyen" cũng như nhiều tài khoản khác để livestream chửi bới, lăng mạ, xúc phạm rất nhiều cá nhân, tổ chức khác nhau, trong đó có bà Ni.

Nhà báo Hàn Ni đề nghị được bảo vệ vì bà Phương Hằng doạ 'truy cùng đuổi tận' - 1
Nhà báo Hàn Ni. (Ảnh: T.M)

Gần đây nhất, ngày 21/11, bà Hằng liên tục đưa ra những lời lẽ hăm doạ, đánh, giết, trừng phạt hay thậm chí là “ghé thăm” nơi làm việc của bà Hàn Ni trong các buổi livestream, với những phát ngôn như “tao gặp đâu tao đánh đó, tao không đánh tụi mày tao không phải là Nguyễn Phương Hằng”, “Kiểu gì cũng sẽ gặp, không nóng thì sẽ nguội”, “đè đầu đánh cho bờm đầu trước mặt nhiều người”, ….

Theo bà Hàn Ni, khoảng 14h ngày 16/11, bà Nguyễn Phương Hằng cùng khoảng 20 người (bà Hằng nói trong lúc livestream) đã tới trụ sở Báo Sài Gòn Giải Phóng, ở địa chỉ 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TP.HCM để gặp bà Ni.

Bảo vệ toà nhà phải tăng cường nhân sự để đảm bảo an ninh của toà soạn. Công an phường cũng phải đến giám sát, bảo vệ và đảm bảo an toàn trật tự khu vực. Do đó mục đích bà Hằng không đạt được.

Đỉnh điểm tại buổi livestream bắt đầu lúc 14h ngày 22/11, bà Hằng có những phát ngôn hết sức coi thường pháp luật, như "Tiền chị không có thiếu, nhưng mà chị thượng tôn pháp luật cái đã, chị chờ xem họ làm gì, nhưng khi mà vượt quá ngưỡng, thì chị đánh đổi. Chị hứa với cộng đồng mạng và tất cả mọi người vì đã từng yêu thương, ngưỡng mộ Nguyễn Phương Hằng này, tôi sẽ truy cùng đuổi tận Hàn Ni và Đức Hiển,....",

Đoạn cuối livestream ngày 22/11 bà Hằng tuyên bố: “Hàn Ni và Đức Hiển... trừ khi tao chết đi, còn nếu tao còn sống tao sẽ truy cùng đuổi tận tụi mày bằng nhiều cách khác nhau..."

Bà Hàn Ni cho biết, những nội dung đe doạ đánh, giết kể trên được bà Hằng nhắc đi nhắc lại liên tục trong cả buổi phát sóng.

"Với những lời đe doạ liên tục thời gian qua. Lúc đầu bà Hằng nói sẽ đến cơ quan (Báo Sài Gòn Giải Phóng) để đánh tôi, rồi bà nói gặp tôi đâu sẽ đánh đó. Sau đó bà đã đến báo tìm gặp tôi thật nhưng cơ quan không cho gặp. Nay bà Hằng nói sẽ bỏ tiền ra thuê người đánh, giết tôi và gia đình tôi. Từ lời nói, đến hành động đến báo là có thật, khiến tôi tin rằng bà sẽ tìm đánh hoặc thuê người đánh, giết tôi", bà Hàn Ni viết trong đơn.

Theo bà Hàn Ni, từ những lời nói, việc làm vừa qua, có đủ căn cứ để bản thân lo ngại bà Phương Hằng có thể bất chấp pháp luật, thuê người ngoài giang hồ, huy động thành phần ủng hộ bà hay tự tay bà để thực hiện những hành vi mang tính chất nguy hiểm cho mình.

Từ đó, bà Hàn Ni đề nghị cơ quan công an có biện pháp để bảo vệ mình, đồng thời xử lý kịp thời những hành vi trái pháp luật của bà Phương Hằng.

Ngày 22/11, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã gửi giấy mời cho ông Ngô Thanh Long (thường trú Đồng Nai) đến làm việc về các vấn đề liên quan đến nội dung phát ngôn trong buổi livestream tại buổi giao lưu do bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam tổ chức vào ngày 14/11. Ông Long có tài khoản Facebook và Youtube tên Long Ngô.

Thời gian làm việc với ông Long được ấn định vào sáng thứ Sáu ngày 26/11.

Trước đó, ngày 14/11, bà Nguyễn Phương Hằng tổ chức buổi gặp gỡ và giao lưu khán giả tại khu du lịch Đại Nam, Bình Dương; đồng thời phát trực tuyến (livestream) trên mạng thông qua nhiều kênh Facebook, YouTube... với sự tham gia của rất đông khán giả.

Tại buổi livestream, một khách mời chính thức xưng tên Long Ngô ngồi trên sân khấu cầm micro nói rằng, lực lượng "đánh phá" Nguyễn Phương Hằng có “báo chí, truyền thông phản động”, và “báo chí của cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng”.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương xác minh, xử lý phát ngôn vi phạm trên mạng liên quan buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng.

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, nội dung phát ngôn nêu trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam và yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật (nếu có) liên quan đến vụ việc trên; báo cáo trước ngày 30/11.

Thế Quang

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển gửi đơn tố giác bà Nguyễn Phương Hằng Nhà báo Nguyễn Đức Hiển gửi đơn tố giác bà Nguyễn Phương Hằng
Hai nhà báo điều tra nổi tiếng thắng giải Nobel hoà bình 2021 Hai nhà báo điều tra nổi tiếng thắng giải Nobel hoà bình 2021

/ vtc.vn