Ngành sản xuất Mỹ chưa hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại của Trump

Hemlock Semiconductor từng phải đóng cửa một nhà máy vì không bán được hàng sang Trung Quốc, và giờ họ vẫn chật vật vì lý do tương tự.

Thuế nhập khẩu đã thành công trong việc giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc năm ngoái, nhưng thâm hụt thương mại nói chung của Mỹ lại tăng và đã chạm kỷ lục 84 tỷ USD trong tháng 8. Nguyên nhân là các hãng nhập khẩu Mỹ chuyển sang các nước khác có nguồn hàng rẻ hơn. Đến khi đại dịch xuất hiện, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng trở lại và đang quay trở về giai đoạn đầu nhiệm kỳ của Trump.

Một mục tiêu khác của chiến tranh thương mại là đưa sản xuất quay về Mỹ cũng chưa thành hiện thực. Tăng trưởng việc làm trong ngành sản xuất đã chậm lại từ tháng 7/2018. Còn hoạt động sản xuất cũng đạt đỉnh hồi tháng 12/2018.

Dù vậy, các cố vấn thương mại của Trump khẳng định thuế nhập khẩu thành công trong việc buộc Trung Quốc đồng ý với thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Bắc Kinh đã đồng ý mua nhiều hàng Mỹ hơn, thực thi các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, gỡ bỏ rào cản pháp lý trong thương mại nông nghiệp và dịch vụ tài chính, đồng thời không thao túng nội tệ. Họ cũng khẳng định theo thời gian, thuế nhập khẩu sẽ buộc Trung Quốc chấm dứt các động thái bất công và giúp gây dựng lại ngành sản xuất Mỹ.

3219 hemlock 1603792727 3188 1603793060
Một cơ sở sản xuất của Hemlock Semiconductor. Ảnh: WSJ

Thuế nhập khẩu "đang có hiệu quả trong việc mang việc làm sản xuất quay về Mỹ", đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Ông trích số liệu cho thấy giai đoạn tháng 11/2016 - 3/2020, số việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ tăng ròng 400.000. Sau đó, đại dịch xuất hiện, khiến các nhà máy phải đóng cửa.

Tuy nhiên, khoảng 75% số việc làm tăng thêm này có được trước đợt đánh thuế đầu tiên của Mỹ vào Trung Quốc (tháng 7/2018). Đó là thời điểm tăng trưởng việc làm sản xuất tại Mỹ đạt đỉnh. Sau đó, con số này bắt đầu đi xuống. Đến đầu năm 2020, trước khi đại dịch xuất hiện tại Mỹ, tăng trưởng việc làm ngành sản xuất đã chững lại. Các nhà máy sa thải nhân viên suốt nhiều tháng, tính đến hết tháng 3.

Một khảo sát các ngành của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho thấy thuế nhập khẩu đã giúp tăng tỷ lệ có việc làm thêm 0,3% trong các ngành liên quan đến thương mại với Trung Quốc. Do thuế làm tăng lớp bảo vệ với các ngành trong nước trước hàng nhập khẩu giá rẻ.

Tuy nhiên, chi phí nhập khẩu linh kiện của Trung Quốc lại tăng, khiến việc tuyển dụng ngành sản xuất giảm 1,1%. Thuế trả đũa của Trung Quốc áp lên hàng Mỹ cũng làm giảm số việc làm nhà máy thêm 0,7%.

Trump không phải Tổng thống Mỹ duy nhất dùng thuế nhập khẩu để bảo vệ các ngành công nghiệp. Tổng thống Barack Obama từng áp thuế mạnh lên lên lốp Trung Quốc. George W. Bush áp thuế thép và Reagan đánh thuế với TV và máy tính Nhật Bản.

Tuy nhiên, việc ông Trump tăng mạnh thuế với hàng Trung Quốc là bước ngoặt với lịch sử kinh tế hậu Thế chiến II. Kể từ sau chiến tranh, Mỹ vẫn dẫn đầu nhiều vòng đàm phán thương mại trên toàn cầu nhằm giảm thuế nhập khẩu. Việc này giờ không còn nữa.

"Đây là lần sử dụng thuế nhập khẩu lớn nhất kể từ Đaị suy thoái thập niên 30", Chad Bown - chuyên gia thương mại tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết, "Tác động kinh tế sẽ mất nhiều năm mới hiện rõ".

Trump gọi mình là "Người đánh thuế" và nói rằng các doanh nghiệp phàn nàn về tác động của thuế nhập khẩu chỉ cần xây nhà máy ở Mỹ là xong. Tuy nhiên, chiến lược thuế này lại có tác động khác nhau, tùy từng hãng sản xuất.

Atlas Tool Works (Illinois) cho biết doanh số bán dụng cụ dùng trong sản xuất của họ tăng 18% trong năm mà Trump đánh thuế các mặt hàng đó của Trung Quốc. Tuy nhiên, Hemlock Semiconductor Operations (Michigan) - hãng sản xuất polysilicon dùng trong chip máy tính và pin mặt trời - lại đang chật vật.

Giai đoạn một của thỏa thuận thương mại quy định Trung Quốc sẽ tăng mua pin mặt trời của Mỹ. Đây là sản phẩm chính của Hemlock. Tuy nhiên, Trung Quốc lại chưa gỡ thuế nhập khẩu với polysilicon, cũng như Mỹ vẫn giữ thuế nhập khẩu với phần lớn hàng Trung Quốc. Và thế là Hemlock không ghi nhận mức tăng nào về doanh số cả.

"Chúng tôi đã gặp các công ty Trung Quốc và hỏi họ có muốn mua polysilicon không? Nhưng tất cả họ đều trả lời như nhau, rằng không cơ chế nào cho phép nhập khẩu mà miễn thuế cả. Họ cũng muốn mua, nhưng không đủ tiền trả thuế", Phil Dembowski - Giám đốc Kinh doanh của Hemlock cho biết.

Altas thì lại hưởng lợi từ thuế nhập khẩu. Đầu những năm 2000, họ từng phải đóng cửa một nhà máy sản xuất linh kiện viễn thông do cạnh tranh từ Trung Quốc. Atlas sau đó chuyển hướng sang thiết bị cho ngành quốc phòng và chăm sóc y tế. Nhưng mảng này sau đó cũng chịu thiệt hại từ các sản phẩm Trung Quốc giá rẻ, Zach Mottl - ông chủ Atlas cho biết.

Khi Trump áp thuế nhập khẩu năm 2018, doanh số của họ tăng mạnh. Atlas không dùng nhà cung cấp Trung Quốc, nên chi phí vẫn ổn định. Họ đã tuyển thêm 10% nhân lực từ khi chiến tranh thương mại nổ ra.

Còn với các công ty như Hemlock, thuế nhập khẩu chỉ phản tác dụng. Thay vì mở cửa thị trường khi chịu sức ép, Trung Quốc đáp trả bằng thuế tương tự, khiến các sản phẩm của Hemlock đắt đỏ hơn. Các công ty Mỹ mua hàng từ Trung Quốc cũng bị đội chi phí lên cao.

Các nhà đàm phán thương mại Mỹ biết rằng nhiều công ty trong nước phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Giới chức cũng đang tìm cách buộc Trung Quốc giảm bớt các chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, thỏa thuận sơ bộ chưa thực hiện được mục tiêu đó.

Ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden nhận định "việc sản xuất đã lao dốc từ trước khi đại dịch bắt đầu". Dù vậy, các cố vấn hàng đầu của Biden cũng không cam kết sẽ rút lại thuế nhập khẩu áp lên Trung Quốc nếu ông đắc cử. Thay vào đó, họ nói rằng ông nên bàn bạc với các đồng minh. "Thuế nhập khẩu sẽ là công cụ chúng tôi cân nhắc sử dụng trên góc độ đồng minh", Jake Sullivan - một cố vấn của Biden cho biết.

Mark Bassett - CEO Hemlock Semiconductor ban đầu ủng hộ nỗ lực của Trump trong việc giúp đỡ các công ty điện mặt trời Mỹ. Nhưng sau đó, ông cho rằng họ cần các thay đổi nền tảng hơn để cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc được Bắc Kinh hỗ trợ.

Các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất pin mặt trời đã mua 1 tỷ USD polysilicon năm 2010. Dự báo nhu cầu tại Trung Quốc sẽ còn tăng lên, Hemlock chi hơn 1 tỷ USD xây nhà máy mới năm 2012.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có kế hoạch của riêng nước này. Chọn năng lượng mặt trời là ngành công nghiệp chiến lược cho sáng kiến Made in China 2025, Trung Quốc tăng cường sản xuất pin mặt trời, nhằm biến nước này thành đối thủ, thay vì khách hàng của Hemlock.

Năm 2018, pin năng lượng mặt trời xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ còn 107 triệu USD. Nhà máy của Hemlock thì chưa bao giờ hoạt động và phải đóng cửa từ năm 2014.

"Câu chuyện kinh điển của ngành công nghiệp Trung Quốc là thường xuyên trợ cấp, không có yêu cầu về lợi nhuận trên vốn đầu tư, không yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn hay môi trường và mức giá thấp khó tin đẩy bật những người khác ra khỏi cuộc chơi", Bassett nói.

Hà Thu (theo WSJ)

Nông dân Mỹ vẫn ủng hộ Trump dù lận đận bởi thương chiến Nông dân Mỹ vẫn ủng hộ Trump dù lận đận bởi thương chiến
WeChat sẽ sớm thành nạn nhân của thương chiến Mỹ - Trung? WeChat sẽ sớm thành nạn nhân của thương chiến Mỹ - Trung?
Covid-19 đáng sợ hơn thương chiến Mỹ - Trung Covid-19 đáng sợ hơn thương chiến Mỹ - Trung

/ vnexpress.net