Ngành “công nghiệp không khói” thiếu hụt nguồn lao động

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến hàng nghìn lao động trong lĩnh vực du lịch ở tỉnh Thừa Thiên-Huế buộc phải nghỉ việc, chuyển sang làm nghề khác để mưu sinh. Tình trạng này dẫn đến khan hiếm nguồn nhân lực, lao động khi ngành “công nghiệp không khói” của Cố đô Huế dần khôi phục hoạt động trở lại trong tình hình mới.

Ngoài các danh lam thắng cảnh, tỉnh Thừa Thiên-Huế có Quần thể di tích Cố đô Huế cùng nhiều di sản vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận, vinh danh. Những năm qua, nhờ làm tốt công tác quảng bá, kích cầu nên bình quân mỗi năm, ngành du lịch địa phương đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua, do bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều điểm tham quan, du lịch ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế phải đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Tình trạng này kéo theo các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch, dịch vụ, lữ hành phải ngừng hoạt động khiến hàng nghìn người lao động bị mất việc làm.

Nhằm đảm bảo cuộc sống, không ít lao động trực tiếp và gián tiếp trong ngành du lịch ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tìm kiếm và chuyển sang công việc khác để mưu sinh trong thời điểm xảy ra dịch bệnh. Anh Nguyễn Minh Hồng (ở phường An Hòa, TP Huế) cho biết, trước đây anh làm hướng dẫn viên du lịch của một công ty chuyên dẫn khách Hàn Quốc đi từ TP Đà Nẵng ra Huế tham quan các điểm di tích.

Ngành “công nghiệp không khói” thiếu hụt nguồn lao động -0

Nhiều lao động trong lĩnh vực du lịch ở Thừa Thiên-Huế chuyển nghề do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Thế nhưng, từ năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát kéo dài, các điểm tham quan đều đóng cửa ngừng đón khách nên công ty ngừng hoạt động, công việc hướng dẫn viên của anh vì thế cũng phải tạm dừng. Để duy trì cuộc sống gia đình, anh chuyển sang làm nghề lái xe taxi. “Tuy thu nhập giảm hơn trước song nghề lái xe vẫn có thể kiếm tiền để lo cho 2 đứa con đang học tiểu học. Đến nay, ngành du lịch tái hoạt động trở lại thì bản thân tôi đã và đang thích ứng với công việc mới nên chưa sẵn sàng quay trở lại với công việc làm hướng dẫn viên du lịch”, anh Hồng chia sẻ.

Tương tự, rất nhiều người làm việc tại các công ty, doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch hoặc tại các điểm di tích ở tỉnh Thừa Thiên-Huế phải nghỉ việc chuyển sang nghề lái xe taxi, chạy xe grab, môi giới bất động sản, hoặc các nghề thời vụ khác. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có hơn 14.000 lao động trực tiếp trong ngành Du lịch và hơn 30.000 lao động gián tiếp liên quan đến lĩnh vực này.

Qua gần 2 năm xảy ra dịch bệnh COVID-19, phần lớn số lao động này đã dịch chuyển và chuyển sang công việc mới thích hợp hơn. Trong năm 2020, số lao động trong ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế giảm 1/2 và đến nay chỉ còn khoảng 3.000 người gắn bó với công việc. Qua tìm hiểu được biết, lao động chuyển nghề thành công và đang ổn định lại là lực lượng lao động có tay nghề cao, những người từng kinh qua vị trí lãnh đạo, trưởng bộ phận ở các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú tỉnh Thừa Thiên-Huế thông tin, hiện các khách sạn đang thiếu bộ phận sale, marketing về thị trường nội địa. Định hướng trong thời gian tới của ngành du lịch địa phương là tập trung vào khách nội địa buộc các cơ sở phải chuyển hướng và cần có bộ phận sale chuyên về khách nội địa. Khá nhiều khách sạn liên hệ để được giới thiệu người chuyên về sale nội địa nhưng được trả lời đang chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản và hiện tại đang cho thu nhập khá ổn định. Những người này đều cho rằng, chưa sẵn sàng quay trở lại làm nghề sale du lịch. Trước thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đã gấp rút thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp để kêu gọi người lao động quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, thu hút nguồn nhân lực bên ngoài, nhất là sinh viên tốt nghiệp các trường du lịch có chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ chuyên ngành lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp.

Đặc biệt chú trọng hình thành lực lượng thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng; tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh liên kết với các trường đào tạo chuyên ngành du lịch tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ chuyên ngành du lịch có chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế nói rằng, hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 7.000 lao động trực tiếp và gián tiếp để hướng đến phục hồi hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, ngành du lịch tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho các hướng dẫn viên du lịch và những chương trình định hướng xây dựng sản phẩm du lịch thích ứng với hoàn cảnh mới nhằm giúp các doanh nghiệp có nguồn nhân lực phù hợp phục hồi hoạt động trong thời gian tới.

Anh Khoa

Lao động nghỉ hưu trước tuổi được hỗ trợ thêm lương? Lao động nghỉ hưu trước tuổi được hỗ trợ thêm lương?
Tặng tiền đổi xe mới: Người lao động Hà Nội ít mặn mà, đại lý vắng khách Tặng tiền đổi xe mới: Người lao động Hà Nội ít mặn mà, đại lý vắng khách
Hạn chót chi hỗ trợ người lao động từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vào 31/12 Hạn chót chi hỗ trợ người lao động từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vào 31/12

/ cand.com.vn