Ngân hàng chuộng đi bán bảo hiểm

Với mô hình bán bảo hiểm qua ngân hàng, các nhà băng có thể mang về khoản hoa hồng chiếm 20-30% phí dịch vụ cho mình.

Loại hình Bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) đang ngày một nở rộ ở Việt Nam. Con đường "hôn nhân" chung là một hãng bảo hiểm lớn sẽ ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền cho một nhà băng, thời hạn hợp tác có thể là 5, thậm chí 15 năm, 20 năm.

Mới đây nhất, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Bảo hiểm Manulife của Canada vừa ký kết hợp tác bảo hiểm độc quyền tới 15 năm. Nhờ vậy, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Manulife sẽ được bán qua kênh phân phối là 300 chi nhánh và tệp khách hàng cá nhân hiện hữu là 1,4 triệu của Techcombank. Đây cũng là hai tên tuổi nắm giữ thị phần Bancassurance lớn nhất hiện nay.

Trước đó, thị trường cũng chứng kiến nhiều cuộc "hôn nhân" với cam kết dài lâu. Đầu tháng 9, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng vừa ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền cho Dai-ichi Life kéo dài 20 năm. Trước khi bắt tay với Dai-ichi Life, Sacombank từng có ý định lập liên doanh bảo hiểm nhưng sau đó lại không thực hiện vì lo ngại không hiệu quả.

Tương tự, VietinBank cuối tháng 8 cũng độc quyền bán chéo bảo hiểm cho Aviva. Ngân hàng Quốc dân NCB cũng có đối tác độc quyền là Prevoir. Tương tự, cả Maritime Bank và VIB đều đang bán chéo sản phẩm bảo hiểm theo dạng "độc quyền" cho Prudential.

Tại các nước phát triển, Bancassurance là kênh phân phối bảo hiểm chủ lực, chiếm đến 70% doanh thu toàn ngành. Trong khi đó, tại Việt Nam, chủ yếu khách hàng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm qua kênh đại lý. Do đó, theo ông Paul Nguyễn - Tổng giám đốc của Manulife Việt Nam, đây là thị trường đang được đánh giá tiềm năng nhất trong khu vực. "Tại Indonesia và Thái Lan, tỷ lệ đóng góp của Bancassurance đều trên 40% trong khi ở Việt Nam đến hết năm 2016 mới chỉ là 10%", ông Paul Nguyễn dẫn chứng.

Với cuộc đua thâm nhập mạnh mẽ vào hệ thống, mạng lưới ngân hàng của các hãng bảo hiểm, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm tới. Trao đổi với báo chí, Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh, còn khẳng định, hợp đồng độc quyền với Manulife sẽ giúp nhà băng này đạt trên 10.000 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mặc dù là nhà băng nắm 30% thị phần bảo hiểm qua kênh bán hàng ngân hàng, nhưng đây vẫn là con số rất thách thức cho Techcombank. Đến hết năm 2016, doanh thu phí bảo hiểm của ngân hàng này mới chỉ đạt hơn 510 tỷ đồng.

Hợp tác độc quyền với hãng bảo hiểm giúp không ít nhà băng cải thiện đáng kể lãi từ mảng dịch vụ. Thông thường, khi hợp tác độc quyền, họ được hưởng hoa hồng khá ổn định theo số năm ký kết. Lãnh đạo một ngân hàng cũng đang triển khai Bancassurance cho biết, nguồn thu từ khoản hoa hồng này có thể đóng góp 15-20% tổng thu phí dịch vụ của nhà băng. "Thậm chí sau 5 năm hợp tác độc quyền, doanh thu từ phí hoa hồng có thể lên tới 30% và đóng góp đáng kể vào mảng dịch vụ", ông nói.

Prudential, Prevoir và Dai -ichi Life đang là 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có nhiều hợp tác với ngân hàng nhất.

Thực tế, trước khi đi đến những cuộc hôn nhân độc quyền "một vợ một chồng", hầu như nhà băng nào cũng thử nghiệm mô hình thoả thuận phân phối bảo hiểm với nhiều bên. Tức là một ngân hàng đồng thời bán sản phẩm của vài ba nhãn bảo hiểm. Không chỉ bảo hiểm nhân thọ, qua hệ sinh thái khách hàng cá nhân sẵn có, các nhà băng cũng mạnh mẽ tiếp thị bảo hiểm phi nhân thọ.

/ Theo Vnexpress