Nga vượt Trung Quốc trong cuộc đua vaccine Covid-19

Việc công bố dữ liệu sơ bộ giúp nâng cao uy tín vaccine Sputnik V Nga, trong khi Trung Quốc vẫn "mù mờ" về thông tin vaccine nội địa.

Tạp chí y khoa quốc tế Lancet hôm 2/2 công bố phân tích cho thấy vaccine Sputnik V của Nga đạt hiệu quả chống virus lên tới gần 92%. Bài báo dựa trên phân tích tạm thời về thử nghiệm liên quan gần 20.000 người ở Nga.

"Quá trình phát triển vaccine Nga bị chỉ trích vì quá vội vàng, đốt cháy giai đoạn và thiếu minh bạch. Nhưng kết quả được báo cáo ở đây là rõ ràng và nguyên tắc khoa học của việc tiêm chủng đã được chứng minh, đồng nghĩa là một loại vaccine khác hiện có thể tham gia cuộc chiến chống Covid-19", giáo sư Ian Jones từ Đại học Reading và giáo sư Polly Roy từ Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London viết trong bài bình duyệt trên Lancet.

5105 sputnik v 7088 1612424249

Bác sĩ tiêm vaccine Sputnik V cho người dân tại một bệnh viện ở thủ đô La Paz, Bolivia hôm 3/2. Ảnh: AFP.

Theo các chuyên gia y tế, bài bình duyệt này đã nâng cao uy tín vaccine Covid-19 của Nga, giải quyết những lo ngại về tính minh bạch, làm dấy lên hy vọng rằng Sputnik V có thể giảm bớt tình trạng thiếu hụt vaccine toàn cầu.

Vaccine Nga, do Viện Gamaleya ở Moskva phát triển, đã được các quốc gia khác nhau đặt hàng vì phần lớn nguồn cung vaccine trên toàn cầu đã được các nước giàu đặt trước. Viện Gamaleya là nhà phát triển vaccine Covid-19 thứ tư công bố kết quả thử nghiệm Giai đoạn Ba, sau Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca.

Việc công bố dữ liệu thử nghiệm cũng đưa nhà phát triển vaccine của Nga đi trước các tập đoàn dược phẩm Trung Quốc là Sinopharm và Sinovac một bước trong việc chia sẻ dữ liệu với công chúng.

Cả hai công ty Trung Quốc đều công bố số liệu về hiệu quả của vaccine, đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Trung Quốc trước khi kết thúc thử nghiệm Giai đoạn Ba năm ngoái. Sinopharm đã được phê duyệt có điều kiện tại Trung Quốc vào tháng 12.

Tuy nhiên, cả hai đều không công khai dữ liệu Giai đoạn Ba hoặc công bố kết quả, dù họ đã đệ trình dữ liệu lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để xem xét và được phê duyệt ở một số quốc gia dựa trên các thử nghiệm.

Nhà nghiên cứu miễn dịch học Kylie Quinn, phó hiệu trưởng Đại học RMIT, Australia, cho biết công bố dữ liệu được đánh giá là bước quan trọng để hướng tới sự tin tưởng vào vaccine.

"Tính minh bạch là yếu tố hoàn toàn cần thiết trong việc phổ biến vaccine rộng rãi trong công chúng. Nếu bạn muốn có một loại vaccine tốt thì nó phải an toàn, hiệu quả và đáng tin cậy", Quinn nói.

Huyền Lê (Theo SCMP)

Phuket chào đón du khách đã tiêm vaccine Covid-19 Phuket chào đón du khách đã tiêm vaccine Covid-19
Thế giới sẵn sàng dùng vaccine COVID-19, nhiều nước châu Á vẫn hoài nghi Thế giới sẵn sàng dùng vaccine COVID-19, nhiều nước châu Á vẫn hoài nghi
Vaccine COVID-19 Astra Zeneca có thể làm chậm quá trình lây lan virus Vaccine COVID-19 Astra Zeneca có thể làm chậm quá trình lây lan virus
/ vnexpress.net