Nga - Mỹ tiếp tục nỗ lực “tháo ngòi nổ” căng thẳng

Nga - Mỹ tiếp tục nỗ lực “tháo ngòi nổ” căng thẳng

Trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng về cuộc khủng hoảng Ukraine, Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng cấp Mỹ Blinken hôm 21/1 đã có cuộc hội đàm tại Geneva, Thụy Sĩ về các vấn đề an ninh. Phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết đối thoại giữa hai nước vẫn tiếp tục liên quan đến các đề xuất an ninh của Nga và Washington đã nhất trí phản hồi bằng văn bản về các đề xuất trên vào tuần tới.

Ông hy vọng điều này có thể giúp hạ nhiệt phần nào căng thẳng tại Ukraine, đồng thời tái khẳng định Moscow không gây bất kỳ đe dọa nào đối với nước láng giềng. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga đánh giá cuộc đối thoại vừa diễn ra là cởi mở và hữu ích, đồng thời khẳng định Moscow không có kế hoạch tấn công Ukraine. Ông cũng khẳng định Tổng thống Vladimir Putin luôn sẵn sàng tiếp xúc với người đồng cấp Mỹ Joe Biden, song bất kỳ cuộc tiếp xúc nào cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng.

Về phần mình, Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh cuộc đối thoại diễn ra “thẳng thắn và thực chất”. Theo ông, phía Mỹ đã đưa ra một số đề xuất tăng cường an ninh và những vấn đề mà hai bên có thể tìm thấy điểm chung. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẽ chia sẻ ý tưởng bằng văn bản với Nga vào tuần tới, đồng thời hy vọng có thêm các biện pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Ukraine sau cuộc hội đàm này tại Geneva.

ngamy.jpg -0

Ngoại trưởng Sergei Lavrov (phải) và người đồng cấp Antony Blinken tại cuộc gặp hôm 21/1.

Ông nêu rõ: “Chúng tôi không mong đợi bất kỳ đột phá lớn nào trong ngày hôm nay, nhưng tôi tin rằng chúng tôi hiện đang trên đường hiểu được mối quan tâm của nhau cũng như quan điểm của nhau”. Tại hội đàm, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết đã thảo luận với người đồng cấp Nga về vấn đề Iran, cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là ví dụ về cách thức Moscow và Washington có thể làm việc với nhau đối với các vấn đề an ninh.

Theo ông, vẫn còn cơ hội để khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử được Iran ký với các cường quốc hồi năm 2015. Trong khi đó, hãng tin RIA dẫn nguồn phái đoàn Nga tham dự cuộc hội đàm tại Geneva cho biết Moscow và Mỹ có thể tổ chức cuộc gặp tiếp theo vào tháng tới để thảo luận các đề xuất của Moscow về đảm bảo an ninh. Moscow sẽ có vài tuần nghiên cứu các phản hồi của Washington đối với các đề xuất trên, mà phía Mỹ dự kiến đưa ra vào tuần tới.

Trước thềm cuộc tiếp xúc này, Nga đã làm rõ hơn quan điểm của mình để tránh những cách hiểu sai lệch. Theo đó, Nga muốn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút toàn bộ lực lượng khỏi Bulgaria, Romania và những nước thuộc khối Đông Âu từng gia nhập liên minh này sau thời điểm năm 1997.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định: “Yêu cầu bảo đảm an ninh mà Nga gửi tới Mỹ và đồng minh phương Tây có điều khoản NATO “rút toàn bộ lực lượng, phương tiện, vũ khí và có những bước đi tiếp theo để quay trở lại trạng thái của năm 1997”, mốc thời điểm NATO bắt đầu kết nạp thành viên với các nước thuộc khối Hiệp ước Warszawa (Warsaw Pact)”.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga khẳng định Bulgaria và Romania nằm trong số các nước mà lực lượng của NATO cần phải rút đi. Ông tuyên bố yêu sách của Nga là dứt khoát, rõ ràng để tránh những cách hiểu nước đôi hoặc khác đi từ phía Mỹ. Phản hồi trước thông tin trên, Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov cho rằng Bulgaria là quốc gia có chủ quyền và từ lâu đã tự đưa ra quyết định trở thành thành viên NATO. Bulgaria tự lựa chọn biện pháp phòng vệ quốc gia thông qua điều phối với các đối tác.

Cuộc gặp giữa hai quan chức ngoại giao Nga – Mỹ diễn ra khi Moscow và Washington cũng như NATO trong tháng này tiến hành các cuộc đàm phán căng thẳng về vấn đề an ninh, nhưng không đạt được bước đột phá nào. Phía Nga trước đó cảnh báo sự kiên nhẫn đang cạn dần, đồng thời cáo buộc Mỹ và NATO đang kích động căng thẳng trong khu vực. Người phát ngôn Điện Kremlin Dimitri Peskov nhấn mạnh: “Mỹ và NATO có thể mang lại hy vọng hão huyền cho những “cái đầu nóng nảy” của một số lãnh đạo Ukraine, khơi mào cho một cuộc nội chiến ở đất nước của họ một lần nữa”.

Ngay trước thềm cuộc gặp, hàng loạt các cảnh báo được đưa ra. Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định, Mỹ và đồng minh phương Tây thống nhất trong phản ứng mạnh mẽ đối với bất cứ hành động gây hấn nào của Nga nhằm vào Ukraine. Đức cũng tuyên bố có thể dừng Dòng chảy phương Bắc 2 - một đường ống dẫn khí đốt mới từ Nga, nếu Nga có hành động quân sự nhằm vào Ukraine. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ursula von der Leyen cũng khẳng định đáp trả bất kỳ hành động gây hấn nào của Nga nhằm vào Ukraine “bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính lớn”.

Các cảnh báo đang diễn ra nhưng rõ ràng cuộc gặp Nga và Mỹ diễn ra cho thấy thiện chí đối thoại để làm giảm căng thẳng song phương. Điều này có nghĩa là Mỹ và Nga đều cố gắng tìm giải pháp mà hai bên cùng chấp nhận được. Như hy vọng của giới chuyên gia, sự sáng suốt chính trị và kinh nghiệm của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden là những cơ sở tốt để tiếp tục tìm kiếm đồng thuận, tránh đối đầu nguy hiểm khiến cả hai bên đều đối mặt với những tổn thất lớn.

Khổng Hà

Quan hệ Nga - Mỹ lại đứng trước “phép thử lớn” Quan hệ Nga - Mỹ lại đứng trước “phép thử lớn”
Nga - Mỹ hợp tác an ninh mạng: Cái bắt tay tất yếu Nga - Mỹ hợp tác an ninh mạng: Cái bắt tay tất yếu
/ cand.com.vn