Nga - Mỹ hợp tác an ninh mạng: Cái bắt tay tất yếu

Ngày 3-11, tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong một động thái rất được hoan nghênh, Mỹ và Nga đã cùng đề xuất một dự thảo nghị quyết về vấn đề an ninh mạng. Theo đó, hai cường quốc hàng đầu thế giới cùng nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc ngăn chặn các hành vi sử dụng tài nguyên và công nghệ thông tin cho các mục đích tội phạm và khủng bố.

Đòi hỏi từ thực tế

Đầu tiên, bản dự thảo nghị quyết mà Nga và Mỹ cùng soạn thảo này đương nhiên là một bước tiến quan trọng của lĩnh vực hợp tác quốc tế, trong cuộc chiến chống lại các loại tội phạm cũng như chủ nghĩa khủng bố quốc tế toàn cầu. Đó là lý do cơ bản để bản dự thảo nghị quyết này được ủng hộ nhiệt liệt bởi Ủy ban thứ nhất Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc - cơ quan giải quyết các vấn đề giải trừ quân bị và an ninh quốc tế.

Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin của thế giới hiện đại, càng lúc, môi trường không gian mạng càng đóng một vai trò quan trọng về mọi mặt đối với đời sống loài người, kể cả trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng của mỗi quốc gia. Từ khoảng 10 năm trước, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức xác định không gian mạng chính là “kiểu chiến trường thứ năm” bên cạnh lục quân, hải quân, không quân và không gian vũ trụ. Hiện tại, đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam cũng xác nhận không gian mạng là một môi trường tác chiến mới - một “mặt trận mới” như vậy.

Nga - Mỹ hợp tác an ninh mạng: Cái bắt tay tất yếu -0

Đã có nhiều thay đổi tích cực sau Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Geneva 2021.

Nói một cách ngắn gọn, ở mức độ phát triển hiện tại về khoa học và công nghệ, những cuộc tấn công mạng có chủ định và lên kế hoạch kỹ lưỡng có thể chặn đứng các quân đội, làm tê liệt cũng như hủy hoại các quốc gia. Ở mức độ thấp hơn, như thực tế đã chứng minh, các hình thức tội phạm trên không gian mạng xuất hiện mỗi lúc một nhiều, càng ngày càng tinh vi và có thể gây ra những hậu quả không thể lường được.

Ví dụ điển hình cho tội phạm không gian mạng, không gì khác, chính là chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Sử dụng không gian mạng như một công cụ hữu hiệu, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tập hợp lực lượng, trỗi dậy từ hư không để rồi tàn phá cả Syria lẫn Iraq, gieo rắc kinh hoàng không chỉ ở Trung Đông hay châu Âu mà còn trở thành nỗi ám ảnh của toàn thế giới.

Cả quân đội Nga lẫn quân đội Mỹ đều từng phải “vào cuộc” thực sự quyết liệt tại thực địa chiến trường mới có thể tạm dẹp yên được mối nguy hiểm đến từ những lá cờ đen chết chóc đó. Bởi vậy, hợp tác quốc tế về chống tội phạm và chủ nghĩa quốc tế trên không gian mạng, thông qua bản dự thảo nghị quyết vừa được đưa ra Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc - cũng như trao đổi thông tin tình báo trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng nói chung, là sự kết nối thiết yếu và tất yếu, vì mục tiêu duy trì cũng như bảo vệ hòa bình, ổn định, phát triển chung của nhân loại.

Một mũi tên, hai đích nhắm

Tuy nhiên, hơn cả các vấn đề quân sự, an ninh, quốc phòng thuần túy, sự kiện Nga và Mỹ cùng soạn thảo bản nghị quyết này còn thu hút sự chú ý của giới quan sát quốc tế, khi nó mang theo những sắc thái và thông điệp khác không kém phần quan trọng.

Một cách đơn giản, nói như Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov, thông qua mối dây liên hệ mới mẻ này, hai siêu cường “đã gửi đến thế giới một tín hiệu quan trọng rằng hai nước có thể và sẵn sàng chịu trách nhiệm và nhất trí về các vấn đề cấp bách nhất, kể cả trong lĩnh vực an ninh mạng quốc tế”. Ông diễn giải và nhấn mạnh: “Trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ nhìn chung là tiêu cực, việc đạt được thỏa thuận với Mỹ về xây dựng nội dung duy nhất của nghị quyết là động thái chính trị không hề nhỏ của hai bên. Nó càng quan trọng hơn nếu chúng ta tính đến bối cảnh tương tác song phương trong lĩnh vực an ninh mạng”.

Rõ ràng, Thứ trưởng Ngoại giao Nga đã không lảng tránh vấn đề. Mối quan hệ Nga - Mỹ, hay rộng hơn là các mối quan hệ Nga - NATO hay Nga - phương Tây đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trong thời điểm hiện tại, căng thẳng cũng vẫn còn đang hiện hữu ở ngay khu vực quanh biên giới phía Tây của nước Nga, trên biển Đen hay trên biển Baltic, nơi NATO mà Mỹ là quốc gia lãnh đạo - vẫn không ngừng tạo thêm sức ép. Đáp trả, nước Nga cũng có những hành động tương xứng, mà mới nhất là những loạt tên lửa được hải quân Nga bắn đỏ trời Hắc Hải, trong cuộc tập trận ngày 3-11.

Giữa bầu không khí sặc mùi thuốc súng đó, dù sao, ngoại giao vẫn sở hữu một thứ “quyền năng” nhất định, “là khả năng giúp những đối thủ quyết liệt nhất vượt qua các bất đồng cơ bản và tìm ra các giải pháp thực tiễn có thể chấp nhận được", theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov.

Tán đồng với ông, đại diện đặc biệt của Mỹ về giải trừ vũ khí hạt nhân Jeffrey Eberhardt tuyên bố, việc Nga và Mỹ cùng dự thảo nghị quyết trên cho thấy hai nước có thể hợp tác về những vấn đề cả hai cùng coi trọng và điều quan trọng là hai nước có thể phối hợp khi cần hợp tác.

Nghĩa là, dù thế nào, mối quan hệ hợp tác về chống tội phạm và khủng bố tại môi trường không gian mạng vẫn sẽ là một kênh liên lạc, một kiểu “cánh cửa thoát hiểm” cho các tình huống khẩn cấp - nếu tình huống tồi tệ đó xuất hiện và làm trầm trọng thêm các vấn đề ngoại giao giữa hai đại cường.

Nga - Mỹ hợp tác an ninh mạng: Cái bắt tay tất yếu -0

Bước đi mang tính đột phá trong hợp tác quốc tế về an ninh mạng.

Chặng đường đã qua

Có một điều cũng rất đáng chú ý: Thực ra, bản dự thảo nghị quyết này không phải là sản phẩm ngoại giao có được một cách dễ dàng. Đó là kết quả của cả một hành trình dài và cũng từng có những chặng rơi vào bế tắc.

Cho đến tận ngày 12-10-2020, đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn phải nhẫn nại, để một lần nữa đề xuất với Washington chương trình toàn diện về các biện pháp thiết thực để "cài đặt lại" quan hệ giữa hai nước trong sử dụng công nghệ thông tin. Khi ấy, ông chủ Nhà Trắng vẫn còn là cựu Tổng thống Donald Trump và những lời kêu gọi của Tổng thống Nga không được hồi đáp. Chủ nhân Điện Kremlin, thời điểm đó, nhấn mạnh: “Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi đưa ra đề xuất này, chúng tôi hy vọng các nước quan tâm thực hiện những đề xuất mà chúng tôi đã đưa ra. Chúng tôi vẫn hy vọng sẽ có thể tiếp tục nỗ lực này với tất cả các bên liên quan, kể cả Mỹ”.

Phải sau khi nước Mỹ bước sang một nhiệm kỳ tổng thống mới - Joe Biden (đặc biệt là sau Hội nghị thượng đỉnh tại Geneva tháng 6-2021), tiến trình hợp tác an ninh mạng này mới được đẩy nhanh tiến độ. Ngày 9-7-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden hé lộ với báo giới: “Chúng tôi đã thiết lập một ủy ban chung. Theo tôi, họ (các đại diện của hai phía Nga - Mỹ) sẽ gặp nhau vào ngày 16-7. Tôi cho rằng chúng tôi sẽ đạt được một số mục tiêu hợp tác”.

Ngày 11-7, hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã có cuộc điện đàm, mức độ đe dọa của các vụ tấn công mạng đối với an ninh quốc gia Mỹ trong tương lai. Các vụ tấn công bằng mã độc tống tiền mới nhất, có thể ảnh hưởng đến khoảng 1.500 doanh nghiệp trên toàn thế giới, được các chuyên gia an ninh mạng cho rằng có liên quan đến REvil, một băng nhóm tin tặc có trụ sở tại Nga. Theo đó, phía Mỹ “hy vọng Nga sẽ hành động nếu chúng tôi cung cấp đủ thông tin, bằng chứng cho thấy các nhóm tin tặc này là ai, dù họ không phải do Chính phủ Nga trực tiếp bảo trợ. Hai bên cũng thiết lập thông tin liên lạc thường xuyên để có thể trao đổi nhanh về những diễn biến xảy ra tại mỗi quốc gia”. Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov làm rõ: “Có một số cuộc tiếp xúc diễn ra hai bên trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được tại Geneva về cơ chế tham vấn an ninh mạng. Tôi khẳng định vụ tấn công mạng nhằm vào Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa không liên quan đến Chính phủ Nga”.

Từ diễn biến này, Mỹ chuyển cho Nga danh sách 16 cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm hệ thống nước và lĩnh vực năng lượng của nước này, cần được bảo vệ đặc biệt. Theo giới quan sát quốc tế, việc Nga và Mỹ xác định “lằn ranh đỏ” rất quan trọng, giúp hai bên có những bước điều chỉnh để không leo thang thành cuộc tấn công mạng quy mô lớn hoặc trở thành một cuộc xung đột vượt ra ngoài không gian mạng.

Để rồi, sau rất nhiều tranh cãi, ngày 19-9, theo Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov, “những bước đi thực tế và hữu hình đầu tiên đã được thực hiện”. Và chỉ thêm gần 2 tháng nữa, dự thảo nghị quyết về vấn đề an ninh mạng mà cả hai phía cùng soạn thảo đã xuất hiện, như lời khẳng định sự cần thiết của những cơ chế đối thoại hợp tác cân bằng và phi chính trị hóa, về thách thức này, trên cả khía cạnh song phương lẫn đa phương...

Đông Phong

Mỹ - Pháp ký loạt thỏa thuận mới về an ninh mạng Mỹ - Pháp ký loạt thỏa thuận mới về an ninh mạng
Nga bị Mỹ cùng 29 nước ‘cho ra rìa’ cuộc họp an ninh mạng Nga bị Mỹ cùng 29 nước ‘cho ra rìa’ cuộc họp an ninh mạng
Hacker nổi tiếng thế giới làm chuyên gia an ninh mạng Việt Nam Hacker nổi tiếng thế giới làm chuyên gia an ninh mạng Việt Nam

/ antgct.cand.com.vn