Nga có vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới: Di sản từ cách làm thời Liên Xô

Nhà báo chuyên nghiên cứu Nga và Đông Âu Bryan MacDonald cho rằng hệ thống nghiên cứu do nhà nước tài trợ là động lực để Nga phát triển thần tốc vaccine COVID-19.

Tổng thống Vladimir Putin hôm 11/8 tuyên bố Nga đã phát triển loại vaccine đầu tiên cung cấp khả năng "miễn dịch vững vàng" chống COVID-19 sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người.

Vaccine Sputnik V được phát triển bởi Viện nghiên cứu Gamaleya và việc sản xuất hàng loạt đã bắt đầu tại nhà máy dược phẩm Binnopharm của tập đoàn AFK Sistema. Tổng sản lượng thuốc dự kiến đạt 500 triệu liều cho năm 2021.

Nga có vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới: Di sản từ cách làm thời Liên Xô - 1
Nga là nước đầu tiên trên thế giới tuyên bố sản xuất thành công vaccine COVID-19.

Di sản từ thời Liên Xô

Bryan MacDonald cho biết, Nga về cơ bản đã nghiên cứu vaccine trong 20 năm. Như trường hợp của SARS, các nhà khoa học Nga cũng giống như các đồng nghiệp Mỹ và Anh nhảy vào cuộc đua tìm kiếm vaccine ngay khi dịch bùng phát.

"Một khi virus bị tiêu diệt, tôi cho rằng các công ty tư nhân ở phương Tây sẽ ngừng phát triển vaccine bởi họ không thu được lợi ích từ việc này và không có động cơ lợi nhuận khi không ai cần tới vaccine nữa. Trong khi đó, Nga tiếp tục nghiên cứu virus gây dịch SARS", MacDonald nói.

Nhà báo này tin rằng việc Nga phát triển nhanh vaccine COVID-19 là do nước này đã nghiên cứu virus gây dịch SARS và các loại virus tương tự trong nhiều năm.

Theo nhà báo Ireland, đây là di sản từ thời Liên Xô.

Nga có vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới: Di sản từ cách làm thời Liên Xô - 2
Nga là nước đầu tiên đăng ký vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới. (Ảnh: AP)

"Về mặt hiệu quả, sự khác biệt giữa hệ thống nghiên cứu của Nga và hệ thống nghiên cứu của phương Tây nằm ở chỗ ở phương Tây, hầu hết các nghiên cứu khoa học dù là y tế hay quân sự được khu vực tư nhân thực hiện. Ở Nga, chịu trách nhiệm thực hiện các nghiên cứu này là khu vực nhà nước", ông MacDonald phân tích.

Thực tế, nhiều thập kỷ nỗ lực của các nhà khoa học Nga và Liên Xô đã tạo nên những cơ sở hạ tầng nghiên cứu xuất sắc, chẳng hạn như Trung tâm Quốc gia về Dịch tễ và Vi sinh vật học mang tên Nikolai Gamaleya. Cơ sở này là một trong những "Thư viện virus" phong phú nhất thế giới, được tạo lập từ việc sử dụng các kỹ thuật bảo tồn độc đáo, cho đến các Trung tâm thí nghiệm nhân giống động vật.

Kể từ những năm 1980, Trung tâm Gamaleya đã phát triển nền tảng công nghệ sử dụng adenovirus, được tìm thấy trong cơ thể người nhiễm virus và thường lây lan bệnh cảm cúm thông thường, như là "vật trung gian truyền bệnh" hay còn gọi là véc tơ có thể tạo ra vật liệu di truyền từ thứ virus khác trong tế bào.

Kể từ khi bắt đầu bùng phát đại dịch COVID-19, tất cả những gì mà các nhà nghiên cứu Nga cần làm là trích xuất gen mã hóa từ nhánh của coronavirus mới và cấy nó vào một véc tơ adenovirus quen thuộc để đưa vào tế bào người.

Hoài nghi

Dù vậy, theo đa số các chuyên gia y tế, vaccine COVID-19 không thể phát triển nhanh bởi bất cứ vaccine nào cũng giống như thuốc, đều phải trải qua 4 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 3 là giai đoạn quan trọng nhất và thường có sự tham gia của hàng nghìn người.

Tuy nhiên, vaccine của Nga hiện vẫn chưa hoàn thành giai đoạn 3 và mới chỉ được thử nghiệm trên số lượng tình nguyện viên không nhiều.

Theo LA Times, loại vaccine mà Nga vừa đưa vào phê duyệt sử dụng virus adeno gây cảm lạnh thông thường làm véc tơ để cung cấp vật liệu di truyền mã hóa cho các protein SARS-CoV-2, kích hoạt phản ứng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2. Công ty CanSino Biologics của Trung Quốc cùng Đại học Oxford/hãng dược AstraZeneca cũng sử dụng virus này khi nghiên cứu vaccine phòng COVID-19.

"Vấn đề không phải là quốc gia nào có vaccine đầu tiên, mà phải có một loại vaccine an toàn và hiệu quả cho người dân Mỹ và người dân thế giới. Chúng tôi cần dữ liệu minh bạch, và đó phải là dữ liệu về giai đoạn thử nghiệm 3 cho thấy vaccine an toàn và hiệu quả", Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar nói khi được đề nghị bình luận về việc Nga tuyên bố sản xuất thành công vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cũng bày tỏ lo ngại tương tự.

"Để có thể tin tưởng vào loại vaccine kiểu này, tôi nghĩ vấn đề rất quan trọng là phải tiến hành nghiên cứu toàn diện, có những thử nghiệm liên quan và quan trọng là phải đưa nó ra cộng đồng.

Vấn đề ở đây là chúng ta biết rất ít về loại vaccine này bởi vì giới chức Nga không thực sự minh bạch", ông Spahn nói, nhấn mạnh rằng sẽ rất nguy hiểm nếu bắt đầu tiêm phòng cho hàng triệu người quá sớm trong trường hợp có sai sót.

Nga có vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới: Di sản từ cách làm thời Liên Xô - 3
Hành trình điều chế vaccine thần tốc của Nga gây nhiều tranh cãi. (Ảnh: AP)

Một vấn đề khác mà các nhà khoa học phương Tây nghi ngại là Nga cho tới nay vẫn chưa công bố bất cứ dữ liệu khoa học nào từ các thử nghiệm lâm sàng của họ.

"Những thiệt hại từ việc tung ra thị trường bất cứ loại virus kém an toàn và hiệu quả nào sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề của chúng ta", Danny Altmann, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London (Anh) cho biết.

Trợ lý Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) thuộc WHO mới đây tiết lộ tổ chức này chưa nhận được đầy đủ thông tin về vaccine COVID-19 của Nga để có thể đưa ra đánh giá.

Một số chuyên gia nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc công bố các dữ liệu khoa học để chứng minh vaccine không gây ra các tác dụng phụ đáng kể.

"Các tiêu chuẩn của Mỹ nghiêm ngặt hơn nhiều. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đặt ra các tiêu chuẩn và những gì chúng tôi hiểu từ thông báo của Nga là điều này không giống với các tiêu chuẩn của chúng tôi", cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway cho biết.

Mỹ hiện mới chỉ có 2 ứng viên vaccine bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3.

WHO cho biết tất cả các ứng viên vaccine cần trải qua đầy đủ các giai đoạn thử nghiệm trước khi tung ra thị trường.

Bất chấp nghi ngại từ phương Tây và Mỹ, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko khẳng định lô vaccine COVID-19 đầu tiên của Nga sẽ được đưa vào sử dụng trong 2 tuần tới. Lô vaccine COVID-19 sẽ được được giao để tiêm chủng cho các bác sĩ thuộc nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Ông Mikhail Murashko cho biết, vaccine Sputnik V chủ yếu được sử dụng để đáp ứng nhu cầu ở Nga, song không loại trừ việc xuất khẩu. Ông cũng lưu ý rằng những chỉ trích về vaccine mà Nga vừa đăng ký ở nước ngoài là không có cơ sở và nguyên nhân xuất phát từ cạnh tranh lợi ích giữa các nước trong cuộc đua phát triển vaccine.

Nga dự tính sản xuất 5 triệu liều vaccine mỗi tháng từ cuối năm 2020 và tuyên bố đã nhận những đơn đặt hàng tới 1 tỷ liều từ 20 quốc gia trên thế giới.

Cần Thơ: Đưa 198 người về từ Brunei, Indonesia hoàn thành cách ly về quê Cần Thơ: Đưa 198 người về từ Brunei, Indonesia hoàn thành cách ly về quê
Covid-19: Hơn 751.000 ca tử vong; Ấn Độ có số ca mắc trong ngày cao kỷ lục Covid-19: Hơn 751.000 ca tử vong; Ấn Độ có số ca mắc trong ngày cao kỷ lục
Bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 18 tử vong Bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 18 tử vong

/ vtc.vn