Nga bán hơn 5 tỷ USD vũ khí cho hải quân các nước, tàu tên lửa đắt hàng

Theo truyền thông Nga, bất chấp việc kinh tế toàn cầu lâm vào cảnh ảm đạm do COVID-19, thị trường vũ khí thế giới vẫn tăng trưởng nóng.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời Alexander Mikheev, Tổng Giám đốc Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport cho biết, phân khúc vũ khí dành cho lực lượng hải quân của công ty này vẫn tăng trưởng tốt bất chấp kinh tế khó khăn hiện tại.

Cũng theo Mikheev, hầu hết các hợp đồng của Rosoboronexport đều là cung cấp tàu mặt nước và tàu ngầm cho hải quân một số nước, cùng với đó là vũ khí đi kèm. Ngoài ra, còn có các hợp đồng mua sắm thiết bị hải quân, cũng như các dự án cơ sở hạ tầng.

Đại diện Rosoboronexport còn cho biết các đơn đặt hàng vũ khí cho hải quân các nước đang được công ty này thực hiện có giá trị ước tính lên đến 5,5 tỷ USD.

Nga bán hơn 5 tỷ USD vũ khí cho hải quân các nước, tàu tên lửa đắt hàng - 1
Một tàu hộ vệ tên lửa Karakurt của Hải quân Nga. (Ảnh: TASS)

Để thúc đẩy thị trường trong năm nay, Rosoboronexport cũng đã mời đại diện và phái đoàn của hơn 70 quốc gia tới tham dự Triển lãm hải quân quốc tế IMDS-2021, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 tới đây. Phía Nga hy vọng có thể sẽ đạt thêm một số hợp đồng xuất khẩu và mở rộng hợp tác với các khách hàng truyền thống thông qua triển lãm lần này.

Theo Rosoboronexport, việc công ty này tổ chức IMDS-2021 trong bối cảnh hiện tại phản ánh nhu cầu cơ bản của thị trường vũ khí thế giới, định hướng khách hàng tiềm năng mua các sản phẩm có nhu cầu cao nhất.

Tại IMDS-2021, Rosoboronexport dự kiến sẽ giới thiệu cho các khách hàng tiềm năng các mẫu tàu chiến chủ lực của công ty này như tàu ngầm tấn công diesel-điện Kilo thuộc Đề án 636, Amur 1650 thuộc Đề án 677E, tàu tuần tra Tiger thuộc Đề án 20382, tàu hộ vệ tên lửa Karakurt-E thuộc Đề án 22800E và các hê thống tên lửa phòng thủ bờ biển Rubezh-ME.

Nga bán hơn 5 tỷ USD vũ khí cho hải quân các nước, tàu tên lửa đắt hàng - 2
Hệ thống vũ khí cơ bản trên một tàu hộ vệ Karakurt của Hải quân Nga. (Ảnh: Michael Jerdev)

Rosoboronexport cho rằng sự quan tâm đến vũ khí hải quân của Nga trên thị trường thế giới vẫn ở mức cao. Công ty này còn cho biết sắp bàn giao các tàu hộ vệ Karakurt-E cho ít nhất 6 quốc trên thế giới, ngoài ra cũng có 8 quốc gia khác quan tâm tới hệ thống tên lửa Rubezh-ME.

Tàu hộ vệ Karakurt thuộc Đề án 22800, có lượng giãn nước 800 tấn và được trang bị các loại tên lửa đa tầm hiện đại nhất của của Nga bao gồm: tên lửa hành trình Kalibr, tên lửa chống hạm Onyx và pháo hạm AK-176 điều khiển tự động tầm bắn 16km.

Tàu hộ vệ Karakut cũng sẽ được lắp đặt Pantsir-M, phiên bản hải quân của hệ thống phòng không Pantsir-S1 và hệ thống tên lửa Germes-K hoàn toàn mới, với hệ thống dẫn đường hỗ trợ bởi máy bay không người lái (UAV).

Vẫn chưa rõ biến thể xuất khẩu Karakurt-E có được giữ nguyên cấu hình vũ khí như trên hay không.

Karakurt có chiều dài 65m, rộng 10m. Cặp động cơ diesel-điện của chiến hạm này cho phép nó đạt tốc độ 30 hải lý/h và tầm hoạt động 5.500km. Nó có thể duy trì hoạt động trên biển trong 15 ngày.

Hiện Hải quân Nga đã xây dựng tổng cộng 7 chiếc tàu hộ vệ lớp Karakurt và có kế hoạch sở hữu tổng cộng 20 chiếc tàu loại này.

Trung Quốc có vũ khí hạt nhân đủ mạnh, sẵn sàng ngăn chặn Mỹ tấn công Trung Quốc có vũ khí hạt nhân đủ mạnh, sẵn sàng ngăn chặn Mỹ tấn công

Trung Quốc xây dựng hệ thống phòng thủ cho kho vũ khí hạt nhân trên bộ và trên biển đủ mạnh, đảm bảo ngăn chặn ...

Tổng thống Putin: Xuất khẩu vũ khí Nga đạt vị thế hàng đầu bất chấp trừng phạt Tổng thống Putin: Xuất khẩu vũ khí Nga đạt vị thế hàng đầu bất chấp trừng phạt

Tổng thống Vladimir Putin tự hào vị thế hàng đầu của hệ thống vũ khí Nga.

/ vtc.vn