Nếu cán bộ... quen nghe chửi?

Tôi xin kể cho bạn đọc nghe câu chuyện của ông, một Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Thành ủy của một thành phố thuộc T.Ư.  

Ngay sau khi ông được giao trách nhiệm làm Bí thư Thành ủy của một thành phố lớn, một trong những việc đầu tiên ông làm là đi... xe ôm đến trụ sở một số cơ quan công quyền và lẳng lặng đứng xem cán bộ làm việc - đặc biệt là ở khâu tiếp dân và lắng nghe xem dân nói gì.

Một lần, ông tới một cơ quan có trách nhiệm giải quyết những vấn đề liên quan đến đất cát, nhà cửa và cũng thấy vui vui vì trụ sở khang trang, nơi tiếp dân được bố trí tử tế, có quạt máy, có nước uống. Ngồi bên ngoài được một lát thì ông thấy có một tốp phụ nữ đã luống tuổi đến. Họ đòi gặp người phụ trách việc tiếp dân, nhưng nhân viên ra bảo người phụ trách hôm nay đi họp. Dường như chỉ chờ có thế, những người đàn bà cao giọng chửi đổng.

Đầu tiên, họ chửi “nhẹ nhàng” rằng, cán bộ khinh dân, coi thường dân; rằng cán bộ ăn tiền của mấy tay chủ dự án bất động sản nên bắt ép dân phải nhận tiền đền bù rẻ mạt; rằng cán bộ câu kết với mấy ông quan xã ức hiếp dân...

Mặc cho họ tiếng bấc, tiếng chì, những cán bộ có mặt tại đó vẫn dửng dưng như không. Hình như họ nghĩ rằng “tai liền miệng, các bà chửi thì các bà nghe trước”.

Rồi như thấy chửi thế chưa “ép phê”, các bà tăng “sự đáo để”. Thế là các bà chửi có bài có bản, chửi đọc “thơ dân gian”. Các bà réo tam tứ đại đồng đường nhà giám đốc sở ra chửi. Các bà “văng” ra chốn công đường đủ loại phân, gio của người, của chó, lợn...

Rồi các bà lại “bắt” mấy vị lãnh đạo sở “ăn” đủ các thứ bộ phận trên cơ thể người.

Đáp lại những lời chửi xoe xóe ấy là sự im lặng. Nhân viên của cơ quan vẫn bình thản làm việc.

Người dân đến có việc vẫn bình thản đưa giấy tờ để giải quyết.

Thi thoảng, mới thấy một cán bộ ở tầng trên đi như chạy trốn. Ông nghe bà con chửi mấy vị cán bộ nọ mà cảm thấy như họ đang chửi mình.

Nghe các bà chửi bới và kể lể, ông cảm thấy hình như các bà có lý. Nhưng ông vẫn kiên nhẫn lắng nghe và chủ yếu là để xem phản ứng của “chính quyền” thế nào?

Chửi mỏi miệng, các bà quay mặt ra cửa, chổng mông vào trong và vỗ đùm đụp rồi bỏ về.

Lúc ấy ông mới nói danh tính của mình và yêu cầu gặp giám đốc.

Chỉ thoáng chốc, các cán bộ chủ chốt đã ra “nồng nhiệt” chào đón ông và trách rằng, “sao anh không báo để chúng em đón”.

Lúc ấy, ông mới thủng thẳng: “Tôi đến từ lâu rồi và ở dưới nhà nghe mấy bà chửi các anh. Hình như các anh không nghe thấy thì phải?”.

Và ông thật bất ngờ khi nghe một cán bộ nói: “Ối giời, bọn em ở đây nghe chửi quen tai rồi anh ạ. Ngày nào mà chả có người đến chửi. Đầu tiên thì cũng khó chịu, nhưng nghe mãi cũng thấy... bình thường!”.

“Vậy tại sao họ chửi? Họ chửi chắc cũng có nguyên do chứ?” - ông hỏi.

“Cũng do chuyện đền bù giải tỏa thôi anh ạ. Nhưng anh lạ gì dân mình. Có một lại muốn có hai. Có ba, có bốn lại nài có năm. Mà nếu nài không được là chửi... giải thích mãi họ có nghe cho đâu? Dân... gian mà anh” - anh cán bộ nói dửng dưng như không.

Ông nóng mặt: “Dân thì các anh bảo là gian. Vậy dân bảo các anh là quan thì tham, anh nghĩ sao? Tôi nghe mấy bà chửi các anh, hình như ở cùng huyện với anh thì phải. Không biết chừng, trong mấy bà đó, có người từng đào hầm che giấu cho cha anh thời chống Mỹ và nhịn đói để mang cho cha anh mấy củ mì đấy”.

Nói đến vậy, ông bỗng nghẹn lời và bỏ về.

Đêm đó, ông không sao chợp mắt được và bỗng dưng ông thấy lo sợ. Ông không hiểu rồi tình hình sẽ đi đến đâu khi có một đội ngũ cán bộ bị chửi như vậy mà họ không thấy xấu hổ. Vậy là họ vô cảm với nỗi khổ của người dân hoặc họ vì lợi ích riêng của mình mà chấp nhận nghe chửi để có tiền, để giữ yên chức tước. Cán bộ mà như vậy thì người dân còn biết tin ai, biết dựa vào ai? Lịch sử từ cổ chí kim làm gì có chuyện “dân bức quan phản” mà chỉ có “quan bức dân phản” mà thôi. Cán bộ không ra gì, lại ức hiếp dân, làm giàu trên nỗi khổ của dân thì làm sao người dân còn có thể tin được nữa. Mà tình trạng người dân giảm sút lòng tin vào một bộ phận cán bộ, Đảng viên là có thực và Đảng ta cũng đã thấy. Thấy thì dễ, nhưng làm thế nào để lấy lại lòng tin của người dân thì là chuyện không đơn giản.

Càng nghĩ về sự vô cảm của cán bộ, về những nỗi khổ của người dân mà do chính những người được coi là “công bộc” mang lại, ông càng thấy sợ hãi. Cán bộ mà không còn biết xấu hổ thì họ có thể làm bất cứ điều gì, kể cả những việc vô liêm nhất để có tiền, có quyền. Quan xã có kiểu ăn của quan xã, quan huyện có kiểu ăn của quan huyện, tỉnh có kiểu ăn của tỉnh… Là người trưởng thành từ một chủ nhiệm hợp tác, nên ông biết quá rõ những mánh khóe bóp nặn, ăn tiền của dân, của cán bộ các cấp. Biết là thế, nhưng xử lý được thì khó lắm, vì vướng phải tầng tầng lớp lớp những rào cản… Cả đêm hôm đó, ông thức trắng và cứ ám ảnh câu thơ của cụ Nguyễn Trãi: “Phúc chu thủy tín dân do thủy/ Làm lật thuyền mới biết sức dân là nước”?

Ngay hôm sau, ông cho họp Thường vụ Thành ủy và chỉ bàn về một nội dung: Chấn chỉnh công tác tiếp dân. Ông yêu cầu “từng cấp ủy Đảng phải mở cuộc chiến đấu với thói vô cảm của cán bộ, mở cuộc chiến giành lại niềm tin của nhân dân”.

Và chính ông dành nhiều thời gian để tiếp dân, lắng nghe ý kiến của người dân. Trong những buổi tiếp dân, ông yêu cầu cán bộ một số ngành như địa chính, quản lý đô thị, công an… phải có mặt. Các cán bộ phải trả lời ngay là việc đó, yêu cầu đó, bức xúc đó… của dân thuộc về trách nhiệm của ai? Giải quyết thế nào? Thời gian nào xong? Ông lắng nghe và việc gì bà con hiểu chưa đúng, hoặc không thể đáp ứng được nguyện vọng của bà con, ông cho cán bộ giải thích tường tận. Giải thích đến khi nào bà con hiểu mới thôi. Còn việc gì xử lý được, ông chỉ đạo giải quyết tại chỗ.

Không chỉ tiếp người dân đến kiến nghị về việc giải quyết các vấn đề về cuộc sống, ông còn tổ chức gặp những anh chàng hay “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ”, gặp cả những người tù tha về, những người lao động bình dân. Ông lắng nghe tâm sự của họ và chia sẻ với nỗi khổ của họ như những người bạn. Còn với cán bộ, ông cho ra khỏi hàng ngũ những anh nào “không thấy xấu hổ khi bị chửi”; những người dửng dưng với nỗi khổ của dân và những người có tư tưởng cầu an, không dám làm gì, không dám chịu trách nhiệm.

Việc làm của ông, lúc đầu cũng không phải ai cũng đồng tình, thậm chí, họ còn cho đó là mị dân, là một hình thức “đánh bóng tên tuổi”. Thậm chí có người còn gửi đơn tố giác ông lên cấp trên. Nhưng ông bỏ ngoài tai và tiếp tục làm những gì mà ông cùng tập thể lãnh đạo đã quyết.

Một năm, rồi hai, ba năm trôi qua… khiếu kiện ít dần, ít dần và tất nhiên là cũng không còn chuyện người dân đến tận cơ quan công quyền chửi bới nữa. Tất nhiên, để có được kết quả ấy thì không phải là chỉ có công tác tiếp dân, mà quan trọng là ông và cấp ủy Đảng đã thay đổi được cả một cách nghĩ, cách làm của cán bộ các cấp về đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Khi quyền lợi của người dân được đảm bảo, khi không còn nạn cán bộ ức hiếp dân, thì tiếng kêu than cũng chẳng còn.

* * *

Ông nhắc đi nhắc lại với tôi câu nói: “Không giành lại dân, giành lấy niềm tin của dân là mất hết đấy anh ạ!”.

Và thật thú vị, ông trở thành bạn tâm giao của nhiều nhà báo. Các đồng nghiệp của tôi đều quý trọng ông, một người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Nguyễn Như Phong

neu can bo quen nghe chui Có thật \'9 người dân nuôi 1 cán bộ nhà nước\'?

- "9 người dân nuôi một cán bộ nhà nước" - một con số gây sửng sốt. Tuy nhiên, có đến mức 9 người dân ...

neu can bo quen nghe chui Thanh Hóa: Đề xuất dự chi 1,7 tỉ đồng cho 3 lãnh đạo đi Mỹ xúc tiến đầu tư

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch (Thanh Hóa) vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh thẩm định kinh ...

neu can bo quen nghe chui Hơn 20 cán bộ nộp lại quà tặng, tổng trị giá trên 400 triệu đồng

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, có 24 trường hợp nộp lại quà tặng, tổng trị giá 421 triệu ...

/ Theo Năng lượng Mới