Mỹ - Trung mập mờ, châu Á lo ngại

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo có thể đánh thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc nếu hai bên không đạt được thỏa thuận hiệu quả

Theo đà cổ phiếu ở Phố Wall (Mỹ) lao dốc trước đó một ngày, giá cổ phiếu ở châu Á hôm 5-12 cũng đồng loạt sụt giảm giữa lúc giới đầu tư lo ngại về nguy cơ kinh tế trì trệ và viễn cảnh không rõ ràng về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đại lục - được theo dõi sát sao do Bắc Kinh đang trực tiếp đối đầu với Washington - trượt dốc vào cuối ngày giao dịch. Các chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt giảm 0,61% và 0,484%. Số phận cổ phiếu ở các thị trường khắp châu Á cũng lâm vào tình cảnh tương tự, như chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 1,4%, Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,62%... Đáng chú ý là giá trị cổ phiếu các ngân hàng và công ty tài chính tại khu vực đều sụt giảm như ở Mỹ.

Tại Mỹ, các nhà đầu tư tăng cường rót tiền vào trái phiếu và bán tháo cổ phiếu trong bối cảnh có nỗi lo rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đã đạt đỉnh. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 3,1% hôm 4-12, đánh dấu ngày tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ hôm 10-10. Thê thảm hơn, chỉ số S&P 500 giảm 3,2%, còn chỉ số Nasdaq Composte giảm 3,8%.

my trung map mo chau a lo ngai

Nhà đầu tư Mỹ thất vọng vì giá cổ phiếu giảm mạnh hôm 4-12. Ảnh: REUTERS

Theo đài CNBC, tâm trạng nhà đầu tư còn chịu tác động bởi những điều không rõ ràng xung quanh thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ - Trung mới đạt được, như thời điểm bắt đầu đình chiến và nội dung chi tiết của thỏa thuận.

Tại cuộc gặp ở Argentina hôm 1-12, theo Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đã nhất trí tạm ngưng leo thang cuộc chiến thương mại để các cuộc thương thảo diễn ra.

Sau vài ngày im lặng, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 5-12 thông báo ngắn gọn là Bắc Kinh và Washington sẽ thúc đẩy đàm phán trong 90 ngày tới, đồng thời tự tin rằng hai bên có thể đạt được thỏa thuận. Hiện chưa rõ khi nào đàm phán Trung - Mỹ chính thức bắt đầu. Dù vậy, tờ The South China Morning Post đưa tin phía Trung Quốc đang chuẩn bị cử một phái đoàn 30 quan chức đến Washington vào cuối tháng này.

Ngoài ra, thông báo trên cho biết Bắc Kinh sẽ thực hiện càng sớm càng tốt các điều khoản cụ thể trong thỏa thuận đã được hai nhà lãnh đạo Trung Quốc, Mỹ nhất trí nhưng không nói rõ chi tiết.

Theo trang Bloomberg, Trung Quốc đã chuẩn bị nhập khẩu lại đậu nành và khí thiên nhiên hóa lỏng của Mỹ. Cụ thể, giới chức Trung Quốc đã được yêu cầu có những bước đi cần thiết cho các thương vụ mua sắm này. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu sự chuẩn bị vừa nêu có đồng nghĩa Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế suất trả đũa áp đặt lên các sản phẩm nói trên hay không. Ngoài ra, chưa có thông tin về thời gian các thương vụ diễn ra.

Đây được xem là tín hiệu đầu tiên xác nhận tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà Trắng rằng Trung Quốc đã nhất trí mua một số sản phẩm của Mỹ "ngay lập tức". Không dừng lại ở đó, theo Nhà Trắng, Bắc Kinh còn cam kết dỡ bỏ tức thì các rào cản thuế quan và phi thuế quan trong lúc bắt đầu thương thảo những thay đổi liên quan đến vấn đề chuyển giao công nghệ và bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Thông báo trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên mạng Twitter cảnh báo có thể đánh thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc nếu hai bên không đạt được thỏa thuận hiệu quả. Một loạt thông điệp này của ông chủ Nhà Trắng khiến các thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ do nhà đầu tư mất niềm tin vào sự bớt căng thẳng trong quan hệ hai nước.

Thỏa thuận sai lầm

Thỏa thuận đình chiến thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Cấp cao nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina cuối tuần rồi là một sai lầm có hại cho hệ thống thương mại toàn cầu.

Ông Adam Triggs, chuyên gia tại Trường ĐH Quốc gia Úc, đưa ra nhận định như trên với đài CNBC hôm 5-12, đồng thời tin rằng thỏa thuận không giúp giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ. Không những thế, việc ông Trump quan tâm đến các thỏa thuận song phương khiến các nhà lãnh đạo G20 sao nhãng khỏi những vấn đề thật sự trong hệ thống thương mại toàn cầu mà họ cần giải quyết.

Theo ông Triggs, một tổ chức đa phương như G20 nên đứng ra tìm kiếm một thỏa thuận đa phương về những vấn đề như dỡ bỏ rào cản trong thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, ông Trump lẽ ra nên làm việc chặt chẽ với các đồng minh khác của Mỹ để gây sức ép lên những tập quán thương mại bị xem là không công bằng của Trung Quốc.

Theo tuyên bố của Nhà Trắng, Trung Quốc đồng ý mua nông sản Mỹ ngay lập tức như là một phần của thỏa thuận đình chiến. Tuy nhiên, ông Triggs chỉ ra rằng đó là bằng chứng cho thấy thỏa thuận song phương của ông Trump tác động tiêu cực đến những nước khác bởi Trung Quốc có thể giảm mua nông sản của nước thứ ba để chuyển sang hàng Mỹ.

Trong khi đó, ông Stephen Nagy, chuyên gia tại Tổ chức châu Á - Thái Bình Dương (Canada), nhận định hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đều có lý do để tìm kiếm thỏa thuận "đình chiến" ngay cả khi nó thiếu các nhượng bộ cụ thể.

Tổng thống Trump cần một "chiến thắng chính trị" để mang về nhà trong bối cảnh cuộc điều tra nghi án chiến dịch tranh cử của ông thông đồng với Nga nóng lên. Về phần mình, Bắc Kinh muốn có thêm thời gian để hiệu chỉnh chiến lược ứng phó với sức ép của Washington trong tương lai. "Sau 90 ngày đình chiến, căng thẳng thương mại sẽ tiếp tục và có thể thêm nghiêm trọng" - ông Nagy dự báo.

Hoàng Phương

my trung map mo chau a lo ngai Giải mã chứng khoán Mỹ tăng vọt rồi giảm sốc sau "đình chiến" thương mại

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 4-12 lao dốc, trái chiều với ngày trước đó, khi thỏa thuận đình chiến thương mại giữa Tổng thống ...

my trung map mo chau a lo ngai 4 khác biệt lớn đe dọa thỏa thuận "đình chiến" giữa ông Trump - Tập

Kinh tế toàn cầu phản ứng tích cực sau cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc bên lề hội nghị G20, song hai ...

my trung map mo chau a lo ngai Đình chiến thương mại chỉ là tạm thời

Những thỏa thuận đạt được về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tại G20 được xem như thành công cho mối quan hệ hai ...

/ https://nld.com.vn