Mỹ quan ngại luật hải cảnh Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại luật hải cảnh mới của Trung Quốc có thể làm leo thang tranh chấp hàng hải và được Bắc Kinh viện dẫn để thúc đẩy yêu sách phi pháp.

Washington "quan ngại về ngôn ngữ trong luật, rõ ràng gắn việc sử dụng vũ lực tiềm tàng, bao gồm cả vũ trang, của hải cảnh Trung Quốc với việc thực thi các yêu sách của Trung Quốc cùng các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải đang diễn ra ở Biển Đông và biển Hoa đông", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói trong cuộc họp báo ngày 19/2.

Ông nói ngôn ngữ của luật "ngụ ý mạnh mẽ rằng luật này có thể được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng của Trung Quốc".

1549 hai canh tq 1 4513 1611905007 6125 1613780891
Tàu hải quân Indonesia chạm trán tàu hải cảnh Trung Quốc hồi tháng 1/2020. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi còn lo ngại rằng Trung Quốc có thể viện dẫn luật mới này để khẳng định các yêu sách hàng hải phi pháp ở Biển Đông, vốn đã bị phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 bác bỏ", Price nói thêm.

Price cho biết Mỹ tái khẳng định tuyên bố vào tháng 7 năm ngoái, ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc là "hoàn toàn phi pháp".

Phát ngôn viên nói thêm rằng Mỹ "giữ vững lập trường" trong các cam kết liên minh với Nhật Bản và Philippines. Trước đó, tân Ngoại trưởng Antony Blinken cũng bày tỏ quan ngại về luật hải cảnh của Trung Quốc trong cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Nhật Bản Toshimitsu Motegi.

Tháng trước, Philippines gửi công hàm phản đối luật hải cảnh Trung Quốc sau khi nó được thông qua. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin gọi đây là "lời đe dọa chiến tranh với bất cứ quốc gia nào từ chối đạo luật". Hôm 17/2, đại sứ Philippines tại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh khẳng định luật hải cảnh không nhằm vào quốc gia cụ thể nào và hứa "sẽ kiềm chế".

Luật mới cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng "mọi phương tiện cần thiết" để ngăn ngừa hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài, đồng thời cho phép phá công trình nước khác xây dựng trên các thực thể và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền. Đạo luật này còn trao cho hải cảnh Trung Quốc quyền thiết lập các vùng cấm di chuyển "khi cần" để ngăn các tàu thuyền và người đi vào.

Trung Quốc đơn phương vạch ra yêu sách "đường 9 đoạn" để đòi chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Họ cũng có tranh chấp chủ quyền biển với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Bắc Kinh nhiều lần điều tàu hải cảnh đến xua đuổi tàu cá của các quốc gia khác và một số lần đâm chìm tàu cá nước ngoài.

Kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, Washington thực hiện một loạt động thái ở Biển Đông như điều tàu sân bay vào khu vực, thực hiện hoạt động tự do hàng hải, báo hiệu cho Trung Quốc rằng họ sẽ duy trì chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm.

Phương Vũ (Theo Reuters)

NATO cảnh báo về sự trỗi dậy của Trung Quốc NATO cảnh báo về sự trỗi dậy của Trung Quốc
G7 phản đối chính sách G7 phản đối chính sách "phi thị trường" từ Trung Quốc
/ vnexpress.net