Một điển hình về công tác xã hội hóa giáo dục của Thủ đô và cả nước

Từ khi thành lập đến nay, Trường Tiểu học, THCS & THPT Nguyễn Siêu đã không ngừng phát triển từ một trường dân lập bình thường đến trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao theo Luật Thủ đô và trường song ngữ Quốc tế Cambridge (từ năm 2014).

Vươn lên với “Sức mạnh Phù Đổng”

Thành lập 9/1991, đến năm học 1992-1993, nhà trường bắt đầu tuyển sinh, khai giảng. Năm học 1993-1994, trường có đủ ba cấp học và đến năm học 1995-1996 thì đủ 12 khối lớp. Từ bấy đến nay, Trường Tiểu học, THCS & THPT Nguyễn Siêu đã không ngừng phát triển từ một trường dân lập bình thường đến trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao theo Luật Thủ đô và trường song ngữ Quốc tế Cambridge (từ năm 2014). Năm học 2020-2021, toàn trường có gần 2700 HS và 370 cán bộ - giáo viên - nhân viên người Việt Nam và 61 giáo viên cơ hữu người nước ngoài với 16 quốc tịch trên khắp các châu lục tham gia giảng dạy. Từ “hai bàn tay trắng”, Nhà nước không phải đầu tư, giờ đây nhà trường có cơ ngơi khang trang, với mô hình Trường song ngữ Quốc tế Cambridge (CAIE).

1807 nguyyn sieu

Trường Nguyễn Siêu từ lớp 1 đến lớp 12 được tổ chức dạy và học theo hai chương trình: Chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam và chương trình Cambidge quốc tế. Trường là một trong hơn 10.000 trường thuộc hệ thống các trường quốc tế Cambridge ở 60 quốc gia trên thế giới và là Trung tâm khảo thí ủy quyền của của Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) với mã số VN 236. Trường được Microsoft công nhận là trường học điển hình ứng dụng công nghệ thông tin của Microsoft.

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT - NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh, năm học 2019-2020, trong bối cảnh đầy biến động bởi đại dịch Covid-19, thầy trò Trường Nguyễn Siêu đã nỗ lực vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học với chỉ số các mặt học tập và rèn luyện đều cao hơn năm trước.

Học sinh Tiểu học đạt thành tích rất tốt trong các kỳ thi, nhất là kỳ thi vượt cấp tiếng Anh Cambridge với gần 200 học sinh đạt trình độ B1 và B2 (trình độ dành cho THCS&THPT). Trường THCS&THPT trong kỳ thi THPT Quốc gia đã giữ vững truyền thống 100% tốt nghiệp với mức điểm cao hơn hẳn so với điểm trung bình của Hà Nội và toàn quốc, nhất là các môn: Tiếng Anh, Toán, Ngữ Văn...

Khóa A-Level đầu tiên (70% là học sinh học từ lớp 1, 30% học sinh học từ lớp 6 của trường) đã chính thức “ra ràng” với 2 tấm bằng tú tài Việt Nam và quốc tế. Tất cả đều đạt mức điểm khá-giỏi và xuất sắc. Đặc biệt, học sinh Đỗ Minh Anh gây ấn tượng với các đầu điểm A-Level đều là điểm tuyệt đối A*.

Với gần 80% học sinh toàn trường đang theo học chương trình Cambridge, các kỳ thi AS/A Levels, IGCSE của học sinh Nguyễn Siêu tháng 6/2020 cũng đạt kết quả vượt trội so với điểm trung bình chung của thế giới [90,5% bài thi Cambridge IGCSE Vật lí nằm trong phổ điểm A-A*, tỉ lệ A-A* ở môn Toán là 80%; IGCSE Hóa học có 95,2% đạt từ B-A*; 94,1% và 81,5% bài thi AS môn Sinh học và Toán đạt từ C-A; 50% bài thi A-level Global Perspectives đạt A*, 60-62% đạt B-A* A-level các môn Toán, Vật lí, Sinh học ...]

Học sinh trường Nguyễn Siêu đã ghi tên vào các trường đại học hàng đầu Việt Nam như Bách khoa, Ngoại thương, Kinh tế, Quốc gia; Không chỉ thế, các học sinh đã đỗ Tú tài quốc tế Cambridge A-Level, với những HS đạt 3 điểm A, 3 điểm A*, xuất sắc nhận được học bổng của các trường Đại học danh tiếng thế giới như: Sydney, Manschester, Melbourne, Massachusetts Amherst, Birmingham,…

Người “thuyền trưởng” không ngại khó khăn

Những thành tích mà trường Nguyễn Siêu hôm nay đạt được chính là nhờ công sức của người chèo lái Nguyễn Trọng Vĩnh cùng người bạn đời Dương Thị Thịnh. Ông sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, tham gia làm liên lạc trong kháng chiến chống Pháp từ khi mới 13 tuổi ở xã Đại Bản, được tổ chức điều lên huyện An Dương, làm văn thư cho Thành ủy Hải Phòng rồi được cử đi học Sư phạm ở Khu Học xá Trung ương tại Nam Ninh (Trung Quốc). Tiếp quản Thủ đô, ông công tác trong ngành Giáo dục, làm Hiệu trưởng Trường Đông Ngạc (Từ Liêm) ngay từ lúc mới 20 tuổi. Đang là cán bộ giảng dạy triết học Mác - Lê Nin tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, năm 1965 ông được điều vào làm cán bộ chính trị Đại đội thuộc Binh chủng Công binh khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc.

Trong 25 năm phục vụ Quân đội, Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh cùng cán bộ chiến sĩ binh chủng Công binh tham gia xây dựng nhiều công trình quốc phòng, từ Hoàng thành Thăng Long cho đến phòng thủ bờ biển, biên giới, hải đảo, làm cầu phà đảm bảo giao thông phục vụ chiến đấu dưới “mưa bom, bão đạn” của Mỹ - Ngụy trên tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia,... Ở bất kì cương vị nào, ông luôn là một quân nhân, một cán bộ, một người lãnh đạo gương mẫu, tiên phong, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Trong suốt dặm dài của cuộc kháng chiến trường kì, ông vẫn ấp ủ ước nguyện “trồng người”. Đó là lí do vì sao khi đã được nghỉ hưu, ông lại bắt đầu “khởi nghiệp” - xây dựng ngôi trường mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Siêu.

Về hưu ở tuổi 57, là thương binh chống Mỹ hạng 2/4, ông Vĩnh hoàn toàn có quyền nghỉ ngơi, dành thời gian bù đắp cho gia đình sau những năm dài gian khổ, xa cách, nhưng ông lại chọn một con đường mới, mở trường học, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Ông khởi nghiệp đúng vào giai đoạn đổi mới của đất nước đầy khó khăn, nhưng với phương châm “coi khó khăn là cơ hội, coi thách thức là thời cơ”, ông Vĩnh đã dựa vào đồng đội, đồng nghiệp cũ, vào những tấm lòng nhân ái hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, vì tương lai con em chúng ta, vì tương lai đất nước, dựa vào cha mẹ học sinh để xây dựng trường học. Lập nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn mọi bề, cơ sở trường lớp không có, phải nhờ đồng đội cũ sửa chữa, nâng cấp và đi thuê mượn. Tám lần đòn gánh trên vai, di chuyển địa điểm, ông vẫn không nản lòng, sờn chí.

Theo đạo học của danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Siêu “Đạo học không lối tắt” “Vẫn biết tròn là khôn, nguyện lấy vuông làm mẫu”, Ông cùng Bà đã đề ra mục tiêu phấn đấu của Trường Nguyễn Siêu: “Vì hạnh phúc gia đình, vì tiến bộ xã hội -Thầy mẫu mực, trò chăm ngoan học giỏi”. Với ý chí của “Bộ đội Cụ Hồ” cùng tinh thần bất khuất của người lính công binh, ông Vĩnh đã kiên cường vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, đưa con thuyền Nguyễn Siêu phát triển từng bước vững chắc, tự tin trên con đường hội nhập quốc tế.

“Luôn luôn đi trước, dẫn đầu”

Trên nền tảng của tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, ông bà luôn luôn coi trọng giáo dục đạo đức, phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt - đó là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong hoạt động giáo dục toàn diện và kế hoạch phát triển nhà trường. Đây chính là nền tảng giúp cho con thuyền Nguyễn Siêu không chệch hướng. Ông Vĩnh đi đầu trong việc tiếp nhận xu hướng giáo dục mới của thời đại, từ việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, chất lượng cao đến việc hội nhập quốc tế. Trong vai trò là người tiên phong, ông Vĩnh luôn đưa ra những quyết định sáng suốt vào những thời điểm quan trọng. Đặc biệt trong thời kì hội nhập, ông Vĩnh xác định lấy bản sắc dân tộc làm nền tảng để xây dựng một ngôi trường quốc tế hiện đại.

- 5 năm đầu khởi nghiệp, quyết tâm “hội nhập quốc tế” đã được khẳng định Trường cố gắng bố trí cho 100% HS được học Tin học và HS cấp II được học Ngoại ngữ, tranh thủ sự giúp đỡ của kiều bào về tư vấn, sách vở, tham gia giảng dạy, trao học bổng cho HS nghèo học giỏi, tạo môi trường thân thiện, nhân văn

- 10 năm dốc sức trưởng thành (1996-2006): Năm 1998, Trường được nhận Cúp luân lưu của liên ngành Giáo dục - Đào tạo và Văn hóa - Thông tin, sau đó là Trường Tiên tiến xuất sắc của thành phố Hà Nội... Năm 2004 trường Nguyễn Siêu chính thức “an cư” tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là dấu mốc đáng nhớ cho một giai đoạn tiếp theo đầy khởi sắc.

- 2006 - 2016, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất: Từ ngày có cơ sở mới, nhờ quy mô rộng lớn với các phòng chức năng, thực hành, thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, số lượng HS đoạt giải quốc gia, quốc tế và được học bổng nước ngoài tăng vọt. Nhà trường luôn đổi mới, tìm tòi sáng tạo, đi trước đón đầu qua các lĩnh vực: tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; mở rộng không gian lớp học; tích hợp liên môn, thực hiện học tập theo dự án; áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy tiên tiến; tổ chức các CLB và môi trường thể nghiệm; tổ chức cho giáo viên và học sinh tham quan, trao đổi học tập thường niên hai chiều với các nước như: Đan Mạch, New Zealand, Ý...; tổ chức hội thảo chuyên đề, chọn nghề, tuần lễ Festival tiếng Anh, ngày hội lãnh đạo, điểm hẹn thời gian, đại sứ văn hóa đọc Nguyễn Siêu,... Nhiều năm liền, trường có học sinh là đại biểu tham dự Chương trình giao lưu thế hệ trẻ giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, trường còn đón rất nhiều đoàn giáo viên, học sinh từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Philippines...

Do có những thành tựu xuất sắc, Trường được tặng Bằng khen và Cờ Thi đua xuất sắc của UBND TP Hà Nội, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Nhì và Ba của Chủ tịch Nước. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”. Cả ông và bà đều được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Một gia đình tận tâm với sự nghiệp “trồng người”

Sau 24 năm làm Hiệu trưởng, năm 2013, ông Nguyễn Trọng Vĩnh ủy nhiệm chức Hiệu trưởng Trường THCS & THPT cho con gái là Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thúy, học sinh khóa I, từng tu nghiệp ở nước ngoài về; còn con trai nguyên Thượng tá, TS Công nghệ Thông tin Nguyễn Vĩnh Hạnh làm Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Hội đồng quản trị. Hiện ông bà có hai người cháu đang theo học Quản lý Giáo dục ở Anh và New Zealand để chuẩn bị nhân lực cho thế hệ giáo dục thứ ba của trường...

Năm nay đã 88 tuổi, ông vẫn là Chủ tịch HĐQT, quán xuyến mọi công việc như vị tướng quân mưu lược; còn bà vẫn làm Phó Chủ tịch HĐQT và là “người nội trợ” của Trường Nguyễn Siêu. Hỏi bí quyết thành công của Trường, ông cười tươi: Đó là nhờ định hướng đúng ngay từ đầu: Chúng tôi luôn theo đạo học của cụ Nguyễn Siêu; tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; kết hợp dân tộc với hiện đại. Rồi ông giải thích, gia đình có hạnh phúc là con cháu phải chăm ngoan, học giỏi để phụng sự cho tiến bộ xã hội. Muốn đạt được điều đó thì người thầy phải mẫu mực toàn diện, cả đạo đức và tri thức.

Trước thềm năm học 2020-2021, thầy Vĩnh nhắn nhủ giáo viên và học sinh toàn trường: "Phát huy truyền thống đi trước đón đầu, thầy trò chúng ta nguyện đoàn kết, nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, vươn lên. Mọi hoạt động giáo dục của nhà trường dựa trên bộ 8 giá trị cốt lõi: Tôn trọng; Chính trực; Kỷ luật; Đồng cảm; Hợp tác; Tư duy cởi mở; Kiên trì và Cam kết".

Hỏi về phương hướng của trường, thầy Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, trường vẫn học song ngữ theo 2 chương trình Việt Nam và Quốc tế, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, thí điểm lớp 1 và lớp 6 hệ Advance để trở thành trường Quốc tế Cambridge - tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ nhất. Năm nay khóa A Level đầu tiên ra trường có 10 em, sang năm sẽ có 60 em và năm thứ ba là hơn 100 em... Trong những năm tới, trường tập trung đào tạo, xây dựng đội ngũ giáo viên Việt Nam để bổ sung nhân lực đội ngũ giáo viên giảng dạy chương trình Cambridge và tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu đào tạo ngày càng cao.

“Chắc ông bà còn sức mạnh tâm linh?” Vui chuyện, ông chỉ vào bức tượng Đức Thánh Trần để ngay trên bàn làm việc, mà rằng: “Tôi hợp mệnh, được ăn “lộc Thánh”.

“Thế tượng cụ Nguyễn Siêu mà thầy trò và Họa sĩ Trịnh Yên đúc từ thuở hàn vi thì ông bà thờ ở đâu?”

Nghe hỏi, ông cười tít cả mắt: “Vẫn ở tầng trên cùng, ngay cạnh phòng truyền thống, lát nữa mời anh lên chiêm bái, tưởng niệm các Cụ!”

Trong thoang thoảng hương trầm, hương sen, cụ Nguyễn Siêu ngồi đó, bên cạnh tượng Ngọc Phật Hồ Chí Minh và Đức Thánh Trần. Gian bên là bức tượng Phật ngàn mắt ngàn tay và khá nhiều kinh Phật. Có lẽ sức mạnh nhân bản và trí tuệ của trường Nguyễn Siêu luôn tỏa sáng từ chính nơi này.

Bộ GDĐT: Khó có chuyện xã hội hóa trường chuyên Bộ GDĐT: Khó có chuyện xã hội hóa trường chuyên
Có nhiều giá trị tốt đẹp của ngành giáo dục đang bị mai một dần Có nhiều giá trị tốt đẹp của ngành giáo dục đang bị mai một dần
Cử tri bất bình việc Cử tri bất bình việc "lạm thu" dưới "mác" xã hội hóa giáo dục

/ Nghề nghiệp & Cuộc sống