Manh mối tố cáo y tá giết vợ

Kế hoạch sát hại vợ của y tá Kenneth Barlow gần như hoàn hảo, nếu nạn nhân không đi tắm.

Án mạng được trình báo lúc 23h30 ngày 3/5/1957 tại ngôi nhà ở Bradford, Yorkshire, Vương quốc Anh. Tại hiện trường, thi thể chủ nhà Elizabeth Barlow, đang có thai 2 tháng, gục trong bồn tắm với tư thế đầu úp xuống. Người phát hiện sự việc là chồng của nạn nhân - y tá Kenneth Barlow, 38 tuổi, đang ngồi ôm bức di ảnh của vợ vật vã trong đau đớn.

Làm việc với nhà chức trách, Kenneth Barlow cho biết, cả hai đã uống trà cùng nhau lúc 17h, sau đó vợ than mệt và muốn đi ngủ sớm. Đến 21h anh ta bước vào phòng ngủ thì phát hiện vợ bị nôn ói trên giường, cả hai đã cùng nhau thay ga trải giường, lúc này Elizabeth cảm thấy nóng và muốn đi tắm.

Kenneth ngủ thiếp đi đến khi tỉnh dậy không thấy vợ, vội đi tìm thì phát hiện cô nằm bất động úp mặt trong bồn tắm. Ngay lập tức anh xả hết nước trong bồn tắm, di chuyển vợ đến nơi khô ráo để hô hấp nhân tạo và nhờ sự trợ giúp của hàng xóm xung quanh, nhưng mọi việc đã quá muộn.

Điều tra viên không phát hiện chứng cứ bất thường tại hiện trường. Kết luận ban đầu của cơ quan chức năng về nguyên nhân gây ra cái chết do ngộp nước.

Tuy nhiên, chuyên viên pháp y David Price được cử đến hiện trường lúc 2h, phát hiện một số chi tiết đi ngược với kết luận ban đầu về nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân.

Nghi vấn thứ nhất, trong lòng bàn tay của nạn nhân còn đọng lại ít nước - hoàn toàn mâu thuẫn với lời khai của Kenneth. Nếu thực sự anh ta dịch chuyển nạn nhân thì lòng bàn tay đã không còn nước.

Phát hiện tiếp theo là hai đồng tử của nạn nhân giãn ra, cộng với việc phát hiện bộ đồ ngủ ướt đẫm mồ hôi của nạn nhân. Điều này giúp chuyên gia pháp y David Price nhận định khác về nguyên nhân gây ra cái chết của Elizabeth có thể liên quan đến loại thuốc gây nghiện, song xét nghiệm sau đó không phát hiện chất kích thích trong người nạn nhân.

Khám phá quan trọng khác được tìm thấy trên cơ thể nạn nhân qua kính lúp là 2 vết chích trên mông. Lập tức mẫu mô có vết chích được thu thập và chuyển về phòng thí nghiệm pháp y để làm rõ. Chuyên gia David Price nghi ngờ nạn nhân bị tiêm insulin (một loại hormone giúp cơ thể sử dụng hoặc dự trữ glucose có được từ thức ăn) trước khi chết.

35 năm trước, nhóm nhà khoa học người Canada đã phát hiện ra loại hormone giúp cân bằng lượng đường trong máu. Tháng 01/1922, lần đầu tiên họ tiêm chất chiết xuất từ tuyến tuỵ vào người, giúp những bệnh nhân đái tháo đường nặng có cơ hội chữa lành bệnh. Khám phá này giúp các nhà khoa học giành được giải Nobel y học vào năm 1923. Tuy nhiên, về sau đây lại là dụng cụ giết người hoàn hảo vì nếu dùng quá liều insulin có thể hạ đường huyết gây nguy hiểm tính mạng.

5823 kenneth

Tháng 7/1957, Kenneth bị bắt với cáo buộc sát hại vợ.

Trước những chứng cứ quan trọng, Kenneth Barlow trở thành kẻ bị tình nghi duy nhất liên quan đến cái chết vợ mình. Kenneth barlow đang thất nghiệp, vừa kết hôn được 11 tháng, sống tại căn nhà do Elisabeth làm chủ với đứa con riêng 10 tuổi của mình. Hôn nhân của họ không ghi nhận sự bất thường.

Theo lời khai các nhân chứng từng là đồng nghiệp của Kenneth trong bệnh viện, hai năm qua họ đã nhiều lần nghe anh ta nhắc đến việc insulin có thể là dụng cụ giết người hoàn hảo mà không bị phát hiện, ngoại trừ sử dụng lượng thuốc cực lớn.

Giải thích về việc phát hiện những vết chích trên người của vợ, Kenneth biện minh, do vợ mang thai được 2 tháng, cả hai đều không muốn có con. Với sự đồng thuận của vợ, vào đêm xảy ra sự việc hắn đã tiêm cho vợ liều thuốc ergometrine có thể gây phá thai. Tuy nhiên, chuyên gia pháp y khẳng định các xét nghiệm sau đó không phát hiện sự tồn tại của chất này trong cơ thể nạn nhân, hơn nữa tác dụng của thuốc nếu sử dụng quá liều cũng không gây ra việc đồng tử bị giãn.

Để minh chứng cho sự tồn tại của insulin trong cơ thể Elisabeth, chuyên viên pháp chứng David Price đã nhờ đến sự trợ giúp chuyên gia đường huyết Vincent Marks, bằng biện pháp thực nghiệm lâm sàng để xác định mức insulin cao bất thường trong các mẫu mô được thu thập trên người nạn nhân.

Hơn 1.000 con chuột được tiêm chất chiết xuất từ mẫu mô trên người Elisabeth, kết quả những con chuột đều bị co giật, tình trạng này thuyên giảm khi chúng được tiêm glucose.

Tháng 7/1957, Kenneth bị bắt với cáo buộc sát hại vợ. Theo nhận định của các điều tra viên, vào đêm xảy ra sự việc Kenneth nói dối sẽ tiêm thuốc phá thai cho vợ, song hung thủ đã tiêm lượng insulin quá liều. Trước khi triệu chứng hạ đường huyết bộc phát, Elisabeth vã mồ hôi và khó chịu trong người nên đi tắm, cơn choáng váng đã làm nạn nhân bất tỉnh dẫn đến chết vì ngạt nước trong bồn tắm.

Điều này lý giải việc phát hiện lượng insulin còn sót lại trên cơ thể nạn nhân, sau khi chết cơ thể sẽ ngừng hấp thụ thuốc. Nếu nạn nhân không đi tắm có thể đã hôn mê và chết trên giường vì insulin đã được hấp thụ hết và không để lại dấu vết.

Luật sư bào chữa cho bị cáo khẳng định, do áp lực sinh con nên Elisabeth bị trầm cảm và tự kết liễu đời mình. Thân chủ không giết vợ vì động cơ giết người không được làm rõ.

Sau một tiếng rưỡi thảo luận, bồi thẩm đoàn kết luận Kenneth giết người, tuyên án tù chung thân, sau đó được ân xá vào năm 1984 sau 26 năm thụ án.

Nguyễn Ngọc (theo NYD News)

Nghi phạm giết vợ con sa lưới sau 8 năm lẩn trốn Nghi phạm giết vợ con sa lưới sau 8 năm lẩn trốn
Nghi án giết vợ chưa cưới rồi tự vẫn Nghi án giết vợ chưa cưới rồi tự vẫn

/ vnexpress.net