Mạng xã hội “Make in Việt Nam” - tại sao không?

Tại cuộc gặp với các doanh nghiệp công nghệ tại TP.Hồ Chí Minh mới đây, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng khuyến khích, đã đến lúc chúng ta phải viết một mạng xã hội mới, công cụ tìm kiếm mới, nhân văn hơn, coi trọng khách hàng hơn. Tuy nhiên, để mạng xã hội “make in Việt nam” được hình thành, có tính lan toả, có quy mô hàng chục triệu tài khoản như Facebook, YouTube ngay tại lãnh thổ Việt Nam lại là câu chuyện không dễ.

mang xa hoi make in viet nam tai sao khong
Mạng xã hội “Make in Việt Nam” nếu được hình thành sẽ cạnh tranh sòng phẳng với mạng xã hội nước ngoài trong lãnh thổ Việt Nam. Infographic: HẢI NGUYỄN

Mạng xã hội “Make in Việt Nam” mới sẽ như thế nào?

Tại buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mạng xã hội Facebook vận hành nhờ vào sự đóng góp từ người dùng, do vậy người dùng phải được tham gia quyết định luật chơi trên nền tảng đó”.

Mạng xã hội là một xã hội nên các giá trị đạo đức căn bản của con người cần được tôn trọng và phải tuân thủ luật pháp của các quốc gia. Mặt khác, mạng xã hội phản ánh đời sống thực nên những giá trị đạo đức cơ bản của con người phải được tôn trọng, đồng thời nền tảng mạng xã hội cũng phải tuân thủ pháp luật nước sở tại” - ông nói.

Ông Hùng lấy ví dụ người dùng đã đưa giá trị công ty sở hữu mạng xã hội đó lên 500 - 600 tỉ USD, nhưng trên thực tế người hưởng lợi không phải người dùng mà là một người. Người chơi mạng xã hội đó cũng không được tạo ra luật chơi của mình mà phải chịu quy định của một người.

Dẫn lại bức ảnh Mark Zuckerberg bước lên sân khấu tại một sự kiện công nghệ, Bộ trưởng Hùng nói, trong bức ảnh này ai cũng đeo kính thực tế ảo, chỉ duy nhất một người không đeo kính là chủ Facebook, chỉ một người nhìn thấy cuộc sống thực còn những người khác nhìn cái do người đó tạo ra.

Chính vì thế, ông cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải viết một mạng xã hội mới, công cụ tìm kiếm mới, nhân văn hơn, coi trọng khách hàng hơn và đưa người dùng làm chủ thể, và người dùng cũng phải được chia sẻ giá trị khi tham gia cuộc chơi đó.

Cần doanh nghiệp Việt làm mạng xã hội thật sự

Trong căn phòng tại tầng 2 của biệt thự khu vực Mỹ Đình, có nhóm 5 người với độ tuổi từ xấp xỉ 30 đang miệt mài bên dãy máy tính. Họ là những quản trị viên đầu tiên đang duy trì mạng xã hội butta.vn. Bà Nguyễn Thị Kim Đức là người đồng sáng lập mạng xã hội này, cho biết, mạng xã hội Phật giáo Việt Nam Butta.vn có khoảng 10 nghìn thành viên, và đặt mục tiêu trong 6 tháng tới con số sẽ lên tới 50 nghìn thành viên.

Đây chỉ là một trong hàng trăm mạng xã hội tại Việt Nam vơi khoảng 55 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm khoảng 57% dân số. Tuy nhiên, thị phần lớn nhất lại rơi vào mạng xã hội nước ngoài, kết quả thống kê độc lập do một doanh nghiệp Việt Nam kết hợp với các nhà mạng đánh giá số lượng người dùng Facebook hàng tháng vào khoảng 50 triệu người, người dùng Youtube hàng tháng vào khoảng 30 triệu người. Và quan trọng nhất, doanh thu các mạng xã hội tại Việt Nam lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng.

Bởi vậy, để cạnh tranh với mạng xã hội khổng lồ xuyên biên biến như Youtube, facebook, ông Phạm Ngọc Thành, phụ trách công nghệ của mạng xã hội butta.vn cho rằng, đó không phải mục tiêu và không thể cạnh tranh với facebook về phát triển số lượng người dùng. “Chúng tôi đi sâu vào thị trường ngách, một mạng xã hội chuyên biệt, dành riêng cho phật tử Việt Nam kết nối với phật tử mọi nơi trên thế giới là cách chúng tôi hướng tới” - ông Thành nói.

mang xa hoi make in viet nam tai sao khong
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe giới thiệu về hình thành mạng xã hội trong nước. Ảnh: T.C

Ở góc nhìn khác để phát triển mạng xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng GĐ VCCorp cho biết, cơ chế bảo hộ ngược trong một thời gian dài đang ngăn cản các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Ông Tân dẫn chứng Google, Facebook không phải nộp thuế, còn doanh nghiệp Việt Nam nộp đủ 4 loại thuế, phí liên quan doanh nghiệp. Ông Tân dẫn chứng, Google, Facebook không cần giấy phép.

Doanh nghiệp nội dung số Việt Nam buộc phải cấp phép và không được sáng tạo ra ngoài những gì được cấp phép theo cách quy định được ban hành và xây dựng cách đây 10 năm. “Chính sách phải áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, yêu cầu mạng xã hội Việt thực hiện thế nào thì cũng phải yêu cầu Facebook, Google thực hiện đúng như thế.

Phải đặt các doanh nghiệp trong cùng một sân chơi, còn nếu khắt khe với doanh nghiệp Việt nhưng lại dễ dãi với doanh nghiệp nước ngoài là bảo hộ ngược”, ông Tân thẳng thắn nói. Trước phản ánh của doanh nghiệp này, lãnh đạo cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TTTT) cho rằng, với những kiến nghị này, doanh nghiệp nên gửi thẳng lên Bộ TTTT để tìm cách giải quyết và cam kết sẽ tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp Việt làm mạng xã hội.

Mạng xã hội ở các nước trên thế giới

- Trung Quốc: Sina Weibo là mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc được nhiều người dùng Internet sử dụng. Giữa năm 2012, số người đăng ký sử dụng Sina Weibo là 368 triệu người. Có 5.000 doanh nghiệp và 2.700 tổ chức truyền thông ở Trung Quốc sử dụng Sina Weibo.

- Nga: Vkontakte là mạng xã hội được sử dụng phổ biến ở Nga, cung cấp nhiều tính năng tương tự như Facebook và hoàn toàn đánh bại thị phần của Facebook tại quốc gia này. Khoảng 54% cư dân mạng Nga dùng Vkontakte.

- Mỹ Latin: 59,1% trong tổng số hơn 33 triệu người dùng mạng xã hội Orkut là ở Brazil. Trong khi đó, trang mạng xã hội chuyên chia sẻ liên kết Taringa thường được dùng ở Argentina.

- Châu Âu: Netlog có hơn 94 triệu người dùng và phổ biến khắp Châu Âu cũng như các khu vực ở Trung Đông và Châu Á.

- Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới nơi Twitter nhận được nhiều lượt truy cập hơn Facebook. Ngoài ra, Mixi là mạng xã hội phổ biến nhất của Nhật Bản với 2 triệu lượt tải trang mỗi ngày.

- Ấn Độ: Ibibo là một dịch vụ mạng xã hội với khoảng 4 triệu người dùng, chiếm khoảng 3% tổng dân số Internet Ấn Độ. Ngoài ra, mạng xã hội Orkut phổ biến ở Mỹ Latin cũng có một lượng người theo dõi mạnh ở Ấn Độ. THANH HÀ

Mạng xã hội Việt Nam hình thành không thay thế mà cạnh tranh với mạng xã hội nước ngoài

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Quyền Cục trưởng Cục An toàn Thông tin (Bộ TTTT), mục tiêu thúc đẩy mạng xã hội Việt Nam không nhằm mục đích thay thế một mạng xã hội nước ngoài, cũng không vì mục đích cấm đoán. Facebook dù đáp ứng tốt nhu cầu giải trí của người dùng, nhưng cũng có nhiều hạn chế như tin giả, tin sai, tin phỉ báng… làm ảnh hưởng tới nhu cầu của thông tin của người dùng.

Bên cạnh đó nhiều nhu cầu thông tin của người Việt Nam, Facebook chưa đáp ứng được. Do đó, mục đích của nhà nước là tạo ra một mạng xã hội Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thông tin tốt hơn của người dân Việt Nam, cung cấp những thông tin lành mạnh, thông tin có ích. T.C

/ laodong.vn