Lý do Belarus chọc giận phương Tây để bắt nhà báo đối lập

Tổng thống Belarus ép máy bay dân sự hạ cánh để bắt Protasevich nhằm gửi thông điệp cứng rắn đến phe đối lập, cũng như thể hiện sức mạnh chính quyền.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cuối tuần qua ra lệnh cho máy bay chiến đấu hộ tống một máy bay thương mại của hãng Ryanair hạ cánh ở Minsk. Lukashenko giải thích nước này yêu cầu máy bay chuyển hướng vì có "cảnh báo đánh bom", nhưng lý do này không thuyết phục được phương Tây.

Mỹ, Canada và nhiều nước châu Âu cáo buộc mục tiêu thật sự của Belarus trong sự việc là bắt Roman Protasevich, nhà hoạt động 26 tuổi bị truy nã với cáo buộc "hoạt động khủng bố".

"Họ sẽ tử hình tôi", Protasevich nói với một hành khách có mặt trên chuyến bay của Ryanair vào ngày 23/5, trước khi an ninh Belarus áp giải khỏi máy bay. Tội danh khủng bố có thể bị kết án tử hình ở Belarus.

Lý do Belarus chọc giận phương Tây để bắt nhà báo đối lập
Nhà hoạt động Roman Protasevich đến dự một phiên tòa tại Minsk, Belarus vào tháng 4/2017. Ảnh: Reuters.

Sự việc châm ngòi làn sóng phẫn nộ từ các nước phương Tây. Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) gọi đây là vụ "không tặc" và ban bố lệnh trừng phạt bổ sung với Belarus, gồm lệnh cấm các hãng hàng không nước này sử dụng không phận hoặc sân bay trong khối. Phương Tây đồng thời kêu gọi Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO) của Liên Hợp Quốc điều tra vụ việc.

Câu hỏi đặt ra là động cơ nào thúc đẩy Tổng thống Lukashenko, người nổi tiếng cứng rắn với các nhà hoạt động đối lập, sẵn sàng "đào vực thẳm" với châu Âu để bắt Protasevich, một nhà báo mới 26 tuổi?

Protasevich đã tham gia biểu tình chống Lukashenko từ thời niên thiếu. Protasevich từng học báo chí tại Đại học Quốc gia Belarus, nhưng bỏ dở để làm phóng viên tự do cho các hãng truyên thông đối lập.

Cuối năm 2019, sau khi một đồng nghiệp bị bắt, Protasevich rời Belarus sang Warsaw, Ba Lan và tham gia Nexta, một kênh truyền thông hoạt động trên Telegram và YouTube, để đưa tin đồng thời hỗ trợ điều phối những cuộc biểu tình quy mô kỷ lục, kéo dài hàng tháng trời ở Belarus.

Làn sóng biểu tình này bùng phát sau khi Lukashenko tuyên bố tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 6 vào tháng 8/2020. Phe đối lập và EU nói rằng cuộc bỏ phiếu "không tự do cũng không công bằng", song Tổng thống Lukashenko bác bỏ mọi cáo buộc.

Nexta được xem là đối thủ đáng gờm nhất của Tổng thống Lukashenko trên không gian kỹ thuật số. Lúc ra mắt vào năm 2015, kênh truyền thông đã chào sân với video âm nhạc công kích chiến dịch tranh cử của Tổng thống Lukashenko.

Khi làn sóng biểu tình bùng phát vào tháng 8/2020, Nexta trở thành công cụ để người biểu tình đối phó với cảnh sát. Họ thông báo cho nhau trên kênh này vị trí của cảnh sát để có thể giải tán trước khi bị trấn áp, sau đó tập hợp tại để tiếp tục biểu tình cũng như cập nhật tình hình.

Làm việc tại Warsa, Protasevich dần từ bỏ hoạt động báo chí truyền thống, tham gia tích cực hơn vào việc tổ chức các cuộc biểu tình trên đường phố ở Belarus thông qua tài khoản Nexta trên Telegram.

"Cậu ấy quan tâm đến việc tổ chức biểu tình trên phố hơn là làm tin", Stip Putsila, người đồng sáng lập Nexta, cho hay. "Tôi không nói là cậu ấy trở nên cực đoan hơn, nhưng rõ ràng đã quyết liệt hơn".

Tuy nhiên, đến tháng 9/2020, phong trào biểu tình dần hạ nhiệt do không có người lãnh đạo. Vào tháng 10/2020, tòa án tại Minsk tuyên bố Nexta hoạt động trái pháp luật và có tính chất cực đoan. Nhân sự kênh bị liệt vào danh sách khủng bố.

Giới quan sát cho rằng việc Tổng thống Lukashenko tìm cách ép máy bay dân sự hạ cánh để bắt Protasevich sau khi kiểm soát thành công phong trào biểu tình nhằm gửi một thông điệp chung đến cả bạn lẫn thù.

"Thông điệp chính trị mà Lukashenko gửi tới những người hoạt động chính trị Belarus đã bỏ ra nước ngoài sau làn sóng biểu tình mới lẫn người ủng hộ Tổng thống là: Chính phủ đủ mạnh để chạm đến bất kỳ ai họ muốn", Igar Tyshkevich, nhà phân tích chính trị Belarus đang sống tại Ukraine, đánh giá.

Lý do Belarus chọc giận phương Tây để bắt nhà báo đối lập
Lộ trình theo kế hoạch của máy bay thương mại Ryanair hôm 23/5 trước khi buộc phải hạ cánh tại Minsk. Đồ họa: Al Jazeera.

Trong khi đó, theo giáo sư Glen Diesen, chuyên gia tại Đại học Đông Nam Na Uy và là biên tập viên cho tạp chí Russia in Global Affairs, động thái của Belarus xứng đáng bị lên án nhưng "chỉ là triệu chứng của hệ thống quốc tế đang dần thất bại, bị xé bỏ và làm suy yếu chính bởi phương Tây".

Diesen lưu ý rằng một số nước cũng từng có tiền lệ thay đổi lộ trình chuyến bay để bắt người, nhưng đều bị các nước phương Tây làm ngơ.

Năm 2010, một chuyến bay từ Pháp đi Mexico được đổi hướng theo yêu cầu của Mỹ nhằm bắt một hành khách. Năm 2012, Thổ Nhĩ Kỳ cũng buộc một máy bay dân sự từ Moskva đến Damascus, Syria hạ cánh tại Thổ Nhĩ Kỳ với lý do kiểm tra thiết bị quân sự. "Vào thời điểm đó, những nước phương Tây quyết thay đổi chế độ ở Syria lại ưu tiên ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ hơn là lo ngại về luật lệ hàng không dân sự", chuyên gia Na Uy nhận định.

Diesen cũng nhắc lại biến cố năm 2016, khi Ukraine đe dọa triển khai máy bay quân sự ép một máy bay thương mại Belarus quay đầu trở lại Kiev không lâu sau khi cất cánh. Chính phủ Ukraine thân phương Tây muốn bắt một công dân Armenia chỉ trích cuộc đảo chính Maidan. "Washington lúc ấy không một chút phẫn nộ. Họ là người ủng hộ then chốt cho phong trào biểu tình năm 2014", chuyên gia Na Uy nhận định.

Maryia Rohava, nhà nghiên cứu Đông Âu tại Đại học Oslo ở Na Uy, lưu ý rằng Protasevich là cái tên hàng đầu trong danh sách những nhà hoạt động chống Lukashenko tại nước ngoài. Sau những cuộc đụng độ với người biểu tình bị lên án vào năm 2020, chính quyền Belarus cũng đổi chiến lược xử lý khủng hoảng, ít dùng bạo lực bừa bãi và tập trung nhiều hơn vào truyền thông cùng các cá nhân nổi bật. "Ông ấy đã tắt thêm được một tiếng nói nặng ký", bà nhận định.

"Cuộc đấu với người đối lập vẫn tiếp diễn và không có dấu hiệu chấm dứt vào thời điểm này. Nếu các nước phương Tây không hành động ngay, những sự việc khó tin như vừa qua rồi sẽ trở thành chuẩn mực bình thường mới", Rohava cảnh báo.

Trung Nhân (Theo Al Jazeera/Wall Street Journal/RT)

Nhà báo đối lập Belarus lần đầu lên tiếng sau vụ vây bắt kịch tính như phim Nhà báo đối lập Belarus lần đầu lên tiếng sau vụ vây bắt kịch tính như phim

Nhà báo đối lập Roman Protasevich xác nhận sức khỏe của mình vẫn ổn sau vụ Belarus ép máy bay dân sự hạ cánh để ...

Tổng thống Lukashenko và mối quan hệ phức tạp với phương Tây Tổng thống Lukashenko và mối quan hệ phức tạp với phương Tây

Tổng thống Belarus đang bị quốc tế chỉ trích nặng nề vì “ép buộc” một chuyến bay thương mại phải hạ cánh để bắt giữ ...

Diễn biến vụ Belarus ép máy bay hạ cánh, bắt nhà báo đối lập Diễn biến vụ Belarus ép máy bay hạ cánh, bắt nhà báo đối lập

Roman Protasevich bắt đầu thấy lo sợ, lập tức chuyển đồ đạc cho bạn gái khi nhận ra máy bay Ryanair đang chuyển hướng tới ...

Belarus điều tiêm kích MiG-29 ép máy bay dân sự hạ cánh, bắt nhà báo đối lập Belarus điều tiêm kích MiG-29 ép máy bay dân sự hạ cánh, bắt nhà báo đối lập

Nhận ra mình sắp bị bắt giữ, Protasevich lấy vội đồ đạc, đưa một số vật dụng cá nhân cho người bạn gái đi cùng.

/ vnexpress.net