Lương tối thiểu tăng, lợi nhuận DN giảm, người lao động mất việc nhiều hơn?

Nếu lương tối thiểu tăng cao hơn năng suất lao động kéo dài sẽ bào mòn lợi nhuận của DN, làm suy giảm tích lũy cơ bản của nền kinh tế, tác động tiêu cực tới khả năng cạnh tranh của DN và của nền kinh tế.

Báo cáo nghiên cứu về tiền lương “Tăng trưởng tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã đưa ra thông điệp: Trong hơn một thập kỷ gần đây, lương tối thiểu đã tăng liên tục với tốc độ khá nhanh mặc dù năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước láng giềng đã làm gia tăng mối lo ngại về khả năng cạnh tranh của các DN và của nền kinh tế.

luong toi thieu tang loi nhuan dn giam nguoi lao dong mat viec nhieu hon

Các chuyên gia cùng quan điểm: Không tăng năng suất lao động, con đường phát triển của Việt Nam còn khó khăn. Tăng năng suất lao động đang là vấn đề của Việt Nam.

Theo nghiên cứu này, trong giai đoạn 2004-2015, năng suất lao động của Việt Nam chỉ tăng trung bình 4,4% nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân của lương tới 5,8%.

“Mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, nếu kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của DN và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, theo TS.Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR.

GS.Futoshi Yamauchi – Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho rằng, lương tối thiểu tăng có tác động tiêu cực đáng kể đến tất cả các khu vực kinh tế, nhưng mức độ tác động đến các khu vực có khác nhau. Việc tăng lương tối thiểu có tác động ít hơn trong khu vực tư nhân so với khu vực Nhà nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Và tăng lương tối thiểu sẽ làm giảm việc làm nhiều hơn trong khu vực Nhà nước (lương tối thiểu tăng 1% dẫn đến việc làm giảm 0,25%), nhưng tác động nhẹ và không đáng kể ở khu vực tư nhân và FDI. Hơn nữa, cùng ở trong khu vực tư nhân nhưng các DN thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về tiền lương và phúc lợi lao động cảm thấy khó khăn hơn khi lương tối thiểu tăng, vì thế họ sẽ phải giảm bớt số lượng lao động. Còn DN tuân thủ không nghiêm các chế độ lương và bảo hiểm, phúc lợi không cần phải giảm nhân công…

Về lợi nhuận, khu vực tư nhân chịu những tác động tiêu cực đáng kể từ tăng lương tối thiểu. Khi lương tối thiểu tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận có khả năng giảm 3,25 điểm phần trăm, theo GS.Yamauchi. Điều này cho thấy, chính sách điều chỉnh tiền lương tối thiểu nhanh và liên tục, có thể làm giảm tốc độ tích lũy tư bản của khu vực DN tư nhân, khiến khu vực này tăng trưởng chậm lại.

Nếu mức tăng lương lao động tối thiểu hoặc lương lao động trung bình cao hơn thì có thể khiến tác động tiêu cực đến chính lao động nghèo bởi để giảm chi phí lao động, nhiều khả năng là các DN sẽ sử dụng ngày càng nhiều máy móc thay vì sử dụng lao động.

Mục tiêu của việc tăng lương tối thiểu là để bảo vệ người lao động, tuy nhiên theo nghiên cứu của VEPR và theo TS.Nguyễn Tiến Dũng (VEPR), mục tiêu này không đạt được. Nguyên nhân một phần cũng bởi một bộ phận lớn người lao động (khoảng 50%) không có hợp đồng lao động và do đó không thuộc phạm vi áp dụng chính sách lương tối thiểu. Bên cạnh đó, hệ thống lương tối thiểu hiện nay dường như không bao hàm đầy đủ các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội. Điều này cho thấy việc áp dụng lương tối thiểu như một chính sách bảo trợ xã hội (nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và giảm nghèo) có thể không phát huy tính hiệu quả.

Từ đó, VEPR khuyến nghị mức lương tối thiểu hiện đang được tính theo tháng, nên dần chuyển sang hệ thống tính theo giờ, như vậy vừa bảo đảm quyền lợi của cả những người làm việc theo giờ (như sinh viên đi làm thêm) cũng như để người tuyển dụng linh hoạt hơn trong việc sử dụng lao động. Hội đồng tiền lương quốc gia hiện nay chỉ có đại diện Chính phủ, đại diện của người sử dụng lao động ở trung ương và đại diện của người lao động ở trung ương, theo VEPR thì cần có thêm các chuyên gia về kinh tế vĩ mô và kinh tế lao động...

Là đại diện cho người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia không đồng tình với nhận định tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động của VEPR. Theo ông, với mức tăng năng suất lao động 4,4% mà VEPR sử dụng là năng suất lao động xã hội chứ không phải là năng suất lao động công nghiệp, trong khi VEPR lại nghiên cứu và đánh giá ở các DN ngành công nghiệp.
/ Theo Thời báo Ngân hàng