Luận điệu xảo trá, phá hoại cuộc chiến chống dịch ở TP Hồ Chí Minh

Trước diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam, hàng loạt địa phương đã siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn việc giãn cách xã hội ở TP Hồ Chí Minh với tinh thần “ai ở đâu, ở yên đó”, mỗi phường, xã là một “pháo đài” chống dịch.

Những thủ đoạn xảo trá, đánh lận

Công tác phòng chống dịch COVID-19 chuyển từ tập trung cao độ ở cấp thành phố sang “hai mũi” vừa tập trung, vừa phân tán xuống đến từng phường, xã, cá nhân, hộ gia đình. Chính phủ và thành phố bảo đảm mọi nhu cầu để mỗi xã, phường là một pháo đài trong mọi khâu: Quản lý giãn cách, hạn chế tối đa số người ra đường, bảo đảm an sinh xã hội, lo ăn, ở cho người dân, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân; tăng cường xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện F0, bóc tách nguồn lây khỏi cộng đồng, điều trị F0 ngay tại xã, phường, tuyến trên chủ yếu chữa trị cho những trường hợp nặng. Quân đội, Công an triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó có lực lượng y, bác sĩ điều trị, Quân đội, Công an tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân, bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, an ninh xã hội.

Lợi dụng tình hình trên, một số đối tượng, tổ chức phản động đã phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin xuyên tạc, sai trái. Nhân việc Chính phủ quyết định việc thực hiện giãn cách ở mức độ cao hơn, thực chất hơn, chúng lập tức tập trung khai thác, công kích vào chủ trương, biện pháp, cách thức phòng, chống dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch. Ngay sau phiên họp của Thường trực Chính phủ với một số tỉnh, thành phía Nam, thống nhất thực hiện nhiều biện pháp với tinh thần trên, Đài RFA, RFI, BBC, hệ thống truyền thông hải ngoại, phản động đăng tải hàng loạt bài viết với nội dung lên án, phỉ báng, phê phán cách thức, biện pháp phòng, chống dịch.

Họ xuyên tạc rằng, việc thực hiện siết chặt giãn cách ở TP Hồ Chí Minh là “biện pháp sai lầm, phi khoa học”, cho rằng quyết định này sẽ là thảm họa; không thể coi “chống dịch như chống giặc”, virus nó vô hình lan truyền trong không khí, việc chốt chặt, lập hàng rào thép gai, nhốt dân… làm sao ngăn chặn được virus mà “để tra tấn dân”, từ đó vu cáo cách làm này “chỉ làm dịch lan rộng, dân chưa chết vì dịch bệnh thì đã chết vì đói”. Có bài viết mỉa mai: “Những kẻ khờ khạo thì chống dịch theo kiểu thiết quân luật, càng ngăn cản chừng nào thì càng làm bế tắc hệ tuần hoàn xã hội và dẫn đến cái chết của xã hội. Đã đến lúc phải chấp nhận một sự thật rằng mọi giải pháp “chống giặc” đều vô nghĩa”. Từ đó kêu gọi theo kiểu chống đối: “Đừng chống nữa, đừng đánh nữa, đừng diệt nữa… dân khổ lắm rồi, hãy khiêm tốn, nghiêm túc nhận sai, thất bại, chấp nhận”!

Lợi dụng việc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai một số đơn vị, lực lượng giúp dân phòng, chống dịch, tổ chức khủng bố Việt Tân cắt gắp nhiều hình ảnh xe bọc thép tung lên mạng để xuyên tạc rằng: “Hà Nội huy động lực lượng quân đội vào Sài Gòn để dẹp loạn nếu dân đói làm loạn… Quân đội sẽ đàn áp nếu dân đói xuống đường biểu tình, đòi quan chức mở kho lương. Quân đội hiện diện khắp đường phố Sài Gòn là để răn đe dân chứ không phải chống dịch!”. Luật khoa tạp chí vốn là một tổ chức tự xưng “xã hội dân sự” trá hình, tung lên cộng đồng mạng xã hội những hình ảnh việc cơ quan chức năng tuyên truyền, xử lý một số người dân vi phạm như không đeo khẩu trang, tập thể dục, ra đường khi không có việc cần thiết ở TP Hồ Chí Minh để xuyên tạc, quy kết chính quyền là vi hiến. Họ lèo lái: “Việc đi bộ, thể dục, đạp xe, ra đường trên phố vắng người không gây hại cho xã hội, cũng không tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh, vì không tiếp xúc với ai. Chính việc xử phạt lại làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh khi người bị phạt phải tiếp xúc cùng lúc với ba viên cảnh sát. Tại sao nhà nước lại có quyền trừng phạt một hành vi không gây tổn thất cho xã hội”? Cho rằng Chỉ thị 16 không phải là văn bản pháp quy, việc ban hành chỉ thị để cấm đoán quyền đi lại, làm việc là vi hiến…

Nhiều trang mạng hải ngoại phát tán, lan truyền nhiều hình ảnh bi thương trong đại dịch để lên án Nhà nước, chính quyền bỏ mặc dân. Họ xuyên tạc tình hình tiếp cận, phân bổ vaccine, phê phán Nhà nước phân biệt, ép người dân tiêm vaccine mà không được lựa chọn, kỳ thị chủng loại vaccine, chia rẽ vùng miền, khối đại đoàn kết dân tộc, kêu gọi “dân bất tuân luật giãn cách”. Đây là những luận điệu sai trái, xuyên tạc với mục đích công kích, chống phá, hạ thấp uy tín và vai trò quản lý của Nhà nước, chính sách, biện pháp, cách thức phòng, chống dịch bệnh; gây hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh cấp bách hiện nay. Luận điệu này là một thứ “biến chủng Delta” của virus thông tin độc hại, nguy hiểm.

Sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết

Trái với luận điệu trên, thực chất, việc áp dụng giãn cách xã hội là một trong những giải pháp hữu hiệụ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng. Thực tế 3 đợt dịch trước ở Việt Nam đã chứng minh, thực hiện thông điệp 5K, áp dụng giãn cách xã hội vẫn là giải pháp chỉ đạo để ngăn chặn sự lây lan bệnh, đặc biệt trong điều kiện nguồn vaccine còn hạn chế, chưa thể tiêm chủng rộng khắp cho nhân dân. Đây là cách thức khoa học, đúng đắn đã được các cấp chính quyền quyết liệt thực hiện, được nhân dân đồng tình ủng hộ, qua đó đã hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng quyết liệt phương pháp này và đã thành công ở từng mức độ cụ thể, cùng với việc tăng cường tiêm chủng vaccine. Do đó, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với TP Hồ Chí Minh và các địa phương đang có dịch bệnh phức tạp là:

Thứ nhất, thực hiện cách ly nghiêm ngặt, triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã, phường với xã, phường để ngăn chặn dịch bệnh lâu lan. Lực lượng Quân đội, Công an được huy động, chi viện, phối hợp với TP Hồ Chí Minh và các địa phương triển khai nhiệm vụ cùng các ngành, các cấp tham gia động viên, hỗ trợ người dân để thực hiện cách ly nghiêm ngặt. Thủ tướng chỉ rõ, cách ly là để lo cho dân, vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Thứ hai, cách ly, giãn cách cũng là biện pháp tổ chức, tăng hiệu quả xét nghiệm thần tốc, qua đó phát hiện F0 nhanh nhất, bóc tách ra khỏi cộng đồng, không bỏ sót; phân loại, hạn chế lây lan, áp lực lên hệ thống y tế, tập trung điều trị hiệu quả ca nhiễm, giảm tối đa các trường hợp tử vong.

Thứ ba, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương, với sự phối hợp của các lực lượng khác, Quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời hết sức uyển chuyển, linh hoạt, tận dụng các biện pháp khác để cung ứng lương thực, thực phẩm với điều kiện tiên quyết là bảo đảm tuyệt đối an toàn, tất cả vì sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của nhân dân.

Thứ tư, tăng cường lực lượng Công an, Quân đội để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân, trợ giúp người dân, cùng cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi, giải thích để người dân hiểu rõ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân, đúng như Thủ tướng chỉ đạo: “chúng ta làm gì cũng vì lợi ích của nhân dân”.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “tính mạng con người là trên hết, trước hết và quý giá nhất”. Đây vốn là bản chất tốt đẹp, nhân văn của chế độ và cũng là giá trị truyền thống quý báu của dân tộc. Thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội đợt này cũng là cụ thể hóa Lời kêu gọi của Tổng Bí thư: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”. Rõ ràng, lợi dụng dịch bệnh để thông tin sai trái, xuyên tạc với mục đích kích động, chống phá, đó là hành vi vô pháp, bất đạo trước sức khỏe, tính mạng con người, cần nhận diện và đấu tranh ngăn chặn.

Lê Thế Cương (Học viện Chính trị CAND)

/ cand.com.vn