Lời kể của những nhân chứng sống sót sau hai vụ sạt lở núi kinh hoàng

Một tuần sau khi sống sót trong vụ sạt lở núi, Thượng tá Ngô Nam Cường - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế dần ổn định tâm lý.

Khoảnh khắc định mệnh ở trạm kiểm lâm 67

Ông kể, chiều 12/10, nghe thông tin 17 công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3 bị đất đá vùi lấp, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man -Phó tư lệnh Quân khu 4, dẫn đầu đoàn công tác 21 người vào hiện trường.

0456 anh 1 4928 1602958325
Thượng tá Ngô Nam Cường (thứ hai từ trái sang) đứng cạnh Thiếu tướng Nguyễn Văn Man chiều 11/10. Ảnh: Võ Thạnh

Thuỷ điện Rào Trăng 3 nằm cách trung tâm xã Phong Xuân gần 30 km, địa hình độ dốc cao. Đường 71 dẫn từ tỉnh lộ 11B vào Rào Trăng 3 có nhiều dốc khúc khuỷu. "Anh Man yêu cầu đoàn công tác cho xem sơ đồ địa hình trước khi ba xe ôtô lăn bánh trong trời mưa gió", ông Cường nói.

Vừa qua dốc Ba Trục trên đường 71 khoảng 3 km, đoàn dừng xe để kiểm tra điểm bị sạt lở đầu tiên. Thiếu tướng Man và đoàn xuống đi bộ, quan sát. Một lúc sau, cả đoàn đi tiếp. Khoảng 16h, khi đến đập tràn Khe Cát cách đó không xa, đoàn công tác dừng lại. Thấy dòng nước lũ từ thượng nguồn qua Khe Cát chảy xiết, ôtô không qua được, tướng Man quyết định bỏ ôtô lại, cả đoàn vượt đập tràn hành quân vào Rào Trăng 3.

Trời tối dần, mưa không ngớt. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man thi thoảng động viên anh em hành quân. Khi đến đoạn bên trái là núi cao, bên phải vực sâu. Cả đoàn lưỡng lự không biết nên đi đường nào; có ý kiến đề nghị để 5-7 người ở lại đề phòng sự cố. Nhưng sau khi thảo luận, tất cả cùng thống nhất "lên đường". Đoàn công tác tiếp tục hành quân trong ánh sáng yếu ớt của những chiếc đèn pin.

Trời mưa mỗi lúc một to, đường trơn, đá cứa vào chân người buốt nhói. Sau khoảng 5 tiếng đi bộ, đoàn đến tiểu khu 67, trạm kiểm lâm Sông Bồ và quyết định dừng nghỉ tại đây. Căn nhà cấp bốn mái tôn xanh đã khóa cửa. Đêm tối, lại cần chỗ nghỉ ngơi, cả đoàn quyết định phá khoá, tìm được bên trong trạm một ít gạo và nước mắm. Họ phân công nhau đi kiếm củi và nhóm thành đống lửa.

Lúc này, ông Nguyễn Hữu Hùng - Cục phó Cứu hộ Cứu nạn (Bộ Quốc phòng) giao nhiệm vụ cho hai người trong đoàn đi kiểm tra xung quanh. Kết quả trinh sát cho thấy ngôi nhà còn cách cách đồi núi một đoạn ngắn, ngọn núi thấp, tương đối an toàn.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man lệnh cho năm người trong đoàn tiếp tục đi về hướng Rào Trăng 3 xem xét tình hình, "trong vòng một tiếng phải trở về trạm 67". Sau một tiếng, những người này vẫn chưa quay lại. Tất cả các thành viên trong đoàn đứng ngồi không yên vì lo lắng. Họ chờ thêm 45 phút thì nhìn thấy trong đêm tối gió lạnh, lấp loáng ánh đèn pin của những người đi xem xét tình hình trở về.

Đêm trong trạm kiểm lâm 67, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng cả đoàn vừa bàn bạc công chuyện vừa tranh thủ hong khô quần áo sau nhiều giờ đi bộ dưới mưa. Ông ngồi trầm tư bên đống lửa và bảo với mọi người trong đoàn công tác "việc thì gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân chúng ta phải làm". Nồi cơm chín tới, 21 người chia nhau mỗi người một bát cơm trắng chan nước mắm ăn cho ấm bụng rồi trải chiếu ngả lưng. Cả đoàn chia nhau ra 3 gian nhà của trạm. Trước lúc đi ngủ, họ gọi điện về báo còn cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13 km.

0507 hien truong tram 67 5818 1602958325
Hiện trường trạm 67, nơi đoàn cứu hộ gặp nạn. Ảnh: Minh Phan

Cả đoàn nghỉ ngơi chưa được bao lâu thì một tiếng nổ chát chúa vang lên. Thượng tá Ngô Nam Cường cùng hai nhân chứng khác nhớ lại, lúc đó có tiếng hô "tất cả nằm vào góc chữ A". Sau 5 giây tĩnh lặng, hoàn hồn, một người quờ tay xuống gầm giường tìm đèn pin soi sang bên cạnh thấy một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra. Chỉ trong tích tắc, bùn, đất, đá đã nhấn chìm các gian nhà bên cạnh, chỉ còn lại một gian, nơi 8 người nghỉ ngơi. Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế bị hai bức tường đổ đè lên người.

"Hai bức tường trạm 67 vỡ ra, đè lên chân làm tôi mắc kẹt. Các anh em thấy vậy đến lôi tôi ra ngoài" ông Cường thuật lại.

Lúc đó, điểm danh thiếu 13 người, các thành viên sống sót gọi như hét giữa đêm tối nhưng phía trong đống đổ nát không có ai trả lời. Tất cả bàn bạc "nên đi hay ở", có người nói chỗ này sụt đất rồi thì ở lại có thể sẽ an toàn hơn vì đi biết đâu chỗ chạy đến lại sụt thì sao? Khi đang lưỡng lự, tất cả lại nghe tiếng "ầm ầm ầm" chát chúa, đợt sụt đổ thứ hai đến. Không còn lựa chọn, tất cả cùng chạy về phía trước, ra đến điểm dừng xe ôtô. Đến khoảng 4h sáng, đoàn mới về được trụ sở xã Phong Xuân, báo cáo lại sự việc với các cấp chỉ huy và đề nghị triển khai quân tìm kiếm những người mất tích.

Theo ông Cường, trước khi hành quân, đoàn công tác biết đi bộ nhiều km sẽ vất vả song vì muốn sớm vào xác minh xem có phải công nhân bị vùi lấp không. Trên đường đi, đoàn cũng đã khảo sát và biết có trạm kiểm lâm, lán trại của người dân để có thể nghỉ qua đêm.

Chỉ 5 người sống sót trong 27 người

Tối 18/10, anh Phạm Tấn An, nhân viên thông tin Đoàn kinh tế quốc phòng 337, thôn Cợp, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hoá), một trong 5 nạn nhân sống sót sau vụ lở núi tại đây vẫn chưa hết bàng hoàng. Giọng anh chùng xuống khi kể về diễn biến vụ lở núi.

0514 nan nhan an 6415 1603040556
Anh Phạm Tấn An, nhân viên thông tin Đoàn kinh tế quốc phòng 337 kể lại vụ lở núi. Ảnh: Hùng Tiến

"Quá nửa đêm, 27 anh em đang ngủ trong khu nhà tập thể thì nghe một tiếng nổ lớn. Tôi vội bật dậy, chạy ra sau nhà xem thấy đất đá đang ào ào đổ xuống 3 khu nhà. Cùng lúc nhiều tiếng kêu cứu vang lên", anh An nói.

Hốt hoảng, anh An hô lớn "lở núi" rồi chạy xung quanh hỗ trợ mọi người tìm lối thoát. Trong màn đêm mập mờ bởi ánh đèn điện thoại, anh thấy nhiều đồng đội bị đất đá vùi lấp song chỉ biết nhìn theo và bất lực.

"Thấy người em tên Huy đang kêu cứu trong phòng rộng hàng chục mét vuông, tôi chạy vội vào trong hỏi có làm sao không? Cậu ấy đáp không sao, nhưng không có cách nào ra được vì bị bức tường, đất đá và một số vật dụng đè lên người. Tôi gọi thêm một chiến sĩ hỗ trợ đưa Huy ra, rồi gọi điện cấp báo cho chỉ huy", anh An kể.

Sau vụ lở núi đầu tiên lúc 1h ngày 18/10, đất đá tiếp tục đổ xuống 3 lần nữa khiến mọi người phải dạt ra ngoài cổng đơn vị lánh nạn, không ai có thể tiếp cận hiện trường để cứu hộ.

Là chiến sĩ thông tin, làm việc ở nhiều vùng đồi núi, song đây là lần đầu tiên anh An chứng kiến cảnh lở núi khủng khiếp như thế. "Những anh em may mắn sống sót rất đau lòng khi 22 đồng đội nằm xuống. Bây giờ cứ nhắm mắt lại là nhớ về những buổi làm việc, những bữa cơm cùng nhau", anh An sụt sùi, lấy tay lau nước mắt.

0502 hien truong lo nui 5665 1603040556
Hiện trường vụ lở núi vùi lấp 3 dãy nhà, nơi đóng quân của 27 chiến sĩ. Ảnh: Hữu Khoa

Được đồng đội cứu ra từ đống đổ nát, anh Huy nói mình như được "sinh ra lần hai". Anh kể, lúc đó đang nằm ngủ trong phòng tham mưu của Ban hành chính, cũng nghe tiếng nổ lớn như nhiều người khác, nhưng chưa kịp bật dậy đã bị bức tường lớn đổ đè lên người khiến mắc kẹt. Anh cố hết sức đẩy bức tường ra khỏi người nhưng vô vọng.

"Tôi cố gắng kêu lớn, may sao hai người bên ngoài nghe thấy, chạy vào hợp sức đẩy tấm bê tông để giúp tôi thoát ra ngoài. Những đợt lở núi tiếp theo ập xuống tiếp tục vùi lấp các dãy nhà, nhiều mảng tường trôi xa hàng chục mét", anh Huy nói.

Đoàn kinh tế quốc phòng 337 làm nhiệm vụ ở 5 xã biên giới vùng sâu, vùng xa huyện Hướng Hóa. Trong tháng 10, đoàn thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn đóng quân theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và đề nghị của chính quyền địa phương.

Phóng viên (t/h)

22 cán bộ chiến sỹ Đoàn 337 bị vùi lấp: Xe vào hiện trường đưa nạn nhân ra ngoài 22 cán bộ chiến sỹ Đoàn 337 bị vùi lấp: Xe vào hiện trường đưa nạn nhân ra ngoài
Rào Trăng 3 tiếp tục sạt lở, khó khăn tìm kiếm 15 công nhân mất tích Rào Trăng 3 tiếp tục sạt lở, khó khăn tìm kiếm 15 công nhân mất tích
Số người chết do mưa lũ đã tăng lên 84, còn 38 người đang mất tích Số người chết do mưa lũ đã tăng lên 84, còn 38 người đang mất tích

/ Nghề nghiệp & Cuộc sống