Lo 9 điểm/3 môn đỗ ĐH, cơn đau đầu không nhẹ

Liệu chúng ta có cần nhiều trường đại học đến thế không, khi mà ngày càng nhiều cử nhân phải giấu bằng đi làm công nhân?

Không phải ngẫu nhiên khi nhiều năm qua, cứ đến mùa tuyển sinh, câu chuyện ‘phổ cập hóa’ cao đẳng, đại học lại khiến dư luận đau đầu. Nếu năm 2017, ở nhiều trường sư phạm, chỉ cần 9 điểm đã có thể bắt đầu nuôi ước mơ ‘gõ đầu trẻ’ thì năm 2019, cũng chỉ với chừng đó điểm, thí sinh đã có cơ hội thành tân sinh viên của ĐH Nội vụ Hà Nội hay ĐH Bạc Liêu.

Đơn cử, Đại học Nội vụ Hà Nội công bố điểm sàn của trường dao động 12-17, mức sàn thấp từ 12-14 dành cho các ngành đào tạo tại phân hiệu của trường ở TP.HCM và Quảng Nam. Với mức sàn này, nếu tính cả điểm ưu tiên đối tượng và khu vực, sẽ có nhiều trường hợp thí sinh chỉ đạt điểm thi 9 điểm/3 môn cũng có cơ hội đỗ.

Cần lưu ý thêm rằng, đây là những ngành đòi hỏi người học phải có năng lực tư duy vượt trội (để còn tham gia hoạch định chính sách) và trong tương lai, không ít cử nhân sẽ tham gia vào bộ máy hành chính của các địa phương. Từ viễn cảnh thầy cô 9 điểm/3 môn tới mối lo công chức, viên chức… 3 môn/9 điểm, dù có tự tin thế nào, cũng khó tránh khỏi những cơn đau đầu không hề nhẹ.

lo 9 diem3 mon do dh con dau dau khong nhe
Một trong những trường Đại học lấy điểm sàn xét tuyển ở mức thấp.

Thế mà, với cách làm như hiện nay, thực trạng này sẽ là điều ‘tất dĩ ngẫu’ cả trong những năm sắp tới. Trong năm 2019, cả nước có khoảng 652.000 thí sinh dự thi THPT có nguyện vọng sử dụng kết quả thi đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh được duyệt là khoảng 490.000. Như vậy, về lý thuyết, chưa cần xét tới điểm thi, chỉ cần có nguyện vọng và lựa chọn trường phù hợp, 75,1% thí sinh sẽ trúng tuyển đại học, cao đẳng bằng hình thức xét tuyển học bạ hay xét điểm thi.

Xét về số lượng chỉ tiêu, ghi nhận giai đoạn từ 2017 tới 2019 có thể thấy, ngành giáo dục đang quản lý theo hướng tăng số lượng chỉ tiêu qua từng năm. So với năm 2017, các trường đại học, cao đẳng được tuyển tăng thêm 1,2% trong năm 2018. Một năm sau, con số tương ứng là 7,5%, dù chỉ có hơn 650.000 thí sinh xét tuyển đại học, cao đẳng, thấp hơn con số 688.641 của năm 2018. ‘Lạm phát’ đại học, cao đẳng dĩ nhiên sẽ dẫn tới ‘lạm phát’ cử nhân và từ lâu, những người tâm huyết với nền giáo dục Việt Nam đã đề cập tới nhiều hệ lụy.

Thứ nhất, về chất lượng lao động, theo suy luận thông thường, khó có thể hi vọng vào năng lực đầu ra khi đầu vào chưa đạt mức trung bình. Lý luận mở rộng đầu vào, siết chặt đầu ra nghe có vẻ… ngọt tai, nhưng lại không hề thực tế. Không lý lẽ nào có thể biện minh ngoại trừ năng lực của thí sinh có hạn, vậy thì, các trường cao đẳng, đại học tiếp nhận những thí sinh này sẽ dùng phép màu gì? Người xưa đã từng nói, có bột mới gột nên hồ và điều này xem ra vẫn còn giá trị.

Vả lại, bản thân giáo dục đại học của Việt Nam đang tồn tại quá nhiều vấn đề. Ngay cả sinh viên các trường đại học tốp trên khi ra trường cũng phải đào tạo lại để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, vậy nên, biện minh quá trình đào tạo đại học sẽ tạo ra những người lao động chất lượng dù đầu vào kém cỏi dường như là một sự lạc quan tếu.

Thứ hai, sự phình lên ngày càng lớn của khối cao đẳng, đại học dẫn đến sự teo tóp tương ứng của khối trường nghề. Theo quan điểm chỉ đạo, tới năm 2020, có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THPT tham gia trường nghề, nhưng thực tế được ghi nhận năm 2016 mới chỉ khoảng 2,5-3%. Tình trạng có được cải thiện hơn trong các năm gần đây do nhu cầu của thị trường lao động rõ rệt hơn và những toan tính sáng suốt hơn về mưu sinh đã khiến nhiều gia đình không đủ điều kiện cho con theo học cao đẳng, đại học đã chủ động lựa chọn học nghề. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này vẫn chưa rõ rệt.

Đã có nhiều lời than thở từ phía các trường nghề rằng vì không tuyển đủ chỉ tiêu mà vẫn phải duy trì, họ không có nguồn lực để đầu tư vào giảng dạy, đáp ứng nhu cầu của người tuyển dụng. Ở chiều ngược lại, học viên sẽ khó đặt niềm tin vào những địa chỉ đào tạo này nếu tương lai công việc của họ không rõ ràng. Sự tham gia của các trường dạy nghề tư nhân, thông thường là ở các ngành về công nghệ thông tin đã giải được phần nào cơn khát lao động có kỹ năng trong ngành này, nhưng nhìn chung, đối với những gia đình có điều kiện kinh tế dưới mức trung bình, lựa chọn đó là một giấc mơ xa xỉ.

Thứ ba và có lẽ không kém phần quan trọng, tình trạng “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ” dù khó bắt tận tay day tận trán nhưng vẫn đang tồn tại. Điều này đồng nghĩa, đang tồn tại một “thị trường” tuyển dụng lớn cho những nhân lực tiến thân không chỉ bằng năng lực. Sẽ là nguy cơ kép khi những người kém năng lực lại được tham gia vào bộ máy quản lý nhà nước. Bởi một mặt, không thể trông chờ có các chính sách và phương pháp quản lý hiệu quả từ những lao động kém chuyên môn. Mặt khác, khi con đường tiến thân bằng mối thân quen, quà cáp, nói như các vị ĐBQH, người ta sẽ tìm cách kiếm chác để bù cho phần đã phải bỏ ra, một trong những nguyên nhân gây nên vấn nạn tham nhũng vẫn còn đang nhức nhối.

Tính tới 1/7/2017, cả nước có hơn 3,8 triệu cán bộ công chức, viên chức và người hưởng lương, tương đương, cứ 7 lao động phải nuôi một người hưởng lương từ ngân sách. Sẽ là rất phi lý khi vẫn có những người nhận lương từ phần đóng thuế của người dân và doanh nghiệp nhưng không giúp đỡ mà còn làm khó cho hoạt động lao động, sản xuất của họ.

Dẫu những bất cập đã được nhận diện thì tìm chiếc chìa khóa hóa giải cũng không hề dễ dàng. Tranh cãi về triết lý giáo dục hay mục tiêu của giáo dục đại học chưa có lời giải và khi những luận thuyết được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra vẫn chưa được chấp thuận thì xem ra chúng chưa phải là lời giải đích thực.

Tư duy trực diện hơn về nhu cầu của thị trường lao động và cách thức đáp ứng những đòi hỏi đó không thể giải quyết được bài toán tổng thể, nhưng may ra có thể giải quyết phần nào bài toán việc làm. Theo đó, cần phân chia những nhóm ngành ưu tiên đào tạo, phục vụ các mục tiêu dài hạn của sự phát triển như giáo dục hay những yêu cầu đã được đặt ra của nền kinh tế như nông nghiệp công nghệ cao, cách mạng công nghệ 4.0… và đưa ra những đòi hỏi khắt khe, ràng buộc và như những ưu đãi tương xứng cho những người theo học các ngành này. Những chính sách hợp lý và việc thực thi chính sách một cách công bằng, minh bạch là điều nằm trong tầm tay của các nhà quản lý.

Đối với đội ngũ cử nhân phục vụ thị trường tự do, siết chặt số lượng đào tạo để quản lý tốt hơn về chất lượng giáo dục của các trường là cách thức dễ nhất để các nhà tuyển dụng không còn phải than phiền về năng lực cử nhân Việt Nam. Tiếp cận theo cách này, tư duy xã hội hóa giáo dục phải có sự điều chỉnh cho phù hợp. Ở đây xã hội hóa không có nghĩa là mở trường, mở ngành tràn lan, tuyển sinh bằng mọi giá. Chúng ta cần gì nhiều trường đại học đến thế khi mà ngày càng ghi nhận nhiều trường hợp cử nhân phải giấu bằng đi làm công nhân?

lo 9 diem3 mon do dh con dau dau khong nhe Hiệu trưởng Đại học Đông Đô đối mặt với án 20 năm tù
lo 9 diem3 mon do dh con dau dau khong nhe Con trai Angelina Jolie đến Hàn Quốc học đại học
lo 9 diem3 mon do dh con dau dau khong nhe Những người muốn có bằng đại học trong vài ngày là ai?
/ baodatviet.vn