Lê Linh là tác giả duy nhất của Thần đồng đất Việt

TAND TP HCM xác định họa sĩ Lê Linh là tác giả 4 hình tượng Tý, Sửu, Dần, Mẹo trong tác phẩm nổi tiếng Thần đồng đất Việt, ngày 3/9. 

Bản án có hiệu lực pháp luật ngay lập tức của TAND TP HCM cho rằng, cả ông Lê Phong Linh (họa sĩ Lê Linh) và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (bị đơn, giám đốc Công ty Phan Thị) đều không cung cấp được thời gian, bản vẽ phác thảo. Nhưng tại tòa, phía bị đơn thừa nhận ông Linh là người vẽ, trên tập truyện cũng thể hiện Lê Linh là tác giả.

Ngoài ra, pháp luật quy định, để được công nhận là tác giả, người trực tiếp sáng tạo tác phẩm phải để tên thật. Người hỗ trợ, góp ý kiến không được công nhận là tác giả. Ở đây, ông Linh trực tiếp thể hiện hình tượng nhân vật Tý, Sửu, Dần, Mẹo dưới dạng vật chất nhất định phù hợp với quy định của pháp luật, bà Hạnh nói nhân vật hình thành trong trí óc của bà là không có cơ sở.

le linh la tac gia duy nhat cua than dong dat viet
Hình tượng 4 nhân vật các bên tranh chấp.

Từ hai căn cứ trên, HĐXX bác đơn kháng cáo của Công ty Phan Thị và bà Hạnh, giữ nguyên bản án sơ thẩm công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất bộ truyện tranh.

Về quyền được làm tác phẩm phái sinh, TAND TP HCM căn cứ hợp đồng lao động thể hiện ông Linh là nhân viên Công ty Phan Thị với công việc là vẽ tranh minh họa. Do đó, ông Linh là tác giả của 4 hình tượng nhân vật còn Công ty Phan Thị là chủ sở hữu của tác phẩm, được quyền làm tác phẩm phái sinh. Nhưng việc sử dụng các hình tượng này không được sửa chữa, cắt xén, làm sai lệch hình tượng gốc gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả Lê Linh.

Trong khi đó, khi ông Linh nghỉ việc, Công ty Phan Thị tiếp tục sáng tạo các tập tiếp theo như Thần đồng đất Việt khoa học, Thần đồng đất Việt Mỹ thuật, Thần đồng đất Việt Toán học nhưng không xin phép ông Linh và có sự thay đổi, biến dạng về cách thể hiện nhân vật. Đồng thời không ghi có sử dụng hình ảnh nhân vật của Lê Linh.

HĐXX cho rằng đủ căn cứ xác định Công ty Phan Thị có hành vi xâm phạm đến quyền tác giả của Lê Linh, buộc bị đơn xin lỗi tác giả trong 3 kỳ liên tiếp trên hai tờ báo, bồi thường 15 triệu đồng chi phí luật sư cho nguyên đơn.

Trong đơn kiện gửi đến tòa năm 2007, họa sĩ Lê Linh cho biết, tập đầu tiên của Thần đồng đất Việt (tác phẩm do ông và Công ty Phan Thị thực hiện) ra mắt năm 2002. Ông vẽ các nhân vật trong truyện từ năm 2002 đến 2005. Sau tập 78, Lê Linh ngừng sáng tác. Các tập tiếp theo do các họa sĩ khác hợp tác với Công ty Phan Thị thực hiện. Sau đó, Lê Linh phát hiện trong hồ sơ đăng ký bản quyền, bà Mỹ Hạnh ghi tên đồng tác giả với ông.

Họa sĩ yêu cầu tòa xác định mình là tác giả duy nhất của bộ truyện, đề nghị Phan Thị không được phép sáng tác những biến thể của nhân vật trong bộ truyện. Phía bị đơn cũng kiện ngược họa sĩ vì đã sử dụng nhân vật Trạng Tí trong Thần đồng đất Việt để sáng tác nhân vật Long Tinh truyện Long Thánh.

Hồi tháng 2, TAND quận 1 xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của họa sĩ Lê Linh. Công ty Phan Thị và bà Hạnh không chấp nhận bị xử thua, kháng cáo toàn bộ bản án.

Hải Duyên

le linh la tac gia duy nhat cua than dong dat viet Tranh cãi gay gắt bản quyền Thần đồng đất Việt

Họa sĩ Lê Linh khẳng định một mình ông phác thảo cả tranh lẫn truyện, còn bà Hạnh cho rằng là người lên ý tưởng ...

le linh la tac gia duy nhat cua than dong dat viet Ai mới là chủ nhân bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt sau 12 năm tranh chấp?

Vụ kiện hy hữu tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” có thời gian kéo dài kỷ lục, ...

/ vnexpress.net