Lật tẩy toan tính “tích tiểu thành đại” của Trung Quốc nhằm từng bước độc chiếm Biển Đông

Tiếp sau việc các tàu dân quân biển của Trung Quốc tụ tập ở đá Ba Đầu ở cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam tản ra, sự kiện các cấu trúc nhân tạo vừa được Philippines phát hiện ở đây đang khiến dư luận lo ngại về âm mưu đằng sau động thái mới này.

Lật tẩy toan tính “tích tiểu thành đại” của Trung Quốc nhằm từng bước độc chiếm Biển Đông ảnh 1
Tàu dân quân Trung Quốc vào thời điểm tụ tập ở đá Ba Đầu

Mối quan ngại từ những cấu trúc nhân tạo phi pháp

Theo Trung tướng Cirilito Sobejana, Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines, các cấu trúc nhân tạo xây dựng trái phép được phát hiện ở cụm Sinh Tồn trong chuyến bay tuần thám cuối tháng 3 vừa rồi của Philippines. Trả lời đài GMA, ông Cirilito Sobejana cho biết: “Chúng tôi tin Trung Quốc đã xây chúng” và sự việc trên đã được báo cáo lên Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Philippines.

Dù hiện không có thông tin mô tả hình dáng, chức năng cũng như vị trí của những cấu trúc này tại cụm Sinh Tồn nhưng theo các hãng tin CNN (Mỹ) và Philippines Inquirer, các cấu trúc nhân tạo trên xuất hiện gần nơi các tàu dân quân biển của Trung Quốc tập trung trong những tuần gần đây. Philippines khẳng định sự hiện diện của các cấu trúc này là vi phạm luật quốc tế.

Philippines lo ngại bởi những gì đang diễn ra ở cụm Sinh Tồn khiến người ta nhớ lại cách thức mà Trung Quốc giành quyền quản lý bãi đá Vành Khăn và bãi cạn Scarborough từ tay Philippines trước đây. Đầu năm 1995, Trung Quốc điều 7 tàu đến đá Vành Khăn bắt giữ và trục xuất các ngư dân Philippines đang đánh bắt cá tại đây. Sau đó, Trung Quốc cho đặt những cấu kiện hình đa giác trên cọc thép và cắm cờ Trung Quốc, tiếp đó biến đổi chúng thành khu nhà mà Trung Quốc giải thích là để giúp ngư dân trú tránh thời tiết xấu. Thế nhưng, sau đợt tôn tạo vào năm 2015, nay Vành Khăn đã biến thành cả một cơ sở quân sự lớn với đường băng dài gần 3 km.

Với bãi cạn Scarborough, sau cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài hơn 2 tháng hồi năm 2012, Trung Quốc về cơ bản đẩy Philippines khỏi khu vực này. Tháng 8-2013, Philippines phát hiện Trung Quốc thả 75 trụ bê tông tại một khu vực ngập nước thuộc Scarborough. Khi Manila cáo buộc hành động lén lút của Trung Quốc là âm mưu khẳng định chủ quyền của mình ở Scarborough, thì Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “chúng tôi không hiểu các bạn đang nói gì”, đồng thời nêu lại luận điệu rằng Trung Quốc có “chủ quyền không thể chối cãi” đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh.

Không chỉ trên thực địa, về mặt tuyên truyền, Trung Quốc cũng tìm cách từng bước buộc dư luận làm quen với những toan tính mà nước này sắp đặt. Năm 2012, Bắc Kinh ngang nhiên cho thành lập “thành phố Tam Sa”, đơn vị hành chính để quản lý Trung Sa (bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough) cùng Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).

Tháng 8-2020, Trung Quốc tiến thêm một bước nữa khi quyết định thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” với trụ sở đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và “quận Nam Sa” với trụ sở đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Ngoài quản lý các đảo, đá và thực thể tại hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, chính quyền Tây Sa và Nam Sa còn quản lý các vùng biển xung quanh.

Cũng trong năm 2020, Bộ Dân chính Trung Quốc công bố tên chuẩn và tọa độ của 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông. Các tọa độ mà Bắc Kinh thông báo cho thấy phần lớn những thực thể dưới đáy biển này nằm trong và xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Danh sách 80 thực thể nói trên được đăng trên website của Bộ Dân chính Trung Quốc mà theo một chuyên gia thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), việc đặt tên trên phản ánh cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc đối với những thực thể trên”.

Biến cố nhỏ có thể dẫn tới thay đổi lớn trong khu vực

Những hành động nêu trên nằm trong toan tính của Bắc Kinh từng bước hiện thực hóa yêu sách chủ quyền cũng như hợp thức hóa việc chiếm giữ các đảo, đá, thực thể trên Biển Đông. Chiến thuật mà Bắc Kinh áp dụng là “tích tiểu thành đại”, chia nhỏ hành động của mình (thường là lén lút) để không bị dư luận chú ý trước khi ra tay vụ lớn. Việc làm này tương tự như hành động ăn xén gian lận trong kinh tế, ví dụ như gắn chip vào cây xăng ăn gian một vài ml khi khách đổ xăng, hay nhân viên ngân hàng lén lút làm tròn đơn vị xu lẻ trong giao dịch rồi chuyển sang một tài khoản khác để biển thủ. Hoặc như hành động âm thầm tấn công nhiều máy tính riêng lẻ để đến một lúc nào đó đánh sập cả hệ thống đã bị nhiễm bẩn.

Bằng cách chia nhỏ hành động, thậm chí đến mức vụn vặt, không để bất cứ hành động riêng lẻ nào nghiêm trọng đến mức đủ lý do để khơi mào chiến tranh, chiến thuật “tích tiểu thành đại” của Bắc Kinh khiến đối phương rơi vào thế kẹt, không biết đáp trả thế nào bởi lo ngại sẽ khiến tình hình căng thẳng. Các nước có liên quan bên ngoài khu vực cũng khó có thể áp dụng hành động can thiệp mạnh trước những biến cố nhỏ như vậy. Tuy nhiên, nếu được tích lũy dần dà theo thời gian và trên không gian đủ lớn, những hành động “cỏn con” đó có thể cộng dồn thành một thay đổi căn bản trong khu vực.

Đi liền với các hành động trên thực địa là chiến dịch tuyên truyền rằng “Biển Đông thuộc về Trung Quốc từ thời cổ đại”. Chẳng hạn, trong Văn kiện lập trường (Position Paper) mà Trung Quốc đệ trình lên Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại La Hay năm 2014 trong vụ kiện của Philipines với Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố: “Các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông có từ hơn 2.000 năm trước. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện, đặt tên, thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên của các quần đảo ở Biển Đông và là nước đầu tiên liên tục thực hiện quyền chủ quyền đối với chúng”.

Tất nhiên, lập luận sai lầm của Trung Quốc đã bị tòa PCA bác bỏ. Phán quyết của tòa PCA đã khẳng định rõ: “Tòa nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây”

Hành động “gặm nhấm” chủ quyền các nước khác ở Biển Đông của Trung Quốc cũng vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), văn kiện mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN tháng 11-2002. Điều khoản trong DOC đã nêu rõ: “Các bên liên quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, trong đó bao gồm cả việc không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống và xử lý các bất đồng một cách xây dựng”.

Philippines phát hiện nhiều cấu trúc nhân tạo ở Biển Đông, nghi của Trung Quốc Philippines phát hiện nhiều cấu trúc nhân tạo ở Biển Đông, nghi của Trung Quốc

Quân đội Philippines cho biết họ đã phát hiện thêm nhiều cấu trúc nhân tạo gần khu vực mà hàng trăm tàu ​​Trung Quốc đã ...

Trung Quốc đổi chiến thuật ở đá Ba Đầu? Trung Quốc đổi chiến thuật ở đá Ba Đầu?

Hàng trăm tàu vỏ sắt được cho là tàu dân binh biển của Trung Quốc đang có dấu hiệu điều chỉnh, thay đổi chiến thuật ...

Quân đội Philippines tung video tố tàu Trung Quốc dàn hàng ở Biển Đông Quân đội Philippines tung video tố tàu Trung Quốc dàn hàng ở Biển Đông

Philippines tung video cho thấy vài trăm tàu Trung Quốc dàn hàng, neo đậu gần các đảo đá thuộc cụm đảo Sinh Tồn trên quần ...

/ anninhthudo.vn