Lắp trạm thu phí vào trung tâm TPHCM: Từ 1.660 tỉ giảm còn 250 tỉ đồng

Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa đề xuất lắp 34 trạm thu phí ôtô vào khu trung tâm với kinh phí 250 tỉ đồng. Trong khi đó, cũng là đề án này, cách đây 2 năm có đề xuất kinh phí lên đến 1.660 tỉ đồng và gặp phải sự phản ứng của người dân.

lap tram thu phi vao trung tam tphcm tu 1660 ti giam con 250 ti dong
TPHCM đề xuất thu phí ô tô vào khu trung tâm. Ảnh: Minh Quân

Thời điểm thích hợp nên đề xuất?

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Sở GTVT cho biết, đây là thời điểm thích hợp để Sở đề xuất dự án thu phí xe ôtô vào trung tâm, bởi các vướng mắc về công nghệ thu phí, chế tài và pháp lý đã được tháo gỡ.

Theo đại diện Sở GTVT, dựa

trên cơ sở đề xuất của Cty CP công nghệ Tiên Phong, Sở kiến nghị UBND TP chấp thuận triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, thay vì hợp tác công - tư như phương án trước đây.

"Việc thu phí do cơ quan nhà nước thực hiện và chỉ thuê doanh nghiệp vận hành hệ thống. Hiện công nghệ thu phí nhận dạng qua tần số vô tuyến đã phổ biến, các trạm BOT trên toàn quốc đều áp dụng để thu phí không dừng. Mặt khác, Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép TPHCM ban hành một số loại phí, đây là cơ sở để chúng tôi đưa ra đề xuất trên" - đại diện Sở GTVT nói.

lap tram thu phi vao trung tam tphcm tu 1660 ti giam con 250 ti dong
Sơ đồ lắp hàng chục trạm thu phí ô tô vào trung tâm. Ảnh: ST

Từ 1.660 tỉ giảm còn 250 tỉ đồng

Cách đây 2 năm, Cty CP Công nghệ Tiên Phong đề xuất lập vành đai thu phí ôtô vào trung tâm, với tổng mức đầu tư lên đến 1.660 tỉ đồng và đã gặp sự phản ứng của người dân.

Tuy nhiên, theo đề xuất mới đây của Sở GTVT TPHCM, tổng mức đầu tư dự án chỉ còn khoảng 250 tỉ đồng, giảm hơn 1.400 tỉ đồng so với dự toán kinh phí mà phía Cty Tiên Phong đưa ra năm 2017.

Trao đổi với PV báo Lao Động về sự chênh lệch "khủng" này, ông Lâm Thiếu Quân - Tổng Giám đốc Cty Tiên Phong giải thích, thời điểm mà đơn vị đề xuất trước đây là tính luôn cả chi phí gắn chip và đầu tư hệ thống đường truyền.

"Hiện tại, chip thu phí tự động được Cty TNHH Thu phí tự động (VETC) gắn miễn phí tại các BOT và dùng được luôn tại trạm thu phí vào trung tâm. Mặt khác, hệ thống thanh toán đi thuê nên chi phí này bị loại ra khỏi tổng mức đầu tư ban đầu" - ông Quân nói.

Đại diện Sở GTVT giải thích, nếu như năm 2017, Cty Tiên Phong đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư, thì nay Sở đề xuất chuyển sang đầu tư công nên chi phí cũng có sự thay đổi.

"Số tiền đầu tư 1.660 tỉ đồng mà nhà đầu tư đề xuất năm 2017 là tổng kinh phí trong vòng 15 năm của dự án, bao gồm chi phí lãi vay, bảo trì và thiết bị công nghệ. Trong khi đó, Sở đề xuất 250 tỉ đồng dựa trên định mức đơn giá chi phí đầu vào như cổng thu phí, hệ thống đường truyền, chi phí thanh toán bù trừ và đã loại chi phí gắn chip" - đại diện Sở GTVT nói.

lap tram thu phi vao trung tam tphcm tu 1660 ti giam con 250 ti dong
Nhiều chuyên gia giao thông đề xuất chỉ thu phí đối với cao tốc hay tuyến đường mới xây chạy song song với đường cũ. Ảnh: Huân Cao

Đề xuất thiếu tính khả thi

Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, đề án lần này cần phải làm rõ và chứng minh được tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn.

Theo bà Trân, cần làm rõ mục đích của việc thu phí này là để giải quyết vấn đề gì? Nếu là để giải quyết vấn đề ùn tắc ở khu trung tâm thì chưa có tính khả thi.

"Ở một số nước tiên tiến như Singapore, Anh, Thụy Điển..., họ thu phí ôtô vào khu vực trung tâm, bởi trình độ công nghệ đã đạt đến đỉnh cao, hệ thống giao thông công cộng quá tốt, phục vụ đủ nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, giao thông công cộng ở TPHCM chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, sao lại áp dụng thu phí giống họ?" - bà Trân nói.

Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn ngạc nhiên khi đề án từng đề xuất vào năm 2017, đã gặp sự phản đối của nhiều người, nay lại tiếp tục đưa ra.

Theo ông Sơn, về nguyên tắc thu phí chỉ áp dụng ở các tuyến đường cao tốc, tuyến được xây mới song song với tuyến đường cũ. Đằng này việc thu phí đi trong đường phố, nội đô có từ hàng trăm năm là chưa phù hợp với tình hình thực tiễn tại TPHCM.

"Phương án này không khả thi về mặt kinh tế, chỉ làm lợi cho nhà cung cấp dịch vụ, còn người dân thì gặp bất tiện. Khi nào có một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, tiện lợi phục vụ đủ nhu cầu đi lại của người dân, khi đó mới tính đến việc thu phí ôtô vào khu vực trung tâm" - ông Sơn nói.

/ laodong.vn