Lạm thu đầu năm học: Khi chữ được bán với giá cắt cổ

Không ít gia đình tuy bức xúc với vấn nạn lạm thu nhưng vẫn phải ngậm bồ hòn lo đóng góp, thậm chí, với con số cắt cổ dân nghèo!

lam thu dau nam hoc khi chu duoc ban voi gia cat co 5828
Tờ phiếu thông báo 20 khoản thu đầu năm học có tổng số tiền lên tới hơn 9 triệu đồng. (Ảnh: Internet).

Nếu như trước đây tôi chỉ nín thở tạm thời, toát mồ hôi lạnh khi đọc truyện của Stephen King hoặc xem phim của Alfred Hitchcock, thì bây giờ những tờ phiếu thu đầu năm học mới có thể tạo ra những “triệu chứng” tương tự. Dù rằng tình trạng lạm thu, loạn thu lặp lại hàng năm, gây ồn ào và chưa cho thấy dấu hiệu chấm dứt.

Tôi từng đọc ở đâu đó, rằng người ta thường sợ hãi những điều mà người ta không hiểu rõ. Các khoản đóng góp trong dịp đầu năm học chỉ trở thành nỗi khiếp đảm với các bậc phụ huynh khi những con số tròn trịa trên đó khiến họ hoài nghi về thị lực và độ tỉnh táo của mình. Sự kỳ bí ở một khoản thu không chỉ nằm ở tờ phiếu thu, biên lai thu tiền mà còn nằm ở đường đi và đích đến của khoản thu đó.

Thời gian qua, ông Nguyễn Hữu Đạt - Hiệu trưởng trường THCS Minh Tân (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã khiến dư luận đi từ đợt hoang mang này đến đợt hoang mang khác bằng những câu trả lời mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với kết quả kiểm tra của huyện.

lam thu dau nam hoc khi chu duoc ban voi gia cat co 5828
Trường THCS Minh Tân (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) - nơi dự kiến thu hơn 9 triệu đồng/học sinh dịp đầu năm học mới. (Ảnh: Minh Sơn).

Ban đầu, ông Đạt cho biết nhà trường chưa tổ chức họp phụ huynh nên các khoản thu “khủng” của tờ phiếu thu hơn 9 triệu đồng gây xôn xao mạng xã hội đều là bịa đặt. Nhưng chỉ vài ngày sau, ông Đạt lại lên tiếng thừa nhận những điều chính ông từng phủ nhận. Và theo xác minh, có tới 18 khoản thu trùng khớp với 20 khoản thu xuất hiện trong tờ phiếu .

Một ví dụ khác xảy ra ở trường tiểu học Đặng Cương (An Dương, Hải Phòng) cũng gây sốc không kém với khoản thu hơn 10 triệu đồng áp dụng cho học sinh lớp 1 và sự tham gia của “hai người lạ mặt”, không phải thủ quỹ hay kế toán của nhà trường trong việc thu tiền tại các lớp. Chừng này tình tiết có đủ để các nhà văn làm dài thêm danh sách các tác phẩm kinh dị, vốn có vị trí vô cùng khiêm tốn trong kho tàng văn học Việt Nam, thưa bạn đọc?

Khi biết mức sinh của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TP.HCM có lúc xuống còn 1,4 con, người ta đã bắt đầu quan ngại về tương lai mất cân bằng cơ cấu dân số, một bé phải “cõng trên vai” cả ông bà lẫn bố mẹ. Nhưng sao có thể trách người lớn “ngại đẻ”, khi trên vai họ đang gánh gồng bao loại thuế, phí…?

Trước vấn nạn lạm thu, nỗi lo trường học bị biến thành doanh nghiệp, nghề giáo không còn là nghề cao quý, giáo viên không còn được gọi bằng thầy – khi đó đã trở thành người “thợ” được giao nhiệm vụ bán chữ bỗng chốc thu bé lại, nhường chỗ cho nguyện vọng duy nhất: Đưa con đến trường. Không ít gia đình tuy bức xúc nhưng vẫn phải ngậm bồ hòn lo đóng góp, thậm chí, với con số cắt cổ dân nghèo!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

http://www.nguoiduatin.vn/lam-thu-dau-nam-hoc-khi-chu-duoc-ban-voi-gia-cat-co-a338654.html

/ Trương Chi/nguoiduatin.vn