Kỳ vọng của Trung Quốc vào "cánh cửa cơ hội" thời Biden

Trung Quốc cho rằng dưới thời Biden, quan hệ Mỹ - Trung có cơ hội xoay chuyển để ngăn chặn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

20 năm trước, các lãnh đạo và chiến lược gia Trung Quốc xác định rằng những thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới sẽ mang đến cho Trung Quốc "cơ hội chiến lược" để phát triển kinh tế trong một môi trường an ninh bên ngoài tương đối ôn hòa.

1226 063 1288875598 8457 1606874699
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden tại Delaware ngày 1/12. Ảnh: AFP.

Họ cho rằng việc Mỹ chú trọng vào cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông và Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001 tạo ra cánh cửa cơ hội để Bắc Kinh duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 của Mỹ càng khẳng định đánh giá đó, khi Trung Quốc nắm bắt cơ hội để phát triển và sau đó nổi lên là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhưng 4 năm đầy biến động dưới thời chính quyền Donald Trump đã kéo Trung Quốc vào cuộc chiến thương mại kéo dài và thế cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt, dẫn đến lo ngại rằng cánh cửa cơ hội với Trung Quốc có thể đã khép lại.

Theo đánh giá mới nhất từ các chuyên gia chính sách đối ngoại hàng đầu Trung Quốc, cơ hội chiến lược vẫn tồn tại, có thể trong thời gian ngắn ngủi và Trung Quốc cần kéo dài nó càng lâu càng tốt.

Các chiến lược gia Bắc Kinh cho rằng cánh cửa đó sẽ mở ra dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden, lãnh đạo vẫn coi Trung Quốc là đối thủ, nhưng sẽ thực hiện những chính sách ổn định hơn để thay đổi quan hệ song phương. Để tận dụng cơ hội đó, họ kêu gọi chính phủ Trung Quốc tái điều chỉnh chiến lược của mình, tăng cường hợp tác với chính quyền Biden.

"Bắc Kinh cần nỗ lực duy trì thời kỳ cơ hội chiến lược càng lâu càng tốt, bao gồm cả việc tiếp cận và cải thiện quan hệ với chính quyền mới của Mỹ, bởi chính quyền Biden có thể cung cấp không gian và thời gian mà Trung Quốc cần", nhà bình luận chính trị Deng Yuwen nói.

"Thời kỳ cơ hội chiến lược" là cụm từ thường xuyên được nhắc đến trong các bài phát biểu và các văn bản chính thức của Trung Quốc, là khuôn khổ tổng thể mà các lãnh đạo Trung Quốc đánh giá môi trường bên ngoài và hình thành các chính sách trong nước và đối ngoại.

Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2002 dưới thời lãnh đạo lúc đó là Giang Trạch Dân, người "kế thừa" đánh giá của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình rằng Trung Quốc nên "náu mình chờ thời". Ông Giang dự đoán rằng "hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21 là thời kỳ có những cơ hội chiến lược quan trọng" mà Trung Quốc cần nắm bắt để phát triển sức mạnh.

Sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái khẳng định đánh giá này. Cuối tháng 10, trong một thông cáo được ban hành vào cuối Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ năm nhằm đề ra kế hoạch phát triển đất nước trong 5 năm tới, các lãnh đạo Trung Quốc khẳng định rằng nước này vẫn "trong thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng", bất chấp "những diễn biến và thay đổi mới về cơ hội và thách thức".

Đầu tháng 11, "kiến trúc sư trưởng" chính sách đối ngoại của đất nước, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, ra chỉ thị cần "bảo vệ và kéo dài" thời gian cánh cửa cơ hội đó hé mở.

Trung Quốc đã thể hiện thiện chí làm việc với chính quyền Biden. Tuần trước, ông Tập gửi điện chúc mừng Tổng thống đắc cử Mỹ, nói rằng ông hy vọng hai nước có thể tập trung vào hợp tác và giữ cho những khác biệt của họ trong tầm kiểm soát.

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9, ông Tập đã cam kết Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu phát thải CO2 lên mức cao nhất trước năm 2030 và sau đó đưa về 0 trước năm 2060. Tuần trước, ông Tập lần đầu tiên cho biết Trung Quốc đang xem xét tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - hiệp định mà các nhà phân tích cho rằng báo hiệu cam kết của Trung Quốc trong việc tiếp tục cải cách và mở cửa kinh tế.

"Tôi tin rằng chính Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, có thể xoay chuyển quan hệ song phương", Wang Jisi, chuyên gia hàng đầu về quan hệ Mỹ - Trung tại Đại học Bắc Kinh, nói.

"Chúng ta không thể quá lạc quan về Biden vì chính quyền của ông ấy có khả năng tiếp tục ưu tiên cạnh tranh hơn hợp tác. Nhưng nếu chính quyền Biden có thể mang đến diễn biến mới cho quan hệ Mỹ - Trung thì chúng ta phải nắm bắt cơ hội này".

Wang nói rằng mặc dù Bắc Kinh không có khả năng nhượng bộ về các vấn đề như Tân Cương, Tây Tạng hoặc Hong Kong, họ có thể cải thiện cách nhìn của Washington về Bắc Kinh bằng cách thúc đẩy nhiều chính sách cải cách kinh tế và hợp tác với chính quyền Biden về biến đổi khí hậu.

"Sự khác biệt lớn nhất giữa Tổng thống Donald Trump và Biden là Biden và các cố vấn của ông ấy hiểu rõ việc Mỹ - Trung đoạn tuyệt quan hệ là điều phi lý và đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Họ cũng hiểu rõ rằng hai nước không nên bắt đầu Chiến tranh Lạnh mới", Wang Dong, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nói.

"Chính quyền Biden sẽ cung cấp cánh cửa cơ hội để ngăn hai nước tiến vào một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn diện mới. Nhưng khoảng thời gian như vậy có thể rất ngắn ngủi, bởi vì Mỹ sẽ bầu cử quốc hội giữa kỳ vào năm 2022. Chính quyền Biden sẽ dành 100 ngày đầu tiên để xây dựng đội ngũ và giải quyết nhiều vấn đề khác".

Wang nói thêm rằng Trung Quốc cũng có thể được hưởng lợi vì khả năng Mỹ quay trở lại mạng lưới thương mại đa phương lớn của khu vực là rất thấp. Ông nói rằng do đảng Dân chủ đã mất đi một số ghế tại cả lưỡng viện quốc hội sau cuộc bầu cử vừa qua, chính quyền của Biden sẽ thiếu sự ủng hộ trong nước để tái gia nhập CPTPP.

CPTPP ban đầu được thiết kế như trụ cột quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á dưới thời Tổng thống Barack Obama, khi Biden là phó tổng thống, nhưng Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận ba ngày sau khi nhậm chức vào năm 2017.

"Đội ngũ của Biden chắc chắn sẽ nghĩ rằng Mỹ nên tham gia CPTPP, nhưng với bối cảnh chính trị hiện nay ở Mỹ, họ không thể đạt được đột phá", Wang nói. "Vì vậy, đây chắc chắn là một cơ hội chiến lược quan trọng cho chúng ta".

Thời Ân Hoằng, cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc, cũng cho rằng Bắc Kinh nên nắm bắt cơ hội mà chiến thắng của Biden tạo ra.

"Quỹ đạo quan hệ Washington - Bắc Kinh sau cuộc bầu cử Mỹ có thể bị ảnh hưởng hoặc định hình bởi Trung Quốc ở một mức độ đáng kể", ông Thời, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân, cho biết. "Vì vậy, điều quan trọng nhất là Trung Quốc phải điều chỉnh các chiến lược và chính sách của mình".

Thời Ân Hoằng nói rằng Trung Quốc nên bắt đầu đối thoại với chính quyền Biden càng sớm càng tốt và giảm bớt căng thẳng quân sự leo thang bằng cách "rút lui chiến lược". "Chúng ta cần phải điều chỉnh chiến lược quân sự, thực hiện rút lui chiến lược trong vấn đề Đài Loan, Biển Đông và chạy đua vũ trang, Shi nói. "Đây không phải là sự rút lui đơn phương của Trung Quốc, mà là đòn bẩy thương lượng để đặt lên bàn đàm phán với chính quyền Biden".

Giáo sư này cũng kêu gọi Bắc Kinh tránh "gây thù chuốc oán", giành nhiều thiện cảm hơn từ cộng đồng quốc tế. "Chúng ta phải tập trung và không gây thù địch với các quốc gia khác", ông nói. "Chúng ta chỉ nên có một đối thủ lớn, đây còn là cường quốc mạnh nhất trên Trái đất. Vì vậy, chúng ta cần giảm bớt cạnh tranh với các đối thủ nhỏ hơn để có thể thu hút sự ủng hộ từ các nước trung lập, những bên sẽ đồng cảm với chúng ta".

Phương Vũ (Theo SCMP)

Người được Biden đề cử vào chính phủ xóa hơn 1.000 tweet Người được Biden đề cử vào chính phủ xóa hơn 1.000 tweet "nói xấu"
Biden chiến thắng Trump nhưng khó vượt ải Mitch McConnell Biden chiến thắng Trump nhưng khó vượt ải Mitch McConnell
Kế hoạch 7 điểm ứng phó Covid-19 của chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden Kế hoạch 7 điểm ứng phó Covid-19 của chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden

/ vnexpress.net