Kiều trở lại trên sân khấu cải lương: Hiện đại và đậm chất trữ tình

“Nàng Kiều” – niềm cảm hứng sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ sĩ vừa tiếp tục được tác giả Nguyễn Hiếu phối hợp với đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai khai thác trở lại trên sân khấu cải lương với vở diễn “Nguyễn cầm ca – Kiều”. Tác phẩm tạo nhiều cảm xúc đẹp, ấn tượng đặc biệt cho người xem bởi sự sang trọng, hiện đại và đậm chất trữ tình của cải lương hiện đại.

Thực tế, trong những năm gần đây, hình tượng “nàng Kiều” được khai thác khá nhiều, cả trong điện ảnh và sân khấu, mỹ thuật. Trong đó, có những lần, “Kiều” được nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước khai thác cùng lúc như trong dự án “Nàng K…” của Viện Goethe Việt Nam. Riêng với tác giả Nguyễn Hiếu, ông đã có 3 lần viết kịch bản về Kiều.

Tác giả Nguyễn Hiếu cho biết, lần đầu tiên ông viết kịch bản về Kiều và được cố đạo diễn, NSND Anh Tú dàn dựng, đưa lên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam vào năm 2016. Thời điểm ấy, Kiều của Nhà hát Kịch Việt Nam được gọi là “bom tấn” của sân khấu kịch, có sự tham gia của dàn đồng ca hùng hậu. Sau này, Kiều tiếp tục được NSƯT Lê Chức đưa lên sân khấu múa rối. Vở diễn được đánh giá cao tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm. Lần này, Kiều lên sân khấu cải lương, mang tên “Nguyễn cầm ca – Kiều”. Bản dựng Kiều cho sân khấu cải lương của NSND Hoàng Quỳnh Mai lấy tứ về tiếng đàn, âm nhạc để nhấn mạnh sự đa đoan của nàng Kiều.

“Nếu ở kịch nói, Kiều là cái đẹp bị dập vùi thì ở cải lương, Kiều là âm thanh, là nỗi đau của thân phận con người”, tác giả Nguyễn Hiếu chia sẻ.

Kiều trở lại trên sân khấu cải lương:  Hiện đại  và đậm chất trữ tình -0

Cảnh trong vở “Nguyễn cầm ca – Kiều” của Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Sau 2 suất diễn đầu tiên tại Hà Nội, “Nguyễn cầm ca – Kiều” được đánh giá cao vì khai thác Truyện Kiều với những cách nhìn riêng của người làm nghệ thuật truyền thống đương đại. Các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam dẫn dắt người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc, khóc, cười cùng số phận các nhân vật quen mà lạ trong thế giới Truyện Kiều.

Chia sẻ về vở cải lương này, NSƯT Lê chức, nguyên Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho rằng, đây là một vở diễn tạo nhiều dấu ấn trong khai thác về Kiều. Vở diễn cho thấy một quan điểm về nghệ thuật rất chính thống và cách khai thác của đạo diễn rất khác. Kiều trên sân khấu cải lương không giống Kiều trên sân khấu kịch nói hay Kiều trên sân khấu múa rối. Với “Nguyễn cầm ca – Kiều”, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã khai thác được thế mạnh của sân khấu cải lương là tính duy cảm, đồng thời thuyết phục người xem bởi sự sang trọng về hình thức. Sân khấu đạt được tất cả các yếu tố của một vở cải lương gồm cả vũ đạo và âm nhạc.

NSND Vương Hà, thành viên Hội đồng nghệ thuật sân khấu cải lương cũng nhận định: “Nguyễn cầm ca – Kiều” giữ được truyền thống, sang trọng nhưng vẫn chân thực. Nhiều thế hệ đã dàn dựng về Kiều, nhưng NSND Hoàng Quỳnh Mai có những tìm tòi theo hơi thở thời đại, không bị đi vào vết mòn của những người đi trước. Cách chọn vai của nữ đạo diễn cũng rất phù hợp. Dàn diễn viên nam chuẩn chỉ. Vai Từ Hải của Minh Hải cho thấy bước tiến lớn của nam diễn viên trẻ. Diễn viên Như Quỳnh vào vai Kiều rất hợp bởi hình thức mong manh, yếu đuối, tài hoa. Với dàn diễn viên chính bản lĩnh, có tài năng, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã mang đến hơi thở đương đại, diễn tâm lý nhân vật, hiện đại, không cần nước mắt, mà vẫn thấy những nỗi buồn day dứt, sâu thẳm của nhân vật.

Trao đổi về “Nguyễn cầm ca – Kiều”, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai cho hay, khi dựng Kiều, chị thật sự áp lực và căng thẳng, nhất là khi gần đây, cả điện ảnh và sân khấu đều khai thác Kiều rất nhiều, có những tác phẩm đã thất bại. “Nguyễn cầm ca – Kiều” lại được dàn dựng khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa chống dịch, vừa luyện tập. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, NSND Hoàng Quỳnh Mai vẫn luôn kiên trì đắm đuối với việc khai thác về thân phận đàn bà. Kiều là một trong số những thân phận ấy nên đạo diễn có nhiều thuận lợi khi triển khai dàn dựng.

Với vở diễn này, NSND Hoàng Quỳnh Mai cố gắng phát huy thế mạnh của loại hình cải lương, thu hút khán giả bằng chất thơ, yếu tố trữ tình… Người xem có dịp tiếp cận với Kiều ở một góc nhìn trẻ hơn. Sân khấu “Nguyễn cầm ca – Kiều” được thiết kế đặc biệt, tràn ngập đàn. Những long đong, lận đận của người phụ nữ đẹp mang tên Kiều được gửi gắm qua tiếng đàn của nàng. Mỗi lần Kiều đàn là một tâm trạng rất khác nhau. Ê kíp thực hiện cũng không tham vọng đưa toàn bộ Truyện Kiều lên sân khấu, vì như thế sẽ quá dài. Nữ đạo diễn chọn lọc và cố gắng sắp đặt để làm nổi bật hình tượng người phụ nữ đẹp, đa đoan. Qua vở diễn, người xem càng yêu nàng Kiều bao nhiêu thì càng khát khao cái chân, thiện, mỹ, diệt trừ cái ác trên thế gian bấy nhiêu.

NSND Hoàng Quỳnh Mai cũng hy vọng, “Nguyễn cầm ca – Kiều” sẽ là tác phẩm mang nhiều ý nghĩa, thể hiện sự ngưỡng mộ, kính trọng của hậu thế đối với bậc đại thi hào Nguyễn Du, được đông đảo khán giả đón nhận trong thời gian tới.

N.H.

Cao Thái Hà đóng Hoạn Thư Cao Thái Hà đóng Hoạn Thư
Phim hé lộ tạo hình Thúy Kiều ở lầu xanh Phim hé lộ tạo hình Thúy Kiều ở lầu xanh

/ cand.com.vn